Krông Pa: Ổn định nguồn điện sản xuất và sinh hoạt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau gần 8 tháng thi công, trạm biến áp (TBA) 110 kV Krông Pa do Tổng Công ty Điện lực miền Trung làm chủ đầu tư vừa hoàn thành đưa vào vận hành. Công trình đi vào hoạt động góp phần ổn định nguồn điện sản xuất, sinh hoạt trên địa bàn huyện Krông Pa, Gia Lai mở ra cơ hội lớn cho huyện này thu hút đầu tư và phát triển kinh tế-xã hội.
Ông Nguyễn Thanh Vân-Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Krông Pa-cho biết: Những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến nông sản trên địa bàn huyện. Do đó, việc xây dựng trạm biến áp 110 kV là hết sức cần thiết không chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất của các nhà máy mà còn phục vụ nhu cầu điện sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn, góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương.
  Trạm biến áp 110 kV Krông Pa đi vào vận hành đã khắc phục tình trạng thiếu điện. Ảnh: Ngọc Sang
Trạm biến áp 110 kV Krông Pa đi vào vận hành đã khắc phục tình trạng thiếu điện. Ảnh: Ngọc Sang
Quy mô công trình gồm có 1 TBA 25 MVA với 5 xuất tuyến trung áp 22 kV; 23,2 km đường dây 110 kV; 4,27 km đường dây trung áp 22 kV với tổng vốn đầu tư là 128 tỷ đồng. Công trình do Tổng Công ty Điện lực miền Trung làm chủ đầu tư, Công ty cổ phần Công trình Việt Nguyên thi công phần đường dây 22 kV và Công ty Bê tông Ly tâm Nha Trang thi công phần TBA cùng với đường dây 110 kV. Sau gần 8 tháng khẩn trương thi công (bắt đầu từ giữa tháng 11-2017), đến nay, công trình đã hoàn thành đóng điện, chính thức đi vào vận hành và đấu nối vào đường dây hiện có của Nhà máy Thủy điện Đak Srông 3A, 3B.
Ông Trần Quân-Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Lưới điện miền Trung (đơn vị quản lý dự án) cho biết: Thời gian qua, do tốc độ tăng trưởng phụ tải nhanh nên việc quy hoạch nguồn điện cho khu vực này là cần thiết. Trạm biến áp 110 kV Krông Pa được xây dựng với mục đích hiện đại hóa lưới điện của ngành và tạo sự chủ động về nguồn điện cho huyện nhà, giảm tối đa sự phụ thuộc, hỗ trợ từ các địa phương lân cận. Các trang-thiết bị của công trình được lắp đặt hiện đại với hệ thống điều khiển bằng máy tính toàn trạm, giám sát từ xa bằng hệ thống SCADA, camera từ Trung tâm điều khiển Gia Lai. Ngoài ra, trạm được trang bị hệ thống phòng cháy, chữa cháy bằng nước tự động. Nhờ điều khiển từ xa nên trạm sẽ giảm được rất nhiều lực lượng trực vận hành tại chỗ và đặc biệt là giảm được thời gian mất điện. 
Ảnh: Ngọc Sang
Ảnh: Ngọc Sang
“Công trình hoàn thành đưa vào vận hành sớm hơn 1 tháng so với kế hoạch đề ra là rất có ý nghĩa vì lưới điện trước đây được cấp từ thị xã Ayun Pa đến huyện Krông Pa rất xa, độ cấp điện kém và tổn thất điện năng ở mức cao. Về phía địa phương, nhu cầu tiêu thụ điện ngày càng cao, nếu dùng dây cũ thì không đảm bảo nên TBA 110 kV đi vào khai thác sẽ đáp ứng đủ yêu cầu cung cấp điện cho các nhà máy chế biến lâm sản và xa hơn nữa là các dự án khác. Ngoài ra, công trình còn giúp tăng cường độ ổn định, vận hành an toàn cho lưới điện; giảm tổn thất công suất, tổn thất điện năng trên lưới”-ông Quân cho biết thêm.
Ngọc Sang

Có thể bạn quan tâm

'Lên dây cót' cho điện

'Lên dây cót' cho điện

"Không để thiếu điện cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng trong bất cứ hoàn cảnh, trường hợp nào, nhất là vì lý do chủ quan từ công tác điều hành", đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong cuộc họp cuối tuần qua.