Hỗ trợ kinh doanh trên nền tảng công nghệ số

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thông qua những chương trình tập huấn, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh được tiếp cận các sàn thương mại điện tử (TMĐT) và mạng xã hội, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả, thúc đẩy kinh doanh phát triển trong thời đại kinh tế số.

Giao dịch TMĐT tăng

Năm 2022, doanh số giao dịch TMĐT trên địa bàn tỉnh có bước tăng trưởng, tỷ trọng doanh thu TMĐT trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh ước đạt 7%. Việc ứng dụng TMĐT trong doanh nghiệp đạt kết quả khả quan, trong đó, 14% doanh nghiệp có website riêng để giới thiệu, quảng bá thương hiệu, sản phẩm và bán hàng; 20% doanh nghiệp có giao dịch TMĐT, tiến hành hoạt động kinh doanh trên các sàn TMĐT, mạng xã hội, website thương mại bán hàng. Ngoài các doanh nghiệp, hộ sản xuất và hợp tác xã cũng nhanh chóng thích nghi và ứng dụng bán hàng trên các sàn TMĐT.

Ông Lê Sỹ Diện-Giám đốc Hợp tác xã Nông lâm nghiệp-dịch vụ Toàn Diện (huyện Mang Yang) chia sẻ: “Người dân đã dần thay đổi từ phương thức mua hàng truyền thống sang hình thức mua hàng trực tuyến. Sau một thời gian bán trên các sàn TMĐT và mạng xã hội, tôi nhận thấy đây là kênh bán hàng rất tiềm năng, lượng khách hàng được mở rộng ra nhiều tỉnh, thành, các sản phẩm của hợp tác xã thường xuyên “cháy hàng”. Lợi thế của kênh online là không tốn chi phí cho khâu trung gian, lại có sức lan tỏa rộng đến nhiều đối tượng khách hàng ở khắp mọi nơi. Do đó, khi được ngành chức năng hỗ trợ kiến thức về TMĐT, Hợp tác xã đã nắm bắt được cơ hội để chủ động đưa sản phẩm lên các sàn TMĐT uy tín, mạng xã hội nhằm đẩy mạnh tiêu thụ”.

Thông qua tập huấn, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh có thêm nhiều kiến thức bổ ích để ứng dụng vào thực tế bán hàng. Ảnh: Vũ Thảo

Thông qua tập huấn, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh có thêm nhiều kiến thức bổ ích để ứng dụng vào thực tế bán hàng. Ảnh: Vũ Thảo

Đánh giá thực trạng ứng dụng TMĐT trong hoạt động thương mại, bà Đào Thị Thu Nguyệt-Phó Giám đốc Sở Công thương-cho biết: Các doanh nghiệp trong tỉnh đã chủ động tham gia một số ứng dụng, sàn TMĐT để trao đổi mua bán, xây dựng website riêng, đồng thời thực hiện chuyển đổi số trong doanh nghiệp, tăng năng suất hoạt động, hiệu quả quản lý, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Tuy nhiên hiện nay, tỷ lệ doanh nghiệp tham gia bán hàng qua các nền tảng mạng xã hội Facebook, Zalo, TikTok hay các sàn Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, Voso, Postmart còn thấp; khả năng quản trị website, thao tác trên các sàn TMĐT, kỹ năng ứng dụng các phần mềm chăm sóc khách hàng, quản lý đơn hàng, chiến lược bán hàng, marketing, xây dựng thương hiệu tại doanh nghiệp hiệu quả chưa cao. Doanh số bán hàng còn rất nhỏ so với các tỉnh, thành khác và chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh. Trên sàn TMĐT hiện nay phần lớn là thời trang, thực phẩm, đồ uống, mỹ phẩm… Trong khi đó, những mặt hàng nông sản chủ lực tại địa phương như cà phê, hồ tiêu, hạt điều, mắc ca, mật ong… thì chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ.

Cùng với đó, việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm nông sản, mẫu mã sản phẩm nông sản chưa được các nhà sản xuất quan tâm đầu tư đúng cách nên bị hạn chế khi đưa hình ảnh quảng bá sản phẩm lên sàn TMĐT.

Bà Nguyệt cho rằng, những khó khăn, thách thức nêu trên một phần xuất phát từ nhận thức của doanh nghiệp, người tiêu dùng về TMĐT. Nhiều doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến việc xây dựng website, bán hàng qua mạng xã hội, qua ứng dụng di động. Các website đã được thành lập chưa được khai thác hiệu quả, đa số chỉ dừng lại ở chức năng giới thiệu sản phẩm, thiếu các chức năng chuyên sâu cho phép người mua thực hiện toàn bộ quá trình mua sắm. Khả năng quản trị website, thao tác trên các sàn TMĐT, kỹ năng ứng dụng các phần mềm tại doanh nghiệp còn hạn chế do thiếu nguồn lực tài chính, nhân sự.

Bên cạnh đó, khả năng sẵn sàng cho chuyển đổi số trong doanh nghiệp (tuyển nhân sự về công nghệ thông tin, đầu tư website, phần mềm quản trị…) còn thấp, nguồn lực đầu tư, hạ tầng kỹ thuật chưa đảm bảo yêu cầu phát triển trong tình hình mới.

Hỗ trợ kinh doanh trên nền tảng công nghệ số

Theo ông Nguyễn Văn Thành-Giám đốc Trung tâm Phát triển TMĐT (Cục TMĐT và Kinh tế số), Việt Nam có tốc độ tăng trưởng về phát triển TMĐT khá cao, đứng thứ 6 trên thế giới. Năm 2022, tăng trưởng 16% so với năm 2021, đạt hơn 16 tỷ USD. Tuy nhiên, chúng ta đang gặp phải một số vấn đề cản trở như về hành lang pháp lý, tình trạng hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ trên môi trường mạng. Vì vậy, cần có chính sách, động thái để thị trường phát triển với sự minh bạch hơn, giúp người tiêu dùng yên tâm mua sắm.

Hiện nay, sàn Shopee đang có doanh số bán hàng lớn nhất, đạt khoảng 350 tỷ đồng/ngày, trong đó, TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội chiếm khoảng 250 tỷ đồng/ngày, còn lại 61 tỉnh, thành chưa được 1/3, đặc biệt ở Gia Lai, doanh số trên sàn này rất hạn chế.

Cũng theo ông Thành, trên thực tế, nhiều người bán đã xây dựng các gian hàng trên nhiều sàn, nhưng lại chưa thực sự quan tâm đến việc bán hàng đa kênh. Do đó, các doanh nghiệp, hợp tác xã nếu đơn thuần chỉ là tạo gian hàng thì sẽ không hiệu quả, cần thiết phải tối ưu gian hàng, tiếp thị đa kênh, chạy quảng cáo phù hợp, quản lý gian hàng, sử dụng các liên kết khác nhau mới tăng được doanh số bán hàng. Đặc biệt, bán hàng trên các sàn cần làm rõ đặc tính của sản phẩm địa phương để khách hàng tìm kiếm được sản phẩm họ cần.

Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm chưa đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, tem mác chưa đầy đủ dẫn đến việc các sàn không nhận diện sản phẩm.

Để đạt được hiệu quả bán hàng phải đảm bảo ở các công đoạn từ việc chọn lựa hàng hóa, chọn công cụ giải pháp thông qua hoạt động nghiên cứu thị trường, hoạt động thanh toán, vận chuyển cần có hệ thống logicstic phải đảm bảo… Đặc biệt, cần có cơ chế, chính sách ưu đãi hỗ trợ mới có thể bứt phá trong hoạt động TMĐT.

Nhờ tiếp cận kênh bán hàng qua các sàn TMĐT và mạng xã hội doanh số bán hàng của các hợp tác xã tăng trưởng khá. Ảnh: Vũ Thảo

Nhờ tiếp cận kênh bán hàng qua các sàn TMĐT và mạng xã hội doanh số bán hàng của các hợp tác xã tăng trưởng khá. Ảnh: Vũ Thảo

Chia sẻ thêm kinh nghiệm bán hàng, ông Hoàng Khánh Dương-Giám đốc chiến lược Công ty TNHH Giải pháp phát triển doanh nghiệp iViet-cho biết: Hiện nay, nhiều nhà sản xuất cà phê ở Gia Lai có sản phẩm tốt nhưng lại không bán được nhiều hàng trên các sàn và doanh số tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn. Tâm lý khách hàng trước khi quyết định mua hàng thường tìm hiểu quy mô và xem shop có được yêu thích hay không, số lượng bán hàng, lượt đánh giá và bình luận chất lượng sản phẩm của khách hàng thế nào.

