Học sinh hiến kế phát triển du lịch cộng đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Với mong muốn chung tay giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và phát huy tài nguyên bản địa, em Hồ Hoàng Huy và em Phan Võ Anh Khôi (Trường THPT Phan Bội Châu, TP. Pleiku) đã cùng nhau trải nghiệm, nghiên cứu và hiến kế phát triển du lịch cộng đồng.

Là người Bahnar, Hồ Hoàng Huy luôn dành tình yêu đặc biệt cho văn hóa dân tộc. Vì vậy, loại hình du lịch dựa vào cộng đồng gắn với các giá trị văn hóa truyền thống được em đặc biệt quan tâm.

Huy chia sẻ: “Những năm qua, du lịch cộng đồng đã xuất hiện tại nhiều nơi trong tỉnh, song các hoạt động phục vụ khách du lịch chủ yếu chỉ tập trung vào mùa lễ hội nên thiếu tính bền vững. Bên cạnh đó, những hoạt động mang tính chất quảng bá, giới thiệu về hoạt động du lịch tại địa phương, các chương trình và sản phẩm du lịch cũng chưa được đẩy mạnh… Vì thế, em muốn làm điều gì đó để góp phần đẩy mạnh phát triển loại hình du lịch này”.

Trăn trở của Huy đã bắt gặp ý tưởng tương đồng của người bạn cùng lớp Phan Võ Anh Khôi. Thế là cả 2 quyết định bắt tay thực hiện dự án. Tháng 9-2023, khi vừa bước vào năm học lớp 11, Huy và Khôi đem ý tưởng của mình trình bày với Thạc sĩ Trương Thị Tường Thi-Giáo viên Ngữ văn của trường và nhận được sự ủng hộ từ cô giáo.

Để hiến kế phát triển du lịch cộng đồng, em Phan Võ Anh Khôi (bìa trái) và Hồ Hoàng Huy (Trường THPT Phan Bội Châu, TP. Pleiku) đã nhiều lần trực tiếp trải nghiệm cùng ăn, ở, sinh hoạt tại các làng đồng bào dân tộc thiểu số (ảnh nhân vật cung cấp).

Để hiến kế phát triển du lịch cộng đồng, em Phan Võ Anh Khôi (bìa trái) và Hồ Hoàng Huy (Trường THPT Phan Bội Châu, TP. Pleiku) đã nhiều lần trực tiếp trải nghiệm cùng ăn, ở, sinh hoạt tại các làng đồng bào dân tộc thiểu số (ảnh nhân vật cung cấp).

“Sau khi thảo luận, chúng em quyết định tập trung nghiên cứu, đánh giá về tài nguyên bản địa, bản sắc văn hóa của người Bahnar, Jrai gắn với phát triển du lịch cộng đồng của Gia Lai thời gian qua; từ đó, tìm ra giải pháp, định hướng để phát triển loại hình du lịch này một cách bền vững về kinh tế, văn hóa-xã hội và môi trường. Chúng em chọn xã Ia Mơ Nông (huyện Chư Păh) và Hra (huyện Mang Yang) để trải nghiệm, nghiên cứu”-Khôi cho biết.

Thạc sĩ Trương Thị Tường Thi: Hy vọng với những ý kiến đóng góp từ dự án, hoạt động du lịch của tỉnh nói chung và du lịch cộng đồng nói riêng sẽ ngày càng hấp dẫn du khách và có sức cạnh tranh cao trong khu vực.

Ngoài tìm hiểu tư liệu kiến thức từ sách, báo và cơ quan chức năng liên quan, Huy và Khôi đã nhiều lần trực tiếp trải nghiệm cùng ăn, ở, sinh hoạt và tham gia các hoạt động du lịch cộng đồng tại 2 địa phương; đồng thời, tiến hành thăm dò ý kiến bằng phiếu giấy đối với du khách, người dân và một số chuyên gia để nắm bắt tiềm năng, nhu cầu, thực trạng phát triển du lịch cộng đồng.

Theo nhóm tác giả, qua khảo sát, đa số khách du lịch biết đến Gia Lai thông qua các phương tiện truyền thông, internet hoặc bạn bè, người thân giới thiệu.

Các hoạt động trải nghiệm của họ khi đến tỉnh chủ yếu là hòa mình với thiên nhiên, buôn làng; tham quan các địa điểm văn hóa, làng nghề; thưởng thức ẩm thực, cồng chiêng, đàn t’rưng… Du khách cũng đặc biệt hứng thú với những món quà lưu niệm, sản phẩm đặc trưng ở nơi mình đặt chân đến.

Nhu cầu này của du khách hoàn toàn có thể được đáp ứng nếu làm tốt mô hình du lịch cộng đồng. Chưa kể, nó còn góp phần phát huy giá trị văn hóa truyền thống, tài nguyên bản địa và đem lại hiệu quả về mặt kinh tế, ổn định thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Nhóm tác giả cùng học cách đan lát thủ công tại xã Hà Ra (huyện Mang Yang). Ảnh: NVCC

Nhóm tác giả cùng học cách đan lát thủ công tại xã Hà Ra (huyện Mang Yang). Ảnh: NVCC

“Qua nghiên cứu thực địa tại xã Ia Mơ Nông và Hra, chúng em thấy đồng bào Jrai và Banhar còn giữ gìn được những nét văn hóa truyền thống đặc sắc mà du khách có thể cùng tham gia trải nghiệm như: giã gạo, kéo bông dệt vải, tạc tượng, tạo ra các sản phẩm tinh xảo từ đan lát, biểu diễn cồng chiêng, chế biến rượu cần, cơm lam gà nướng và một số món ăn đặc trưng khác.

Ngoài ra, du khách còn có thể hòa vào cuộc sống sinh hoạt thường ngày của bà con như: hái cà phê, gặt lúa, bắt ốc, đánh cá… Thêm vào đó, không gian các ngôi làng với nhà rông, nhà sàn, giọt nước, nhà mồ cùng một số lễ hội được phục dựng trong thời gian gần đây nếu biết khai thác và quảng bá tốt đều sẽ là tiềm năng cho phát triển du lịch cộng đồng”-Huy cho hay.

Hai nam sinh cũng đề xuất một số giải pháp để phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh như: phát triển sản phẩm kết hợp xây dựng thương hiệu du lịch cộng đồng, nâng cao chất lượng dịch vụ; phát triển nguồn nhân lực dựa vào bản sắc văn hóa và nguồn tài nguyên bản địa; có chính sách khuyến khích người dân đầu tư phát triển du lịch cộng đồng (homestay, vườn du lịch, sản xuất hàng lưu niệm, đặc sản địa phương...); đồng thời, từng bước chuyển đổi số, tập trung quảng bá loại hình du lịch cộng đồng của địa phương trên các nền tảng mạng xã hội…

Cẩm nang du lịch cộng đồng tỉnh Gia Lai do Huy và Khôi thực hiện sau nghiên cứu. Ảnh: Mộc Trà

Cẩm nang du lịch cộng đồng tỉnh Gia Lai do Huy và Khôi thực hiện sau nghiên cứu. Ảnh: Mộc Trà

Để giúp khách du lịch có cái nhìn tổng quan và cuốn hút hơn với các hoạt động du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh, 2 em đã tổng hợp những hình ảnh và tư liệu có được để xây dựng thành một cuốn cẩm nang về du lịch cộng đồng tại xã Ia Mơ Nông và Hra. Cuốn cẩm nang dày 32 trang được thiết kế khá sinh động, cung cấp nhiều thông tin hữu ích và trực quan cho du khách khi có ý định đến với Gia Lai.

Đánh giá về sản phẩm của học trò, Thạc sĩ Trương Thị Tường Thi cho hay: “Tôi rất thích ý tưởng của Hồ Hoàng Huy và Phan Võ Anh Khôi vì nó thiết thực, ý nghĩa, phù hợp với chủ trương của tỉnh về đẩy mạnh phát triển du lịch, nhất là du lịch cộng đồng.

Mặc dù gặp không ít khó khăn trong quá trình nghiên cứu nhưng 2 em đã từng bước khắc phục và hiện thực hóa thành công ý tưởng của mình. Tôi càng vui hơn khi dự án được đánh giá cao tại Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp tỉnh học sinh trung học lần thứ 10, năm học 2023-2024 với giải nhì chung cuộc”.

Có thể bạn quan tâm

“Chìa khóa” nâng cao chất lượng giáo dục

“Chìa khóa” nâng cao chất lượng giáo dục

(GLO)- Đề án tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ cho trẻ mầm non người dân tộc thiểu số (DTTS) giai đoạn 2021-2025 được ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Gia Lai triển khai đang là “chìa khóa” để nâng cao chất lượng giáo dục.

Các trường đại học ủng hộ bỏ xét tuyển sớm

Các trường đại học ủng hộ bỏ xét tuyển sớm

Bỏ xét tuyển sớm, bổ sung ngưỡng đảm bảo đầu vào đối với nhóm ngành sư phạm, nhóm ngành Sức khỏe - Y dược (có cấp chứng chỉ hành nghề) là hai điểm mới trong dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học (ĐH) năm 2025 mà Ban soạn thảo vừa điều chỉnh.

Mô hình điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong trường học: Hiệu quả thiết thực

Mô hình điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong trường học: Hiệu quả thiết thực

(GLO)- Mô hình điểm về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trong trường học được triển khai tại Trường THPT Ya Ly (huyện Chư Păh) bước đầu mang lại hiệu quả, góp phần giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông trước cổng trường và xây dựng môi trường giao thông an toàn, thân thiện.

Áp tỷ lệ phân luồng sau THCS không còn phù hợp

Áp tỷ lệ phân luồng sau THCS không còn phù hợp

Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 không còn đặt ra tỷ lệ học nghề sau THCS khoảng 30% như giai đoạn trước. Thực tế cho thấy việc áp tỷ lệ phân luồng sau THCS không phù hợp và nảy sinh nhiều hệ lụy.

Công bố Quyết định thành lập Phân hiệu Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai

Công bố Quyết định thành lập Phân hiệu Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai

(GLO)- Chiều 3-1, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai và Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tổ chức lễ công bố Quyết định thành lập Phân hiệu Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai trên cơ sở Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai.