Kỷ niệm 234 năm Chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa: Trang trọng, thiêng liêng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Sáng 25-1 (nhằm mùng 4 Tết Quý Mão), tại di tích An Khê Trường (thị xã An Khê; thuộc Quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo), Ban Quản lý di tích quốc gia đặc biệt tỉnh Gia Lai đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 234 năm Chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa (1789-2023).
Các đại biểu tham dự lễ kỷ niệm. Ảnh: Mộc Trà
Các đại biểu tham dự lễ kỷ niệm. Ảnh: Mộc Trà

Về dự lễ kỷ niệm có các đồng chí: Hồ Văn Điềm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; Thái Thanh Bình-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; Huỳnh Thế Mạnh-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; các Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Quế, Dương Mah Tiệp; đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang đứng chân trên địa bàn tỉnh; nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; lãnh đạo một số địa phương trong tỉnh Gia Lai, huyện Tây Sơn (tỉnh Bình Định) cùng người dân trên địa bàn thị xã An Khê.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh dâng hoa tưởng nhớ trước Tượng đài Hoàng đế Quang Trung-Nguyễn Huệ. Ảnh: Mộc Trà
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh dâng hoa tưởng nhớ trước Tượng đài Hoàng đế Quang Trung-Nguyễn Huệ. Ảnh: Mộc Trà

Mặc dù tiết trời An Khê khá lạnh và có mưa nhẹ, song từ sáng sớm, một số người dân trên địa bàn thị xã và các huyện lân cận đã tề tựu về khuôn viên di tích An Khê Trường để được tham dự trọn vẹn lễ kỷ niệm Chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa. Bà Trần Thị Chín (tổ 2, phường An Phú, thị xã An Khê) chia sẻ: “Như một thói quen, cứ sáng mùng 4 Tết, tôi cùng gia đình lại dành thời gian đến đây để dâng hương tưởng nhớ 3 anh em nhà Tây Sơn và tham dự lễ hội. Năm nay, trời mưa, phần hội cũng bị cắt giảm nên không khí có phần kém nhộn nhịp so với các năm trước. Tuy nhiên, là một người con của vùng đất Tây Sơn Thượng đạo, tôi vẫn cảm thấy lâng lâng niềm tự hào và xúc động mỗi khi ghé thăm nơi này”.

Đồng tâm trạng, em Trần Thị Như Ý (xã Tân An, huyện Đak Pơ) bày tỏ: “Em biết về vua Quang Trung và Chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa qua môn Lịch sử. Năm nào, em cũng được ba mẹ dẫn đến khu di tích ở An Khê vào mùng 4 Tết để hòa chung không khí lễ hội đầu xuân và tưởng nhớ, tri ân các vị anh hùng dân tộc đã hy sinh để bảo vệ Tổ quốc”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Mah Tiệp đọc diễn văn ôn lại trang sử hào hùng của nghĩa quân Tây Sơn. Ảnh: Mộc Trà
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Mah Tiệp đọc diễn văn ôn lại trang sử hào hùng của nghĩa quân Tây Sơn. Ảnh: Mộc Trà

Trong không khí thiêng liêng, hân hoan của những ngày đầu năm mới và trước tượng đài anh dũng, uy nghiêm của Hoàng đế Quang Trung-Nguyễn Huệ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Mah Tiệp đã phát biểu ôn lại trang sử hào hùng cùng chiến công hiển hách của phong trào nông dân Tây Sơn mà đỉnh cao là Chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa cách đây vừa tròn 234 năm. Theo đó, dưới sự chỉ huy kiệt xuất của Hoàng đế Quang Trung-Nguyễn Huệ, hàng vạn binh sĩ áo vải cờ đào của nghĩa quân Tây Sơn đã thực hiện cuộc hành binh thần tốc ra kinh thành Thăng Long, đánh đuổi 29 vạn quân Mãn Thanh xâm lược ra khỏi bờ cõi, thống nhất đất nước. Chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa vào mùng 5 Tết Kỷ Dậu 1789 đã ghi một dấu son sáng chói trong lịch sử chống giặc ngoại xâm; minh chứng cho ý chí độc lập, tự chủ được hun đúc qua mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc.

Nghi thức khai trống trước Điện thờ Tây Sơn Tam kiệt. Ảnh: Mộc Trà
Nghi thức khai trống trước Điện thờ Tây Sơn Tam kiệt. Ảnh: Mộc Trà

“Kỷ niệm 234 năm Chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa, chúng ta tự hào nhớ lại công lao của thiên tài quân sự Quang Trung-Nguyễn Huệ và các tướng lĩnh oai hùng của nhà Tây Sơn. Tinh thần của Chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa đã và sẽ tiếp sức cho thế hệ hôm nay cũng như mai sau trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc”-Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định.

Phụng tế của Ban Nghi lễ đình An Khê thực hiện nghi thức cúng tế truyền thống. Ảnh: Mộc Trà
Phụng tế của Ban Nghi lễ đình An Khê thực hiện nghi thức cúng tế truyền thống. Ảnh: Mộc Trà

Sau khi ôn lại truyền thống lịch sử hào hùng, lãnh đạo tỉnh và các đại biểu đã thành kính dâng hoa tại Tượng đài Hoàng đế Quang Trung-Nguyễn Huệ; đồng thời, dâng hương tưởng niệm tại Điện thờ Tây Sơn Tam kiệt trong khuôn viên di tích An Khê Trường. Nghi thức cúng tế, dâng hương được tiến hành trang nghiêm, đầy đủ chiêng, trống, nhạc lễ.

Các đại biểu dâng hương tưởng niệm tại Điện thờ Tây Sơn Tam kiệt. Ảnh: Mộc Trà
Các đại biểu dâng hương tưởng niệm tại Điện thờ Tây Sơn Tam kiệt. Ảnh: Mộc Trà

Hơn 6 năm tham gia Ban Nghi lễ đình An Khê-bộ phận thực hiện các nghi thức cúng tế, ông Nguyễn Sơn (tổ 5, phường Tây Sơn, thị xã An Khê) cho hay: “Đây là năm đầu tiên lễ kỷ niệm Chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa do tỉnh đứng ra tổ chức kể từ khi Quần thể Tây Sơn Thượng đạo được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt vào đầu năm 2022. Tôi và các thành viên trong Ban cũng rất vinh dự và tự hào khi tiếp tục đảm trách các nghi thức cúng tế truyền thống tại lễ kỷ niệm. Trước khi sự kiện diễn ra, chúng tôi đã phân công nhiệm vụ cho từng thành viên và tập trung chuẩn bị chu đáo để góp phần giúp buổi lễ diễn ra linh thiêng, trang trọng”.

Lực lượng vũ trang dâng hương tưởng niệm anh em, tướng sĩ nhà Tây Sơn. Ảnh: Mộc Trà
Lực lượng vũ trang dâng hương tưởng niệm anh em, tướng sĩ nhà Tây Sơn. Ảnh: Mộc Trà

Dịp này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Mah Tiệp cũng kêu gọi mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và mỗi người dân trong tỉnh hãy phát huy hào khí dân tộc, vận hội mới của đất nước; cùng nhau vượt khó, nỗ lực phấn đấu, xây dựng đất nước, quê hương ngày càng giàu đẹp; xứng đáng với công lao to lớn, khát vọng và sự hy sinh cao cả của các thế hệ đi trước.

MỘC TRÀ - NGỌC MINH

Có thể bạn quan tâm

Thăm vườn nho hữu cơ ở Ia Grai

Thăm vườn nho hữu cơ ở Ia Grai

(GLO)- Cách TP. Pleiku chừng 15 km, vườn nho Gia Lai (ở tổ dân phố 7, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) của anh Đặng Đại Dương đã bắt đầu cho thu hoạch những lứa quả đầu tiên và đón khách đến tham quan, trải nghiệm.
Người tốt-Việc tốt: Giáo dân tiêu biểu làng Thong Yố

Người tốt-Việc tốt: Giáo dân tiêu biểu làng Thong Yố

(GLO)- Ông Rơ Lan Đăk (làng Thong Yố, xã Ia Kênh, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) là tấm gương tiêu biểu trong lao động sản xuất cũng như tuyên truyền, vận động đồng bào theo đạo Công giáo tham gia xây dựng nông thôn mới, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân vững mạnh.

Ngôi đình “vàng” ở Pleiku

Ngôi đình “vàng” ở Pleiku

(GLO)- Đình Kế Môn (tổ 5, phường Hoa Lư, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) đã tồn tại từ hơn nửa thế kỷ trước nhưng lại khá ít người biết đến. Từ làng Kế Môn, những người thợ kim hoàn đã tỏa ra khắp mọi miền đất nước, mở rộng thị trường khiến tiếng thơm về làng vàng Kế Môn ngày một vang xa.