Về chiến lược kinh doanh hiệu quả trên sàn, theo ông Dương, người bán nên tìm hiểu về kinh nghiệm người bán hàng “ngàn đơn” chia sẻ về cách thức, tham gia các hội thảo do chính các sàn tổ chức, xét yếu tố lợi thế về sản phẩm so với đối thủ (về chất lượng, giá), lợi thế về tệp khách hàng tiềm năng ở phân khúc nào, địa phương ở đâu, tham gia các group hội nhóm, chạy quảng cáo, bán hàng đa kênh… Người bán nên mô tả về sản phẩm qua việc làm các video ngắn giới thiệu và hướng dẫn cách sử dụng, làm từ khóa để dễ tìm kiếm, làm hashtag, có chương trình khuyến mãi tặng kèm khi mua sản phẩm. Ngoài ra, cần xem lại shop của mình đã tốt hay chưa, xem và phân tích đối thủ để biết mình còn thiếu những gì để hoàn thiện.

“Hiện nay, doanh số bán hàng trên sàn TMĐT lớn nhất là Shopee, thứ 2 là Lazada, còn TikTok dự kiến sẽ vượt sàn Lazada và lên đứng thứ 2 trong năm nay. TikTok đang kết nối với hệ thống những KOL (những người có sức ảnh hưởng trên cộng đồng) để từ đó góp phần đưa các sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng nhanh nhất. Đây là kênh mới nhưng được đánh giá là sẽ hiệu quả nhất trong một thời gian ngắn nữa, vì vậy người bán nên nhanh chóng tận dụng cơ hội để quảng bá sản phẩm và bán hàng”-ông Dương nhấn mạnh.

Sở Công thương đang tăng cường các giải pháp xây dựng thị trường và nâng cao lòng tin người tiêu dùng trong TMĐT, tăng cường tuyên truyền các sự kiện tuần mua sắm trực tuyến, các chương trình ưu đãi khi thanh toán trực tuyến... từ đó tăng cường khả năng nhận biết của người dân với TMĐT; đồng thời, giúp người dân và doanh nghiệp hiểu được những mặt tích cực mà công nghệ cũng như TMĐT mang lại, giúp thay đổi thói quen kinh doanh và tiêu dùng theo phương thức hiện đại hơn, hiệu quả hơn...

Bên cạnh đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực TMĐT luôn được quan tâm, chú trọng. Thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục phối hợp với Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công thương), Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại (VCCI) Việt Nam, Hiệp hội TMĐT tổ chức các hội nghị tập huấn nhằm giúp doanh nghiệp và thương nhân trên địa bàn đẩy nhanh năng lực ứng dụng và triển khai TMĐT, phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả.

Có thể bạn quan tâm

Anh Trần Minh Tuấn (thôn Phú Quang, xã Ia Hrú, huyện Chư Pưh) chăm sóc các chậu hoa ngũ sắc của gia đình. Ảnh: Đ.L

Thu nhập khá từ hoa ngũ sắc

(GLO)- Từ những bụi cây ngũ sắc ngoài đồng, người nông dân Gia Lai đã tỉa tót, uốn nắn để chúng thành những chậu bonsai rực rỡ sắc màu đem lại thu nhập khá, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán.

Hội Liên hiệp phụ nữ xã Kon Thụp triển khai "Công trình cây xanh" tại làng Dơ Nâu để góp phần tăng lượng cây xanh trồng trên địa bàn. Ảnh: Người dân cung cấp.

Mang Yang thực hiện tốt mục tiêu trồng cây phân tán

(GLO)-Triển khai Nghị quyết số 05-NQ/HU ngày 7-5-2021 của Ban thường vụ Huyện ủy Mang Yang về trồng cây phân tán trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025, các cấp, ngành của huyện đã tăng cường huy động nguồn lực xã hội, thực hiện đa dạng hóa nguồn vốn triển khai để trồng và bảo vệ cây xanh.

Trung Quốc ra cảnh báo với sầu riêng, mít Việt Nam

Trung Quốc ra cảnh báo với sầu riêng, mít Việt Nam

Liên tiếp các lô hàng trái cây tươi của Việt Nam xuất khẩu bị nhiều nước nhập khẩu cảnh cáo vì không tuân thủ yêu cầu về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và thương hiệu nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Hệ thống kênh nhánh dẫn nước tại thủy lợi Plei Keo về làng Vơng Chép (xã Ayun). Ảnh: N.D

Chư Sê chủ động ứng phó với nguy cơ thiếu nước tưới

(GLO)- Trước thông tin dự báo về thời tiết diễn biến khắc nghiệt, cộng với việc công trình hồ thủy lợi Ia Ring gặp sự cố, huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) đã chủ động xây dựng phương án ứng phó với nguy cơ thiếu nước tưới cuối vụ Đông Xuân 2024-2025 nhằm giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp.