Gỡ khó cho người trồng hồ tiêu

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Theo báo cáo của các chi nhánh ngân hàng, dư nợ cho vay trồng, chăm sóc hồ tiêu trên địa bàn tỉnh đến nay là 4.382 tỷ đồng, chiếm trên 5% tổng dư nợ toàn tỉnh. Trong đó, dư nợ ngắn hạn là 3.375 tỷ đồng, chiếm 77%; dư nợ trung-dài hạn 1.007 tỷ đồng, chiếm 23%. Nợ xấu là 186 tỷ đồng, chiếm 4,2% dư nợ cho vay trồng, chăm sóc hồ tiêu.
Lời tòa soạn: Tại kỳ họp thứ sáu HĐND tỉnh khóa XI vừa qua, vấn đề được đại biểu HĐND tỉnh và cử tri đặc biệt quan tâm là việc hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người trồng hồ tiêu có diện tích bị thiệt hại do dịch bệnh. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Gia Lai có cuộc phỏng vấn ông NGUYỄN VĂN CƯ-Giám đốc Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh.
Người trồng hồ tiêu trên địa bàn tỉnh sẽ được hưởng chính sách tín dụng ưu đãi. Ảnh: S.C
Người trồng hồ tiêu trên địa bàn tỉnh sẽ được hưởng chính sách tín dụng ưu đãi. Ảnh: S.C
* P.V:Xin ông cho biết về tình hình đầu tư tín dụng của ngành Ngân hàng đối với cây hồ tiêu trên địa bàn tỉnh?
- Ông NGUYỄN VĂN CƯ: Hồ tiêu là một trong những cây trồng chủ lực của Gia Lai, có giá trị xuất khẩu cao và mang lại hiệu quả cho người trồng, đặc biệt trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được thương hiệu Hồ tiêu Chư Sê. Do đó, trong những năm qua, các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã tích cực tham gia đầu tư vốn tín dụng để hỗ trợ người dân đầu tư phát triển sản xuất.
Theo báo cáo của các chi nhánh ngân hàng, dư nợ cho vay trồng, chăm sóc hồ tiêu trên địa bàn tỉnh đến nay là 4.382 tỷ đồng, chiếm trên 5% tổng dư nợ toàn tỉnh. Trong đó, dư nợ ngắn hạn là 3.375 tỷ đồng, chiếm 77%; dư nợ trung-dài hạn 1.007 tỷ đồng, chiếm 23%. Nợ xấu là 186 tỷ đồng, chiếm 4,2% dư nợ cho vay trồng, chăm sóc hồ tiêu.
* P.V:Trước những khó khăn, thiệt hại của người trồng hồ tiêu, ngành Ngân hàng đã có những hỗ trợ gì cho người dân, thưa ông?
- Ông NGUYỄN VĂN CƯ: Thời gian gần đây, một số vườn hồ tiêu ở các huyện Chư Pưh, Chư Sê, Chư Prông... nhiễm bệnh chết. Cùng với đó, giá hồ tiêu trên thị trường giảm sâu đã ảnh hưởng lớn đến thu nhập, đời sống của người dân, đặc biệt là những hộ dân có vay vốn ngân hàng, dẫn đến phát sinh nhiều đơn thư kêu cứu, đề nghị ngành Ngân hàng khoanh nợ, giãn nợ.
Trước tình hình đó, Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh đã chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn chủ động rà soát, tổng hợp thiệt hại để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng theo quy định tại Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9-6-2015 của Chính phủ và Quyết định số 50/2010/QĐ-TTg ngày 28-7-2010 của Thủ tướng Chính phủ. Tính đến nay, các chi nhánh ngân hàng đã tiến hành hỗ trợ cho 442 khách hàng. Trong đó, số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ là 81,2 tỷ đồng; điều chỉnh giảm lãi suất cho vay 41,1 tỷ đồng và cho vay mới 120 tỷ đồng.
* P.V: Nguyện vọng của người dân là muốn được khoanh nợ, xóa nợ. Vì sao cho đến nay ngành Ngân hàng chưa thực hiện được vấn đề này, thưa ông?
- Ông NGUYỄN VĂN CƯ: Một số hộ dân bị thiệt hại vườn cây, khó khăn trong trả nợ có nguyện vọng muốn được khoanh nợ, xóa nợ. Đó là nguyện vọng chính đáng của người dân và ngành Ngân hàng hết sức thông cảm, chia sẻ. Tuy nhiên, theo quy định tại Nghị định số 55 của Chính phủ, trường hợp thiên tai, dịch bệnh xảy ra trên phạm vi rộng, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có văn bản công bố thiên tai, dịch bệnh xảy ra trên phạm vi rộng và tổng hợp, đánh giá cụ thể thiệt hại để báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tài chính. Trên cơ sở báo cáo và đề nghị của UBND cấp tỉnh, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ cho phép tổ chức tín dụng được thực hiện khoanh nợ không tính lãi đối với dư nợ bị thiệt hại trong thời gian tối đa 2 năm và các khoản nợ khoanh được giữ nguyên nhóm nợ như đã phân loại trước khi thực hiện khoanh nợ. Số tiền lãi tổ chức tín dụng không thu được do đã thực hiện khoanh nợ cho khách hàng được ngân sách nhà nước cấp tương ứng.
Trong khi đó, theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT thì tỉnh ta chưa đủ điều kiện để công bố dịch bệnh trên phạm vi rộng. Do đó, ngành Ngân hàng chưa có cơ sở để tiến hành khoanh nợ.
* P.V: Trong bối cảnh hiện nay, ngành Ngân hàng có giải pháp nào để tiếp tục hỗ trợ người trồng hồ tiêu bị thiệt hại, thưa ông?
- Ông NGUYỄN VĂN CƯ: Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh đang chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng tiếp tục đồng hành cùng khách hàng. Phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành rà soát, thống kê, phân loại cụ thể theo từng nhóm khách hàng để có giải pháp phù hợp nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, điều chỉnh giảm lãi suất, tiếp tục cho vay mới để khôi phục sản xuất. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh cũng sẽ tiếp tục theo dõi tình hình, phối hợp với UBND các huyện và các sở, ngành chức năng để tham mưu, đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có các giải pháp thiết thực nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân.
* P.V: Cảm ơn ông!
Sơn Ca (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

