Kông Chro đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về đất đai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Huyện Kông Chro có hơn 70% dân số là người dân tộc thiểu số (DTTS), nhận thức pháp luật về đất đai của bà con còn có phần hạn chế. Vì vậy, Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) huyện phối hợp với các ngành, đoàn thể, chính quyền cấp xã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về đất đai cho đồng bào DTTS, góp phần đảm bảo quyền lợi người dân, ổn định an ninh trật tự, an toàn xã hội tại địa phương.
Ông Phạm Đình Long-Trưởng phòng TN-MT huyện Kông Chro-cho biết: Trước đây, do phong tục tập quán và nhận thức pháp luật về đất đai còn hạn chế, nhiều người DTTS cho rằng đất đai là của ông bà, tổ tiên để lại nên không quan tâm đến các thủ tục pháp lý liên quan. Vì vậy, nhiều diện tích đất ở, nương rẫy không có rào chắn, ranh giới xác định cụ thể và không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Bên cạnh đó, người dân không chủ động thực hiện nghĩa vụ tài chính, lệ phí đối với đất đai. Từ thực tế này, khi phát sinh các giao dịch chuyển nhượng, chuyển đổi, thừa kế... gặp rất nhiều khó khăn.
Trước tình hình đó, Phòng TN-MT huyện đã chủ động tham mưu UBND huyện ban hành nhiều văn bản liên quan đến lĩnh vực đất đai, môi trường; chỉ đạo, đôn đốc các ban ngành, đoàn thể, các xã, thị trấn thường xuyên thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về đất đai cho người dân thông qua các cuộc họp thôn, làng, tổ dân phố. Phòng TN-MT chủ trì, phối hợp cùng Phòng Tư pháp đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân về trình tự thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, các quyền lợi khi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đính chính thông tin trong các giấy tờ pháp lý liên quan cho đồng bộ, thống nhất. Song song với đó, các bộ phận chuyên môn trực thuộc Phòng TN-MT tiến hành rà soát, thẩm định, hàng tháng báo cáo biến động về đất đai để có phương hướng chỉ đạo giải quyết. Nhờ đó, nhận thức pháp luật về đất đai của bà con được nâng cao, đơn thư khiếu kiện ngày càng giảm, tình trạng vi phạm quy định về đất đai được hạn chế. Tính đến nay, toàn huyện đã cấp 14.885 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích 16.167,24 ha, đạt 93,33% diện tích cần cấp.
Ông Đinh Brơn-Phó Chủ tịch UBND xã Yang Trung-cho biết: Toàn xã có 674 hộ với 2.611 khẩu, trong đó, đồng bào DTTS chiếm hơn 50%. Thời gian qua, xã luôn chú trọng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, trong đó có pháp luật về đất đai. Thông qua các cuộc họp thôn, làng, cán bộ xã thường xuyên lồng ghép tuyên truyền, giải thích cho bà con về các chính sách, pháp luật liên quan đến đất đai; hướng dẫn các trình tự thủ tục pháp lý để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Xã cũng chú trọng phát huy vai trò đội ngũ người uy tín trong phối hợp giải quyết các vướng mắc, tranh chấp về đất đai. Nhờ nhận thức được quyền lợi, trách nhiệm của mình, bà con chú trọng làm thủ tục để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; tình trạng tranh chấp, khiếu kiện liên quan đến đất đai dần hạn chế, an ninh trật tự được ổn định.
Người dân đến bộ phận một cửa xã Yang Trung giải quyết thủ tục hành chính.Ảnh: R’Ô HOK
Người dân đến bộ phận một cửa xã Yang Trung giải quyết thủ tục hành chính. Ảnh: R’Ô HOK
Ông Đinh Brok (làng Hle Hlang, xã Yang Trung) có 3 ha đất sản xuất và 2 sào đất ở. Ông cho biết: “Đến thời điểm này, toàn bộ diện tích đất của tôi đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Năm 2020, tôi đã lập di chúc và phân định rõ ràng để sau này các con được thừa kế, tránh tình trạng tranh chấp xảy ra”.
Tại xã An Trung, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đất đai cũng được chính quyền địa phương chú trọng. Nhờ đó, nhận thức của bà con chuyển biến rõ rệt, tỷ lệ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không ngừng tăng lên. “Hiện nay, 97% diện tích đất của người dân đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; không có tranh chấp, khiếu kiện vượt cấp liên quan đến đất đai”-bà Nguyễn Thị Phượng-Chủ tịch UBND xã An Trung-thông tin.
Trưởng phòng TN-MT huyện Kông Chro cho biết thêm: Thời gian tới, Phòng tiếp tục phối hợp với Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật huyện và các ban ngành, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về đất đai cho người dân, nhất là người DTTS; đa dạng hóa các kênh tuyên truyền, ưu tiên tổ chức các diễn đàn cho các đoàn viên, thanh niên tìm hiểu, nắm bắt các quy định pháp luật về đất đai. Bên cạnh đó, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về đất đai; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các sai phạm liên quan đến đất đai.
R’Ô HOK

Có thể bạn quan tâm

Năm 2025 là cao điểm 350 ngày đêm xóa nhà tạm, nhà dột nát

Năm 2025 là cao điểm 350 ngày đêm xóa nhà tạm, nhà dột nát

(GLO)- Đó là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại phiên họp trực tuyến toàn quốc lần thứ hai của Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước vào chiều 12-1 để đánh giá tình hình, kết quả thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát.