Krông Pa: Khẩn trương xác minh, xử lý hành vi lấp suối làm đường, không cho xe ô tô lưu thông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Người dân buôn Chính Hòa (xã Ia Mláh, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) rất bức xúc vì ông Đặng Văn Dũng (buôn Chính Hòa) tự ý lấp suối Ia Mláh làm đường nhưng không cho xe ô tô đi qua khiến việc vận chuyển nông sản gặp nhiều khó khăn.

Từ thông tin phản ánh của người dân, chúng tôi đến hiện trường tìm hiểu vụ việc. Theo ghi nhận của P.V, suối Ia Mláh chảy qua khu vực buôn Chính Hòa rộng khoảng 80 m.

Tại khu vực này có một con đường đất rộng khoảng 4-5 m mới được làm chắn ngang. Phía dưới con đường có lắp 3 cống tròn bằng bê tông, đường kính khoảng 1 m để cho nước chảy qua.

Theo người dân địa phương, bên kia suối Ia Mláh là khu sản xuất với diện tích hàng trăm ha, chủ yếu trồng mì, mía và dưa hấu. Bình thường, người dân dùng các loại xe tải nhỏ để chở nông sản đi dưới lòng suối.

Từ khi ông Dũng tự ý đặt cống, đổ đất san lấp suối Ia Mláh làm con đường này thì nước suối dâng lên khiến người dân không thể đi lại ở con đường cũ (đường đi dưới lòng suối). Trong khi đó, ông Dũng lại không cho xe ô tô đi qua con đường mình mới làm.

Hiện đang là thời điểm thu hoạch mía. Việc làm của ông Dũng khiến người dân gặp nhiều khó khăn trong việc lưu thông, vận chuyển nông sản.

ong-dung-tu-y-lam-con-duong-dat-rong-khoang-4-5m-chan-ngang-qua-con-suoi-ia-mlah.jpg
Ông Đặng Văn Dũng (buôn Chính Hòa, xã Ia Mláh, huyện Krông Pa) tự ý làm con đường đất rộng khoảng 4-5 m chắn ngang qua suối Ia Mláh. Ảnh: G.H

Quá bức xúc với việc làm trên, ông Hồ Thái Long (buôn Chính Hòa) đã gửi đơn phản ánh trực tiếp lên Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Krông Pa.

Theo đơn của ông Long: Trước đây, suối Ia Mláh ít nước, thường cạn nước vào mùa khô nên người dân vẫn đi lại, vận chuyển nông sản bằng xe ô tô băng qua lòng suối. Hiện nay, ông Dũng đã lắp cống thoát nước và đổ đất đá lên làm đường đi qua suối.

Đặc biệt, ông Dũng còn tự ý cấm các loại xe chở mì và vật tư phân bón, thiết bị máy móc của người dân tỉnh Bình Định lên đây thuê đất để trồng dưa hấu. Ngoài ra, ông Dũng còn tuyên bố 1 xe chở dưa hấu đi qua đoạn này phải nộp 5 triệu đồng.

“Nhà tôi cũng có 3,5 ha mì và mía. Người dân chúng tôi cũng đồng ý việc đóng góp để làm đường đi nhưng do ông Dũng đòi thu với số tiền quá lớn nên tôi và bà con rất bức xúc. Tôi cũng đã báo cáo sự việc lên Chủ tịch UBND xã Ia Mláh nhưng chưa được giải quyết.

Do đó, tôi tiếp tục gửi đơn phản ánh lên Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện để sớm tháo gỡ những khó khăn của bà con trong việc vận chuyển nông sản”-ông Long nói.

de-thoat-nuoc-ong-dung-da-dat-3-doan-ong-bang-be-tong-co-duong-kinh-khoang-1-m-sau-do-do-dat-da-lam-duong-qua-suoi-ia-mlah.jpg
Để thoát nước ông Dũng đã đặt 3 đoạn ống bằng bê tông có đường kính khoảng 1 m sau đó đổ đất, đá làm đường qua suối Ia Mlah. Ảnh: G.H

Ông Lê Quang Sáng (buôn Chính Hòa) cũng có hơn 4,5 ha mía bên kia suối Ia Mláh. Hiện nay, ông và người dân nơi đây ký kết với Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam (huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên) để sản xuất và tiêu thụ mía. Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam cũng có kế hoạch hỗ trợ người dân 30 triệu đồng để làm đường.

Do đó, ông đề xuất lấy số tiền 30 triệu đồng do Công ty hỗ trợ kết hợp với số tiền của ông Long và một số hộ dân khác có trồng mía ở khu vực bên kia suối Ia Mláh đóng góp thêm được khoảng 30 triệu đồng nữa để đưa ông Dũng nhằm làm con đường qua suối. Tuy nhiên, với đề xuất này, ông Dũng chỉ đồng ý cho các phương tiện chở mía, mì đi qua. Còn đối với xe chở dưa hấu thì không được qua.

“Từ khi ông Dũng làm con đường mới này, nước suối dâng lên khiến các xe không thể đi qua để chở nông sản”-ông Sáng cho biết.

Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Kim Ánh-Trưởng thôn Chính Hòa-cho hay: Người dân ở đây chủ yếu sản xuất nông nghiệp và phần lớn có đất sản xuất bên kia suối. Qua các buổi tiếp xúc cử tri, người dân đã nhiều lần ý kiến về việc ông Dũng tự ý làm đường nhưng không cho bà con đi, nếu đi thì phải đóng tiền. Sau khi ghi nhận ý kiến của người dân, thôn đã phản ánh lên UBND xã. Tuy nhiên, sự việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

“Mong muốn của người dân là Nhà nước đầu tư làm ngầm tràn để bà con giảm được chi phí vận chuyển, nâng cao hiệu quả kinh tế”-Trưởng thôn Chính Hòa thông tin.

Trao đổi với P.V, ông Hồ Văn Thảo-Chủ tịch UBND huyện Krông Pa-cho biết: Sau khi tiếp nhận đơn của ông Hồ Thái Long và qua nắm thông tin ban đầu, UBND huyện xác định, đơn tố cáo ông Đặng Văn Dũng có hành vi đổ đất đá lên mặt suối làm đường đi, cấm các loại xe ô tô đi qua suối Ia Mláh và thu tiền của các hộ dân đi qua đoạn đường trên là đúng.

Xét thấy đây là hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật, ngày 25-12-2024, UBND huyện đã có Công văn hỏa tốc số 2902/UBND-NC giao Trưởng Công an huyện chỉ đạo lực lượng chức năng chủ trì, phối hợp với Chủ tịch UBND xã Ia Mláh tiến hành xác minh, kịp thời xử lý.

Đồng thời, để xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật, ngày 26-12-2024, UBND huyện tiếp tục có Công văn số 2926/UBND-NC đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân huyện theo sát quá trình xử lý tin báo tố giác tội phạm nói trên.

“Quan điểm của huyện là xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật. Sáng 30-12-2024, tôi trực tiếp xuống kiểm tra thực tế và đã chỉ đạo Phòng Kinh tế-Hạ tầng, Đội Xây dựng giao thông và dịch vụ đô thị huyện tiến hành khảo sát, hỗ trợ làm rọ đá, san gạt để người dân vận chuyển nông sản, đi lại.

Còn về phương án lâu dài, huyện sẽ có kế hoạch lồng ghép các nguồn vốn để xây dựng ngầm tràn bằng bê tông qua con suối này cho người dân đi lại cũng như vận chuyển nông sản, vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất”-Chủ tịch UBND huyện Krông Pa khẳng định.

Có thể bạn quan tâm

“Sống để kể lại” (*)

“Sống để kể lại” (*)

(GLO)- Giữa câu chuyện dài về chiến tranh, 2 cựu chiến binh Hà Xuân Nhắc và Nguyễn Minh Tân vẫn chưa thôi kinh ngạc mình có thể sống, có thể vượt qua bom đạn dày đặc như đan lưới. Tôi thì lại nghĩ, số phận đã định cho họ một sứ mệnh: Sống để kể lại một phần đời không thể tách rời với ký ức dân tộc.

Đón Tết trong những “Ngôi nhà hạnh phúc”

Đón Tết trong những “Ngôi nhà hạnh phúc”

(GLO)- Nhờ sự kết nối nguồn lực xã hội hóa của tổ chức Đoàn-Đội, nhiều thiếu nhi trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã được đón Tết trong những ngôi nhà mới khang trang, ấm áp. Sự quan tâm của tổ chức Đoàn-Đội đã góp phần động viên thiếu nhi vượt qua khó khăn để nỗ lực vươn lên học tập tốt.

Trở về từ tâm bão Yagi

Trở về từ tâm bão Yagi

(GLO)- Khi miền Bắc oằn mình khắc phục hậu quả của bão Yagi (cơn bão số 3), những chàng trai, cô gái mang theo tấm lòng của người dân Gia Lai đã nhanh chóng lên đường “chi viện”.

Hoàn thành thi công quốc lộ 19

Hoàn thành tiến độ thi công, phục vụ người dân

(GLO)- Những ngày đầu năm 2025, các đơn vị thi công dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên (cải tạo, nâng cấp quốc lộ 19-đoạn qua địa bàn tỉnh Gia Lai) đã huy động nhân lực, máy móc gấp rút hoàn thiện các hạng mục còn lại của dự án.

Những cái Tết trên chiến trường

Những cái Tết trên chiến trường

(GLO)- Đã 50 năm kể từ ngày đất nước thống nhất nhưng ký ức về những cái Tết trên chiến trường, dưới mưa bom, bão đạn của kẻ thù vẫn vẹn nguyên trong tâm khảm các cựu chiến binh. Hồi nhớ về những thời khắc đặc biệt ấy, họ lại rưng rưng cảm xúc.

Cuối năm, lượng rác nhiều nên các công nhân vệ sinh môi trường phải nhanh tay thu gom, di chuyển các cộ rác về vị trí tập kết kịp thời để xe chở rác mang đi xử lý. Ảnh: Nhật Hào

Nhọc nhằn công nhân vệ sinh môi trường cật lực thu gom rác thải trước thềm năm mới

(GLO)-Ngày cuối năm, khi dòng người từ các nơi vẫn tấp nập đổ về phố núi Pleiku để mua sắm cho dịp Tết nguyên đán được tươm tất thì những công nhân vệ sinh môi trường của Công ty cổ phần Công trình đô thị Gia Lai vẫn miệt mài thu gom rác thải để kịp làm sạch phố phường trước thềm năm mới.

Tiệc tất niên của những người mù tại Cơ sở xoa bóp, bấm huyệt, xông hơi TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai. * Ảnh: Hoàng Cư

Gia Lai quan tâm hỗ trợ người mù vui Xuân, đón Tết

(GLO)- Ngoài 660 suất quà do Hội Người mù tỉnh Gia Lai phối hợp với các tổ chức, nhà hảo tâm trao tặng; những người mù ở tỉnh còn nhận được hàng nghìn phần quà Tết Ất Tỵ  năm 2025 do các cơ quan, ban, ngành và nhà hảo tâm ở địa phương trao tặng. 

Duối bonsai hút khách dịp Tết. Ảnh: Ngọc Minh

Duối bonsai hút khách dịp Tết

(GLO)- Với ý nghĩa mang lại sự hưng thịnh, bình an, thu nạp năng lượng tích cực, duối bonsai đang được người dân, giới chơi cây cảnh sưu tầm mua về trang trí, điểm tô sắc Xuân ngày Tết.

Năm nay, có hơn 80 công nhân trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ về quê bằng 2 Chuyến xe nghĩa tình. Ảnh: Hà Duy

Ấm áp chuyến xe nghĩa tình

(GLO)- Đã thành thông lệ, cứ vào dịp cận Tết, Sở Giao thông-Vận tải (GT-VT) phối hợp với Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh tổ chức những chuyến xe nghĩa tình đưa công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn về quê đón Tết Nguyên đán. 

Gia Lai: Tăng cường kiểm soát giá thực phẩm những ngày cận Tết

Gia Lai: Tăng cường kiểm soát giá thực phẩm những ngày cận Tết

(GLO)-Những ngày cận Tết Nguyên đán, thị trường hàng hóa bắt đầu sôi động, một số loại thực phẩm tươi sống đã tăng giá. Hiện ngành chức năng đã tăng cường công tác nắm bắt, theo dõi diễn biến giá cả để kịp thời xử lý nghiêm hành vi tăng giá đột biến, gây tác động tiêu cực đến thị trường.

Lữ đoàn Tăng thiết giáp 273: Rộn ràng đón Tết

Lữ đoàn Tăng thiết giáp 273 rộn ràng đón Tết

(GLO)- Cùng với thực hiện nhiệm vụ trực sẵn sàng chiến đấu, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Tăng thiết giáp 273 (Quân đoàn 34) đang tất bật tổ chức các hoạt động chỉnh trang khuôn viên đơn vị để chuẩn bị đón Tết Ất Tỵ 2025. Không khí đón Tết thật rộn ràng, vui tươi.