Ông Huỳnh Ngọc Thuận-Trưởng khoa Điện-Điện tử-Tin học (Trường Cao đẳng Gia Lai), thành viên nhóm nghiên cứu-cho biết: Chất đốt để sấy thuốc lá chủ yếu là củi, trung bình 1 mẻ sấy phải tiêu tốn khoảng 4,5 tấn củi, tương đương 3,5-4,5 triệu đồng. Một hộ dân với 10 mẻ sấy sẽ phải tiêu tốn khoảng 45 tấn củi, khoảng 35-45 triệu đồng. Nếu với diện tích gần 3.500 ha thì người dân các địa phương khu vực Đông Nam tỉnh phải sử dụng 94.500 tấn củi để làm chất đốt.
“Từ thực tế đó, nhóm đã nghiên cứu để thay thế nhiên liệu sấy, phương thức sấy, cải tiến lò sấy truyền thống và hệ thống điều khiển, giám sát để có thể rút ngắn thời gian, giúp người dân tiết kiệm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm”-ông Thuận cho biết.
Ông Huỳnh Ngọc Thuận kiểm tra hệ thống điều khiển, giám sát lò sấy thuốc lá. Ảnh: Phan Lài |
Tháng 7-2022, nhóm nghiên cứu gồm 3 thành viên: Huỳnh Ngọc Thuận, Trần Ngọc Hòa (Khoa Cơ khí), Phạm Văn Hoan (Khoa Điện-Điện tử-Tin học) đã bắt tay thực hiện dự án cải tiến. Sau nhiều lần điều chỉnh, lò sấy được thiết kế cải tiến mới với kích thước 12x4x3,5 m, công suất 1.200-1.700 kg thuốc khô/mẻ. Điểm mới của lò sấy này là thay đổi cấu trúc bầu lò để tăng nhiệt lượng tỏa ra đủ để làm khô lá thuốc, công suất mô tơ dẫn động cánh quạt, kết cấu cánh quạt cũng được tính toán tăng lên để phù hợp lưu lượng hơi nóng thổi vào trong phòng sấy.
Để lò sấy phát huy công năng, nhóm đã nghiên cứu và sử dụng cảm biến nhiệt độ khô và ướt, đồng thời lắp đặt bộ chuyển đổi tín hiệu nhiệt độ về Analog, đưa tín hiệu về PLC để xử lý quá trình sấy đảm bảo ổn định nhiệt độ, độ ẩm chính xác, bảo quản hương vị, từ đó tạo ra sản phẩm đồng nhất và chất lượng cao hơn. Thiết bị được hiển thị các thông số và người dân dễ dàng cài đặt khi sử dụng.
Ngoài cải tiến hệ thống điều khiển, giám sát lò sấy, nhóm nghiên cứu còn nâng cấp hệ thống sấy không cần xiên. Trước đây, bà con nông dân bẻ lá thuốc từ cánh đồng về phải thuê nhân công ngồi xiên từng lá thuốc thành các sào. Để đáp ứng yêu cầu của lò sấy, mỗi ngày cần 20-25 nhân công để xiên lá thuốc và đưa thuốc vào trong lò để sấy. Nhóm nghiên cứu đã sử dụng phương thức sấy dùng vỉ (lá bó hoặc xếp lá), sấy dùng răng lược (lá thuốc được dập thành từng sào), chỉ cần 5-7 nhân công để vận hành lò sấy.
Ông Hòa chia sẻ: Vụ Đông Xuân 2022-2023, các huyện, thị xã khu vực Đông Nam tỉnh trồng gần 3.500 ha thuốc lá. Nếu tất cả sử dụng lò sấy cải tiến thì số lượng cần có là 998 lò; 1 lò sấy khoảng 3,5-3,8 ha thuốc lá. Mỗi mùa, 1 lò sấy được 10 mẻ; tổng 1 mẻ sấy tiết kiệm được 6,95 triệu đồng, một mùa sấy tiết kiệm được 69,5 triệu đồng. Một mẻ sấy tiết kiệm được 5,25 triệu đồng tiền thuê nhân công. Như vậy, lò mới đã góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm đáng kể lượng nhiên liệu sấy tiêu hao so với lò sấy truyền thống, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân so với những năm trước đây.
Ông Huỳnh Ngọc Thuận (bìa phải) và ông Trần Ngọc Hòa kiểm tra chất lượng thuốc lá sau khi sấy của người dân. Ảnh: Phan Lài |
Với những ưu điểm nổi trội, lò sấy được cải tiến đã từng bước được người trồng thuốc lá tin dùng. Hiện nhóm tác giả đã bán ra thị trường 45 lò sấy thuốc lá. Chị Chu Thị Vân (thôn Thanh Trang, xã Ia Peng, huyện Phú Thiện) phấn khởi cho biết: “Gia đình có 4 ha thuốc lá. Khi biết tin các giảng viên của Trường Cao đẳng Gia Lai nghiên cứu thành công lò sấy có hệ thống điều khiển, giám sát được cải tiến, tôi đã mua và sử dụng. Lò sấy dễ sử dụng, thuốc giữ được hương vị, giảm chi phí chất đốt và nhân công. Vụ mùa đầu tiên khi áp dụng hệ thống sấy mới, gia đình tôi tiết kiệm được 69,5 triệu đồng tiền nhân công và chất đốt”.
Còn ông Phan Văn Ánh (tổ 8, thị trấn Phú Thiện) thì cho hay: “Thấy được sự hữu ích của lò sấy mới, tôi đã giới thiệu cho nhiều người sử dụng với mong muốn cùng nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết kiệm chi phí để yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống”.
Tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật lần thứ 11, hệ thống điều khiển, giám sát lò sấy của nhóm được đánh giá cao vì những cải tiến góp phần tiết kiệm nhiên liệu và nhân công so với lò sấy truyền thống, giảm thiểu lượng khí thải gây ô nhiễm môi trường, giúp bảo vệ sức khỏe. “Thực tế, trên thị trường có nhiều loại máy sấy thuốc lá, người dân trong tỉnh thường sử dụng lò sấy nhập về từ Brazil với giá 140 triệu đồng. Lò sấy thuốc lá cải tiến do chúng tôi nghiên cứu chỉ nằm ở giá 68 triệu đồng. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu, nâng cấp hệ thống để phát huy tối đa công năng, giúp bà con nâng cao chất lượng sản phẩm và thu nhập”-ông Hoan thông tin.