Hàng trăm doanh nhiệp nước ngoài 'núp bóng' ở các vị trí nguy cơ về an ninh

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Theo Phó thủ tướng Phạm Bình Minh, thời gian qua, cơ quan chức năng đã phát hiện hàng trăm doanh nghiệp do người Việt đứng tên cho nước ngoài đầu tư, kinh doanh tại những vị trí có nguy cơ ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh.
 
Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh. Ảnh Ngọc Thắng
Tại kỳ họp lần này, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội đã có báo cáo giám sát về Việc thực hiện chính sách, pháp luật trong công tác quản lý người nước ngoài tại Việt Nam, trong đó có việc người nước ngoài sở hữu nhà.
Theo báo cáo giám sát, Hiến pháp năm 2013 và luật Đất đai năm 2013 đã tạo nền tảng pháp lý quan trọng cho quyền có nhà ở được ghi nhận trong luật Nhà ở năm 2014 và người nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
Từ khi luật Nhà ở năm 2014 có hiệu lực đến nay, theo báo cáo của Bộ Xây dựng, có gần 800 tổ chức, cá nhân nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam tập trung tại: TP.Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Khánh Hòa, Đồng Tháp, Đồng Nai, Cần Thơ, Bình Thuận, Thừa Thiên - Huế, Vĩnh Long.
“Các tổ chức, cá nhân nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam đều thực hiện nghiêm túc các quy định của Việt Nam về xuất nhập cảnh và lưu trú, sở hữu nhà đất, mua bán chuyển nhượng nhà ở, nộp thuế”, theo Đoàn giám sát.
Tuy nhiên, bức tranh về tình trạng người nước ngoài sở hữu nhà tại Việt Nam có thể không tươi sáng như báo cáo của đoàn Giám sát, theo văn bản trả lời chất vấn của Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh gửi đại biểu Dương Trung Quốc.
“Nhiều cử tri cho tôi biết tại nhiều nơi (Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nha Trang, Tây Nguyên, TP.HCM...) có hiện tượng người nước ngoài thuê người Việt Nam mua đất đai hay bất động sản mà quy định luật pháp Việt Nam không cho phép, thường là những không gian đắc địa (về kinh tế và an ninh). Tôi cũng tin rằng đó là sự thật đang diễn ra tiềm tàng những nguy cơ hậu họa. Vậy, theo Phó thủ tướng, có hiện tượng đó không? Chính phủ có biết không và quy mô đến mức nào?”, đại biểu Quốc đặt câu hỏi.
Trả lời câu hỏi này, Phó thủ tướng dẫn “báo cáo của các cơ quan chức năng” cho biết, thời gian qua phát hiện người nước ngoài thuê người Việt Nam đầu tư dự án bất động sản dưới nhiều hình thức "núp bóng" đầu tư dưới một số hình thức sau.
Thông qua một số cá nhân người Việt Nam để lập doanh nghiệp đầu tư kinh doanh bất động sản dưới hình thức bên nước ngoài góp 49% vốn điều lệ trở xuống, bên Việt Nam góp 51% vốn điều lệ trở lên.
Thông qua cá nhân, tổ chức Việt Nam hoặc dùng các pháp nhân nước khác để đầu tư tại các lô đất, vị trí liên quan đến quốc phòng, an ninh có thời hạn sử dụng đất lâu dài để lách luật Đầu tư và luật Đất đai, sau đó mua lại phần góp vốn của phía Việt Nam.
Thông qua việc cho cá nhân người Việt Nam vay tiền để thành lập doanh nghiệp, mọi quyết định đều phải thông qua Bên cho vay.
Đầu tư "núp bóng" thông qua việc kết hôn với người Việt Nam, lập doanh nghiệp do vợ hoặc chồng là người Việt Nam đứng tên những thực tế mọi hoạt động điều hành đều do người nước ngoài đảm nhiệm.
Người nước ngoài đến Việt Nam với mục đích du lịch, học tập, sau đó đứng sau người Việt Nam thuê các mặt bằng, nhà xưởng.
“Thời gian qua, cơ quan chức năng đã phát hiện hàng trăm doanh nghiệp do người Việt Nam đứng tên cho doanh nghiệp, cá nhân mang quốc tịch nước ngoài đầu tư, kinh doanh trên các lĩnh vực bất động sản, du lịch... tại những vị trí có nguy cơ ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh ở Hải Phòng, Bình Dương, Lâm Đồng, Trà Vinh... ", Phó thủ tướng trả lời và cho biết các cơ quan chức năng sẽ xem xét, thu hồi giấy phép, tạm dừng hoặc điều chỉnh một số dự án trên cơ sở mức độ vi phạm.
Lê Hiệp-Vũ Hân (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm