Lấy ý kiến về 2 dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Sáng 13-9, Công an tỉnh Gia Lai tổ chức chương trình làm việc báo cáo, xin ý kiến Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh về dự án Luật Căn cước và Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự (ANTT) ở cơ sở do Bộ Công an chủ trì soạn thảo, dự kiến trình Quốc hội khóa XV tại kỳ họp thứ 6.

Tại buổi làm việc, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh-thông tin: Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở được xây dựng trên nền tảng của việc điều chỉnh, kiện toàn lại các lực lượng, chức danh đã được thành lập, hoạt động từ ngay sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và hiện nay đang hoạt động ở địa bàn cơ sở để thống nhất thành một lực lượng chung mà không phải là thành lập lực lượng mới. Đồng thời, dự thảo Luật được xây dựng trên cơ sở tổng kết thực tiễn 15 năm thi hành Nghị định số 38/2006/NĐ-CP ngày 17-4-2006 về bảo vệ dân phố, 12 năm thi hành Pháp lệnh Công an xã năm 2008 và tổng kết thực tiễn hoạt động của lực lượng dân phòng theo quy định của Luật Phòng cháy và chữa cháy. Bộ Công an đã nghiên cứu, kế thừa các quy định của pháp luật hiện hành được thực tiễn kiểm nghiệm, đánh giá là phù hợp, còn giá trị để quy định đối với lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở bảo đảm không làm tăng biên chế, không làm tăng chi ngân sách nhà nước, không chồng chéo, không mâu thuẫn với các văn bản luật khác.

Thiếu tướng, Tiến sĩ Rah Lan Lâm-Giám đốc Công an tỉnh phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Nguyễn Hữu

Thiếu tướng, Tiến sĩ Rah Lan Lâm-Giám đốc Công an tỉnh phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Nguyễn Hữu

Đối với dự thảo Luật Căn cước, Thiếu tướng Rah Lan Lâm khẳng định: Trên cơ sở pháp lý và thực tiễn Luật Căn cước công dân năm 2014 được Quốc hội khóa XIII thông qua đã đánh dấu bước tiến quan trọng trong công tác lập pháp của Nhà nước ta, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, giao dịch của người dân, phục vụ yêu cầu nghiệp vụ Công an, góp phần phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và các hành vi vi phạm trật tự, an toàn xã hội. Thời gian qua, Đảng, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản để đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Do vậy, việc đổi mới công tác quản lý dân cư, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao hiệu quả, giá trị sử dụng của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, thẻ căn cước công dân vào công tác quản lý nhà nước, phát triển kinh tế-xã hội là yêu cầu cấp thiết, cần được ưu tiên đầu tư, phát triển.

Đồng chí Siu Hương-Tỉnh uỷ viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai phát biểu. Ảnh: Nguyễn Hữu

Đồng chí Siu Hương-Tỉnh uỷ viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai phát biểu. Ảnh: Nguyễn Hữu

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Siu Hương khẳng định: Tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, các ĐBQH đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở và Luật Căn cước. Đa số ý kiến cho rằng cần thiết ban hành 2 luật trên; nhất trí với các nội dung dự thảo luật và góp ý về các vấn đề cụ thể. Đồng thời, nêu một số ý kiến, nội dung cần được phân tích làm rõ thêm về 2 dự án luật để người dân dễ hiểu và đồng tình ủng hộ, sớm được đưa ra Quốc hội quyết định.

Có thể bạn quan tâm

Đức xuống nước thừa nhận sai lầm, Tổng thống Trump nói Nga và Ukraine phải dừng lại

Đức xuống nước thừa nhận sai lầm, Tổng thống Trump nói Nga và Ukraine phải dừng lại

(GLO)- Hãng tin Reuters ngày 15/11 đưa tin Thủ tướng Đức Scholz trong cuộc phỏng vấn với báo Sueddeutsche Zeitung, thừa nhận Đức phải thay đổi mức chi tiêu để ứng phó với "tình trạng khẩn cấp về tài chính" do xung đột ở Ukraine gây ra, sau khi phe đối lập trung hữu đề cập chính sách "phanh nợ".