(GLO)- Vụ Đông Xuân 2024-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) sẽ gieo trồng 2.988 ha cây trồng các loại, trong đó có hơn 2.000 ha lúa. Để đảm bảo vụ sản xuất đạt hiệu quả, ngành Nông nghiệp huyện đang phối hợp với các địa phương hướng dẫn người dân gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ.

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương, các chủ đầu tư thực hiện các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024. Ảnh Hà Duy

Chủ đầu tư phải lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng dự án, cụ thể từng tháng

(GLO)- Đó là một trong những yêu cầu tại Công văn số 2671/UBND-KTTH do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Hữu Quế vừa ký ban hành nhằm đề nghị các sở, ban, ngành; các địa phương; các chủ đầu tư triển khai các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024.

Kho xăng dầu của Công ty TNHH một thành viên Xăng dầu Bắc Tây Nguyên tại xã Ia Tiêm (huyện Chư Sê) hiện chưa được chấp thuận đấu nối vào quốc lộ. Ảnh: V.T

Cửa hàng xăng dầu đấu nối vào đường giao thông: Vướng mắc cần tháo gỡ

(GLO)- Theo Luật Giao thông đường bộ và các quy định liên quan, các công trình xây dựng, trong đó có cửa hàng xăng dầu nằm dọc quốc lộ, tỉnh lộ phải xây dựng ngoài phạm vi hành lang an toàn đường bộ và thực hiện đấu nối đúng vị trí được UBND cấp tỉnh phê duyệt.