Giá thành tấm pin điện mặt trời có xu hướng giảm và ngành điện có chính sách hỗ trợ giúp rút ngăn thời gian hoàn vốn nên nhu cầu lắp đặt điện mặt trời của hộ gia đình ngày càng tăng.
Quyết định 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định giá mua điện mặt trời áp mái 8,38 Uscent/KWh (khoảng 1.943 đồng) - cao hơn các loại điện mặt trời khác - khiến thị trường lắp đặt điện mặt trời áp mái tại TP HCM từ đầu năm đến nay trở nên khá sôi động. Chưa kể, Tổng Công ty Điện lực TP HCM (EVNHCMC) cùng các đối tác cũng ký kết hợp tác phát triển bền vững và sử dụng hiệu quả điện mặt trời với nhiều chính sách ưu đãi hỗ trợ khách hàng lắp đặt điện mặt trời mái nhà. Theo đó, hộ gia đình lắp đặt hệ thống này sẽ được hỗ trợ từ 500.000- 615.000 đồng/KWp, hoặc giảm từ 3%-5% vào tổng giá trị đầu tư.
Nhiều hộ gia đình hào hứng lắp đặt điện mặt trời mái nhà do thời gian hoàn vốn giảm đáng kể. Ảnh: HOÀNG TRIỀU |
Theo ông Trần Thế Vinh, Phó Giám đốc Công ty CP Giải pháp năng lượng TP HCM, số lượng khách hàng có nhu cầu lắp đặt điện mặt trời áp mái hiện nay tăng gấp 3-4 lần so với 1-2 năm trước. Trong năm 2018, công ty chỉ nhận lắp đặt 30 dự án thì sang năm 2019 có 500 dự án và chỉ vài tháng đầu năm 2020 đã hoàn thành 1.000 dự án lắp đặt điện mặt trời áp mái cho hộ gia đình. "Chúng tôi phải thường xuyên tuyển thêm nhân viên để đáp ứng nhu cầu lắp đặt liên tục tăng. Nhiều thời điểm bị thiếu hụt nguồn cung thiết bị do nhu cầu tăng cao quá. Công trình lắp đặt hộ gia đình còn có thể đáp ứng kịp, còn công trình lớn tại các doanh nghiệp, công sở thì phải đặt hàng trước vài tuần đến hơn 1 tháng mới có hàng về" - ông Vinh cho biết.
Một nguyên nhân khác tác động lớn đến quyết định lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái của các hộ gia đình là chi phí đầu tư hiện nay đã giảm đáng kể, mức giảm từ 30%-50% so với cách đây hơn 1 năm. Ông Trần Đình Quân, Giám đốc Công ty TNHH Kỹ thuật điện Trần Lê, phân tích trước đây một hộ gia đình đầu tư 3 KWp điện mặt trời áp mái phải tốn chi phí từ 90-100 triệu đồng, nay chỉ còn khoảng 40-60 triệu đồng. Nếu đầu tư 5 KWp, chi phí từ 150 triệu đồng giảm còn 70-80 triệu đồng. Mức giảm giá đáng kể này là do trên thị trường xuất hiện nhiều nhà cung cấp làm tăng tính cạnh tranh, khiến giá thành các thiết bị đều giảm.
Ông Nguyễn Hoàng Gia, Phó Phòng Năng lượng mới Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ (thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM), thừa nhận chi phí lắp đặt điện mặt trời áp mái ngày càng giảm trong khi lượng điện không sử dụng hết có thể bán lại cho ngành điện với giá rất cao, gần 2.000 đồng/KWh. Do đó, thời gian thu hồi vốn đầu tư được rút ngắn rất nhiều so với trước kia. Theo tính toán, một hộ gia đình đầu tư hệ thống điện mặt trời áp mái 4 KWp với chi phí đầu tư khoảng 60 triệu đồng, mỗi ngày sản sinh khoảng 20 KWh thì sau 5 năm sẽ thu hồi vốn. "Một hệ thống điện mặt trời áp mái 1 KWp sẽ tạo ra 4-5 KWh điện/ngày. Chủ nhà có thể tính toán chỉ số điện mỗi tháng sử dụng bao nhiêu để chọn đầu tư hệ thống phù hợp với chi phí thấp nhất, nhanh thu hồi vốn nhất" - ông Gia lưu ý.
Theo Nguyễn Hải (NLĐO)