Khẩn trương khắc phục thiệt hại do mưa lũ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mưa lớn những ngày qua đã khiến nhiều nhà dân bị ngập, gần 200 ha cây trồng bị ngã đổ và nhiều tuyến đường bị sạt lở. Ngay sau khi nước rút, chính quyền địa phương và người dân đã khẩn trương khắc phục thiệt hại để ổn định cuộc sống.

Khắc phục thiệt hại về cây trồng, vật nuôi

Là một trong những địa phương có diện tích cây trồng bị thiệt hại lớn nhất tỉnh, huyện Đak Đoa đã nhanh chóng triển khai các giải pháp để khắc phục hậu quả mưa lũ. Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Nguyễn Kim Anh cho hay: “Toàn huyện có khoảng 71 ha lúa đang trong giai đoạn kết hạt và chín bị ngã đổ. Khi nước rút, người dân cùng các lực lượng tiến hành nạo vét, khơi thông dòng chảy để cứu cây trồng. Đối với những diện tích lúa đã chín, chúng tôi vận động người dân thu hoạch sớm nhằm giảm thiệt hại với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”.

Diện tích lúa tại xã Chư A Thai (huyện Phú Thiện) bị ngã đổ, ngập úng do mưa lũ. Ảnh: Vũ Chi
Diện tích lúa tại xã Chư A Thai (huyện Phú Thiện) bị ngã đổ, ngập úng do mưa lũ. Ảnh: Vũ Chi

Tại huyện Phú Thiện, theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, có 52,8 ha lúa bị ngã đổ (trong đó có trên 30 ha bị thiệt hại 30-70%; 15,2 ha bị thiệt hại trên 70%) và 5,4 ha hoa màu bị ngập úng. Ở cánh đồng xã Chư A Thai, người dân đang chờ nước rút để thu hoạch lúa. Bà Lê Thị Chải (thôn Kim Môn, xã Chư A Thai) buồn rầu nói: “1,4 ha lúa của tôi khoảng 1 tuần nữa thu hoạch. Mưa lớn cộng với nước suối đổ về khiến 1 ha bị thiệt hại nặng. Hiện nước ở ruộng vẫn ngập đầu gối, gia đình đang thuê người khơi thông dòng chảy, tháo nước để nhanh chóng thu hoạch. Ban đầu, gia đình dự tính thu được hơn 10 tấn nhưng giờ chắc chỉ còn khoảng 3-4 tấn thôi. Lúa bị ngâm nước thế này, khi thu hoạch sẽ bị thâm đen, có khi bị mọc mầm nên chỉ làm thức ăn chăn nuôi”.

Tương tự, gia đình anh Trần Ngọc Dũng (thôn Tân Phong, xã Tân An, huyện Đak Pơ) cũng bị thiệt hại nặng do mưa bão: 7 tạ lúa bị ướt, 500 con chim cút và 150 con gà con bị chết. “Khoảng 5 giờ sáng 17-10, tôi tỉnh dậy đã thấy nước tràn vào nhà cao khoảng 20-30 cm. Quá bất ngờ nên gia đình không kịp di dời tài sản. Tôi mong được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ một phần nào để có điều kiện khôi phục chăn nuôi”-anh Dũng cho hay.

Đường sá thông suốt trở lại

Rạng sáng 17-10, UBND phường Hội Thương và xã An Phú (TP. Pleiku) đã cử lực lượng giúp các hộ dân bị nước ngập di dời tài sản đến nơi an toàn. Ông Đỗ Việt Hưng-Chủ tịch UBND TP. Pleiku-cho biết: Ngay sau khi xảy ra sự việc, lực lượng chức năng đã khẩn trương giúp dân di dời tài sản nhằm tránh thiệt hại. Ủy ban nhân dân thành phố cũng chỉ đạo các đơn vị tiến hành nạo vét, khơi thông cống để thoát nước. “Về lâu dài, thành phố sẽ đánh giá lại toàn bộ hệ thống thoát nước nhằm tìm giải pháp căn cơ để chống ngập”-ông Hưng thông tin thêm.

Hộ dân ở phường Hội Thương (TP. Pleiku) bị nước ngập di dời tài sản đến nơi an toàn. Ảnh: Đức Thụy
Nhà của người dân ở phường Hội Thương (TP. Pleiku) bị ngập nước. Ảnh: Đức Thụy



Đến nay, nước tại các ngầm tràn đã rút; các điểm sạt lở cũng được khắc phục, gia cố giúp người dân đi lại thông suốt. Ông Trần Ngọc Cường-Chủ tịch UBND xã Đak Tơ Pang (huyện Kông Chro) cho biết: Mưa lớn đã làm sạt lở một số điểm trên đường liên xã Kông Yang-Đak Tơ Pang và tuyến đường từ xã đến trung tâm huyện. Xã đã chỉ đạo các lực lượng nhanh chóng san gạt đất đá trên đường và gia cố tạm thời để người dân đi lại. Đồng thời, cắm biển cảnh báo ở những khu vực nguy hiểm để người dân đề phòng.

Do mưa lớn, trên địa bàn huyện Kbang có 13 nhà ở của người dân làng Kon Bông (xã Đak Rong) bị ngập lụt; ngập 18 ngầm tràn ở các xã, gây chia cắt giao thông tạm thời. Đoạn đường đèo đi khu sản xuất của làng Srắt (xã Sơn Lang) bị sạt lở nặng gây ách tắc giao thông hoàn toàn. Có 2 con bò, 1 con trâu bị chết. Ngoài ra, nhiều diện tích hoa màu bị ngập úng, ngã đổ.

Nhà dân ở làng Kong Bông (xã Đak Rong, huyện Kbang) bị ngập lụt. Ảnh: Hồng Hạnh
Nhà dân ở làng Kon Bông (xã Đak Rong, huyện Kbang) bị ngập lụt. Ảnh: Hồng Hạnh



Ban Chỉ huy phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Kbang đã kiểm tra, đôn đốc các xã, thị trấn chủ động nắm tình hình, triển khai các biện pháp hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại, sớm ổn định cuộc sống. Đến nay, 18 ngầm tràn đã được khắc phục, giúp việc đi lại thuận lợi.

Ngày 18-10, UBND tỉnh có Công văn số 1573/UBND-NL chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương khẩn trương khắc phục thiệt hại do mưa lũ gây ra. Chủ động sử dụng dự phòng ngân sách địa phương để khắc phục hậu quả thiệt hại. Đồng thời, khẩn trương rà soát, thống kê tình hình thiệt hại, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 30-10.

NHÓM PHÓNG VIÊN
 

Có thể bạn quan tâm

Năm 2025 là cao điểm 350 ngày đêm xóa nhà tạm, nhà dột nát

Năm 2025 là cao điểm 350 ngày đêm xóa nhà tạm, nhà dột nát

(GLO)- Đó là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại phiên họp trực tuyến toàn quốc lần thứ hai của Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước vào chiều 12-1 để đánh giá tình hình, kết quả thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát.