Linh hoạt để tạo đột phá trong xúc tiến đầu tư

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Tạo đột phá bằng những giải pháp mạnh mẽ, thiết thực là một trong những mục tiêu quan trọng mà Gia Lai đặt ra trong năm 2024 đối với công tác xúc tiến đầu tư.

Tạo “lực hút” với nhà đầu tư

Mặc dù có nhiều khó khăn, thách thức, song năm 2023, Gia Lai đã thu hút 43 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký 6.075 tỷ đồng (số lượng này cao gấp 2,3 lần so với năm 2022). Danh mục các dự án kêu gọi đầu tư giai đoạn 2023-2025 cũng được rà soát, chọn lọc kỹ càng để tăng tính khả thi với 27 dự án được chọn.

Đẩy nhanh tiến độ thi công đường hành lang kinh tế phía Đông để tăng khả năng kết nối, thêm điều kiện để hấp dẫn nhà đầu tư. Ảnh: Hà Duy
Đẩy nhanh tiến độ thi công đường hành lang kinh tế phía Đông để tăng khả năng kết nối, thêm điều kiện để hấp dẫn nhà đầu tư. Ảnh: Hà Duy

Ông Đinh Hữu Hòa-Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Kết quả đó có được là nhờ tỉnh đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh các dịch vụ công trực tuyến. Cùng với đó là việc thành lập Tổ công tác đặc biệt do Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng đã kịp thời rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư. Tỉnh cũng đã tăng cường công tác xúc tiến, thu hút đầu tư, tổ chức các đoàn công tác xúc tiến đầu tư tại Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản... và các địa phương khác trong cả nước; tổ chức thành công hội nghị xúc tiến đầu tư tại thị xã An Khê và các huyện phía Đông.

Song song đó, đã có 3 tổ công tác do các lãnh đạo UBND tỉnh làm tổ trưởng để thường xuyên đi kiểm tra thực tế, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong triển khai các dự án đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia; tập trung xử lý, tháo gỡ các điểm nghẽn về quy hoạch, kế hoạch, về đất san lấp, xác định giá đất để giải phóng mặt bằng… qua đó góp phần tạo môi trường đầu tư thuận lợi, bền vững để hấp dẫn các nhà đầu tư.

Ông Huỳnh Ngọc Thanh-Phó Giám đốc Công ty cổ phần Diên Hồng Gia Lai chia sẻ: “Công ty đang đầu tư trang trại chăn nuôi bò thịt tại huyện Kông Chro và Kbang với quy mô trên 4.000 con, giống chủ yếu được nhập khẩu từ Úc. Ngoài các điều kiện thuận lợi để phát triển chăn nuôi bò như khí hậu, thổ nhưỡng, đồng cỏ rộng lớn… thì môi trường đầu tư cởi mở, sự ủng hộ, tạo điều kiện cho nhà đầu tư hoạt động từ phía chính quyền địa phương chính là lý do để chúng tôi chọn Gia Lai làm nơi đầu tư”.

Một góc Khu công nghiệp Trà Đa (TP. Pleiku). Ảnh: Hà Duy
Một góc Khu công nghiệp Trà Đa (TP. Pleiku). Ảnh: Hà Duy

Linh hoạt các giải pháp

Tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, tại hội nghị tổng kết tình hình triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, đối ngoại năm 2023 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2024 (diễn ra ngày 4-1), Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long nhấn mạnh: Năm 2024 là năm then chốt, có ý nghĩa quan trọng, cần tạo ra được đột phá vượt bậc để bù đắp các chỉ tiêu năm 2023 còn đạt thấp và hoàn thành mục tiêu của kế hoạch 5 năm (2021-2025), một trong những nhiệm vụ đó là đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chuyển đổi số, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

Theo đó, để tiếp tục tăng hiệu quả xúc tiến đầu tư, 8 hoạt động trọng tâm sẽ được tỉnh triển khai. Đó là nghiên cứu, đánh giá tiềm năng, thị trường, xu hướng và đối tác đầu tư, thu thập các thông tin về nhu cầu, xu hướng kinh doanh các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh. Xây dựng hình ảnh, tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về môi trường, chính sách, tiềm năng, cơ hội và kết nối đầu tư, phối hợp, lồng ghép tổ chức, tham gia các hội nghị, hội thảo diễn đàn, tọa đàm trong nước và nước ngoài; tổ chức, tham gia các cuộc tiếp xúc, gặp gỡ với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và nhà đầu tư; tổ chức đi các tỉnh, thành phố trong nước thực hiện công tác xúc tiến đầu tư theo từng đối tác cụ thể. Hỗ trợ, hướng dẫn, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, hướng dẫn và hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai dự án đầu tư; tổng hợp và trình cơ quan có thẩm quyền giải quyết các đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp, nhà đầu tư.

“Việc xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ cho hoạt động xúc tiến đầu tư sẽ được chú trọng, thể hiện ở việc tiếp tục thu thập, hệ thống hóa các số liệu liên quan đến đầu tư; hệ thống những thông tin về pháp luật, chính sách, thủ tục đầu tư, tiềm năng, cơ hội và đối tác đầu tư; đồng thời duy trì và cập nhật thường xuyên hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu phục vụ hoạt động xúc tiến đầu tư. Việc xây dựng biên tập lại các ấn phẩm, danh mục kêu gọi đầu tư, xây dựng thông tin cơ bản dự án trong danh mục dự án kêu gọi đầu tư, xây dựng danh mục dự án kêu gọi đầu tư giai đoạn 2021-2025 được thể bằng song ngữ là tiếng Việt-Anh. Một hoạt động mà tỉnh sẽ tập trung triển khai nữa là đào tạo, tập huấn, tăng cường năng lực về xúc tiến đầu tư; cử cán bộ tham gia các lớp tập huấn nâng cao năng lực, chuyên môn xúc tiến đầu tư do bộ, ngành, Trung ương tổ chức”-ông Hòa cho hay.

Gia Lai đang nỗ lực kêu gọi các nhà đầu tư vào hoạt động tại Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh (huyện Đức Cơ). Ảnh: Hà Duy
Gia Lai đang nỗ lực kêu gọi các nhà đầu tư vào hoạt động tại Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh (huyện Đức Cơ). Ảnh: Hà Duy

Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long cũng đã ký ban hành Kế hoạch số 146/KH-UBND thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 5-1-2024 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024. Theo đó, tỉnh sẽ tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị; tiếp tục rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính theo hướng phấn đấu giảm 30-70% thời gian so với quy định của pháp luật.

Kế hoạch không chỉ hướng đến mục tiêu cải thiện năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tạo dựng môi trường đầu tư trong sạch, vững mạnh mà còn tạo nền tảng, cơ sở để thu hút các nhà đầu tư đến với Gia Lai. Qua đó, có thể phát huy hết những tiềm năng, lợi thế mà tỉnh đang sở hữu.

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai từng bước thực hiện xã hội hóa nhà đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp

Gia Lai từng bước thực hiện xã hội hóa nhà đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp

(GLO)- Lần đầu tiên chủ trương xã hội hóa nhà đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp (CCN) được thực hiện ở Gia Lai. Đây là một trong những điểm nhấn nổi bật để từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng các CCN trên địa bàn, từ đó đẩy mạnh thu hút đầu tư nhằm đa dạng hóa sản phẩm công nghiệp của địa phương.