Krông Pa: Nông dân trồng điều điêu đứng vì sâu bệnh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chỉ trong một thời gian ngắn, nhiều vườn điều ở huyện Krông Pa rơi vào cảnh hoang tàn vì bị sâu bệnh phá hoại khiến người nông dân điêu đứng.
 

  Vườn điều nhà anh Thuấn bị cháy ngọn không thể ra hoa vì bọ xít muỗi.  Ảnh: L.V.N
Vườn điều nhà anh Thuấn bị cháy ngọn không thể ra hoa vì bọ xít muỗi. Ảnh: L.V.N

Điều là cây trồng chủ lực để xóa đói giảm nghèo, thậm chí vươn lên làm giàu của nhiều hộ dân ở huyện Krông Pa. Đặc biệt là tại các xã như: Ia Rsươm, Uar, từ hơn 20 năm nay, cây điều đã mang lại nguồn thu ổn định cho người nông dân.

Nhận thấy cây điều mang lại lợi ích kinh tế cao, nông dân tại Krông Pa đã mạnh dạn mở rộng diện tích, thay thế những cây trồng ngắn ngày như bắp, mì. Với thổ nhưỡng và khí hậu thuận lợi, cây điều tại đây phát triển khá tốt nên nhiều gia đình đầu tư lớn vào loại cây trồng này. Tuy vậy, trong 2 năm gần đây, nhiều người dân trồng điều rơi vào cảnh trắng tay, lỗ vốn. Nhiều gia đình phải gồng gánh những khoản nợ từ việc đầu tư vào vườn điều.

Mùa điều 2016, bị ảnh hưởng nặng bởi hạn hán, cây điều ở Krông Pa thiếu nước không thể ra hoa. Theo thống kê sơ bộ, năng suất điều trên địa bàn giảm nặng nề, ước khoảng gần 80% so với mùa điều năm 2015. Vụ này, thời tiết ở Krông Pa thuận lợi nên cây điều phát triển tươi tốt. Nhưng nhiều diện tích điều trên địa bàn vẫn đang tiếp tục đứng trước nguy cơ mất trắng vì bị sâu bệnh phá hoại.

Anh Nguyễn Văn Thuấn (trú tại điểm 9, xã Uar) buồn bã cho biết: “Nhà tôi có 18 ha điều thì 15 ha bị bọ xít muỗi phá hoại hoàn toàn. Loại bọ xít này đậu vào ngọn cây điều rồi hút hết dưỡng chất nên giờ ngọn nào ngọn nấy khô khốc như bị cháy”. Nói rồi, anh dẫn chúng tôi đi khắp vườn điều xơ xác cháy nằm men theo chân núi. Anh Thuấn cho hay, các diện tích bị phá hoại chủ yếu là điều trồng gần 5 năm và mới chỉ thu hoạch được một vụ, còn vụ trước hoàn toàn thất thu. Theo quan sát, dọc theo chân núi, hàng chục ha điều của các hộ nông dân khác cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Các ngọn cây vốn xanh tươi bỗng chết yểu. Cả cây điều chỉ lơ thơ vài ngọn có thể ra hoa.

Theo anh Thuấn, sau khi hết mưa vào khoảng tháng 11 Âm lịch năm trước thì bọ xít muỗi xuất hiện nhiều một cách bất thường. “Các năm trước cũng từng xuất hiện loại này, nhưng chỉ cần phun thuốc trừ sâu là hết. Vậy mà năm nay, cũng loại thuốc đó, phun đến 3 đợt tốn gần 50 triệu đồng mà bọt xít vẫn cứ phá hoại, không biết cách nào cứu chữa được nữa. Mấy vườn điều ở chân núi đều bị hết. Điều mới trồng bị đến hơn 90% còn điều trồng gần 15 năm thì bị khoảng 50%. Vay vốn ngân hàng hơn 500 triệu đồng để đầu tư vào vườn điều này rồi mà chưa thu lại được gì, không biết rồi lấy tiền đâu để trả lãi đây?”.

Không bị bọ xít muỗi tấn công nhưng vườn điều gần 10 ha của cha con ông Nguyễn Văn Sơn (trú tại xã Uar) cũng đang bị sâu xanh hoành hành cắn rụng hết các cuống hoa. Ông Sơn rầu rĩ: “Tôi vừa phun thuốc trừ sâu định kỳ được hơn 10 ngày thì phát hiện có sâu. Từ đó đến nay, nhà tôi phun thuốc đến 3 lần rồi mà vẫn không hết. Ban đầu ít thôi nhưng sau dày đặc, một cây điều có đến vài trăm con sâu, nó cắn hoa rụng kín mặt đất mà xót hết cả ruột. Nếu không có sâu, khoảng gần một tháng nữa là thu hoạch được rồi, còn giờ thế này thì điều đâu ra mà nhặt nữa”.  

 Theo các nông dân trồng điều, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng sâu bệnh phá hoại cây điều là bởi diễn biến thất thường của thời tiết. Những ngày vừa qua tại Krông Pa liên tục xuất hiện những cơn mưa bất chợt với lượng nhỏ sau đó trời lại trở nắng. Điều này khiến không khí trở nên nóng ẩm, tạo điều kiện cho các loại sâu bệnh gây hại phát triển mạnh.

Ông Nguyễn Nam Long-Trạm trưởng Trạm Bảo vệ Thực vật huyện Krông Pa: “Hiện chúng tôi đã thống kê được khoảng gần 100 ha điều bị bọ xít muỗi phá hại. Ngoài ra, cây điều trên địa bàn còn bị bệnh thán thư và sâu cắn phá. Chúng tôi đã ra văn bản cảnh báo và hướng dẫn người dân cách phòng trừ sâu bệnh. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đề xuất UBND huyện tổ chức  tập huấn hướng dẫn kỹ thuật cho bà con. Thực sự thì chúng tôi đã làm hết cách rồi, còn có làm theo hay không là do ở bà con nông dân thôi”.

 Lê Văn Ngọc

Có thể bạn quan tâm

Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

(GLO)- Qúy I-2024, Việt Nam nhập khẩu phân bón của Trung Quốc nhiều nhất, chiếm gần 42% trong tổng lượng phân bón Việt Nam nhập khẩu. Ngoài ra, Việt Nam còn nhập khẩu phân bón từ các thị trường khác như Nga, Đông Nam Á, thị trường FTA RCE, thị trường FTA CPTTP.
Anh Nay Thuế (buôn Chư Jut) vui vẻ khi mùa đầu tiên trồng cây thuốc lá thành công cho thu nhập cao hơn so với trồng cây mì. Ảnh: Lê Nam

Chư Gu chú trọng công tác giảm nghèo bền vững

(GLO)- 

Xác định công tác giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng, do đó cấp ủy, chính quyền địa phương và Mặt trận, hội đoàn thể xã Chư Gu (huyện Krông Pa) đã triển khai nhiều giải pháp giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Nói chuyện con tằm

Nói chuyện con tằm

(GLO)- Thời nhỏ ở quê, tôi rất mê con tằm. Cái “con sâu” ăn lá dâu một cách ngon lành, rồi hóa thân một cách kỳ diệu.
Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

(GLO)- Ủy ban Nhân dân huyện Kbang vừa có công văn đề nghị Nhà máy đường An Khê, UBND các xã: Đak Hlơ, Tơ Tung, Kông Bờ La, Kông Lơng Khơng, Nghĩa An, Lơ Ku, Krong, xã Đông và thị trấn Kbang đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ hết diện tích mía còn lại trên địa bàn trước ngày 10-5-2024.
Thu tiền tỷ từ cà phê chất lượng cao

Thu tiền tỷ từ cà phê chất lượng cao

(GLO)- Hơn 30 năm gắn bó với vùng cao nguyên đất đỏ, ông Huỳnh Đức Xuyến (320 Nguyễn Huệ, thị trấn Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã trải qua bao thăng trầm cùng cây cà phê. Chính từ sự kiên trì cùng với việc chọn hướng đi phù hợp, ông đã nhận được “quả ngọt” từ loại cây công nghiệp này.