Lễ hội cà phê: Vì sự giàu đẹp của Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Với chủ đề “Hội tụ tinh hoa-Phát huy bản sắc-Liên kết phát triển”, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ VI sẽ khai mạc lúc 20 giờ ngày 10-3 và bế mạc ngày 13-3-2017. Lễ hội diễn ra tại TP. Buôn Ma Thuột, huyện Lak và huyện Buôn Đôn với nhiều hoạt động phong phú. Trong khuôn khổ lễ hội còn có các hoạt động như: Hội chợ-triển lãm chuyên ngành cà phê, Hội nghị xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên lần thứ IV, các hội nghị-hội thảo chuyên đề về cà phê, Lễ hội đường phố, Hội thi nhà nông đua tài, Lễ hội đua voi và thuyền độc mộc, Đêm hội diễn tấu cồng chiêng Tây Nguyên và các nghi lễ phục dựng với hơn 400 diễn viên cùng hàng ngàn quần chúng tham gia. Ngoài ra, trong khuôn khổ Liên hoan Cồng chiêng sẽ diễn ra Hội thi tạc tượng gỗ các dân tộc Tây Nguyên; triển lãm và trao giải cuộc thi ảnh nghệ thuật “Cà phê Buôn Ma Thuột và Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”; công bố các chương trình du lịch “Hành trình di sản” (các tour du lịch gắn cà phê với các giá trị văn hóa cồng chiêng…).

 Chương trình khai mạc Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ V. Ảnh: N.V
Chương trình khai mạc Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ V. Ảnh: N.V

Ông Nguyễn Tuấn Hà-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đak Lak, Phó Trưởng ban tổ chức lễ hội cho biết: “Điểm mới của lễ hội lần này là tên gọi đảm bảo sự liên kết giữa hội tụ tinh hoa, phát huy bản sắc, liên kết phát triển. Lễ hội có 10 chương trình xoay quanh tiêu điểm này. Trên cơ sở đó đảm bảo liên kết từ thương mại, văn hóa cho đến đầu tư để tạo đà phát triển cho Đak Lak nói riêng và vùng Tây Nguyên nói chung. Đặc biệt, lễ hội lần này có nhiều điểm mới, bản sắc hơn, kết tinh từ 5 lễ hội trước”.

Phát biểu tại buổi họp báo, Thượng tướng Tô Lâm-Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nguyên nhấn mạnh: Lễ hội hướng tới mục tiêu quảng bá thương hiệu “Cà phê Buôn Ma Thuột”, nâng cao giá trị ngành cà phê đối với người sản xuất và kinh doanh cà phê của tỉnh Đak Lak cũng như trên cả nước. Qua đó, khẳng định vị thế cà phê Đak Lak nói riêng và vị trí quan trọng của cà phê Việt Nam nói chung trên thị trường thế giới; nâng cao nhận thức và hành động của cộng đồng về việc bảo tồn, giới thiệu, phát huy bản sắc văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, đặc biệt là giá trị của Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; quảng bá, giới thiệu hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Đak Lak và Tây Nguyên. Thượng tướng Tô Lâm cho rằng, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột không chỉ là lễ hội của Đak Lak mà là một lễ hội cho cả Tây Nguyên. Đây là vùng đất giàu tiềm năng về nông nghiệp, công nghiệp chế biến, thủy điện, năng lượng tái tạo… Nếu quảng bá, xúc tiến đầu tư tốt sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư đến với Tây Nguyên. Những kinh nghiệm từ Hội nghị xúc tiến đầu tư vào Gia Lai vừa qua sẽ giúp ích rất nhiều cho Hội nghị xúc tiến đầu tư vào vùng Tây Nguyên lần thứ IV này.

Thượng tướng Tô Lâm khẳng định: “Tại hội nghị lần này, chúng tôi rất muốn lắng nghe ý kiến của nhân dân, các đại biểu, các nhà khoa học, các nhà đầu tư để đóng góp những phương hướng phát triển cho Tây Nguyên. Chúng tôi có những hội nghị chuyên đề bàn về nông dân, Hội nghị nông dân điển hình. Ở Tây Nguyên giờ đã có hàng trăm mô hình nông dân có thu nhập 1 tỷ đồng/ha. Chúng tôi muốn mở rộng thêm diện tích trồng cà phê, cao su và các loại hoa trái chất lượng cao, phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, phát triển công nghiệp chế biến, rồi hội nghị chuyên đề bàn về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nâng cao năng suất chất lượng của cà phê, của các cây công nghiệp hiện có của Tây Nguyên để làm giàu cho Tây Nguyên, giữ cho Tây Nguyên thêm bền vững”. 

 Nguyễn Vân

Có thể bạn quan tâm