Giúp phụ nữ nông thôn tiếp cận nước sạch và nhà vệ sinh

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Hiện nay, tỷ lệ phụ nữ nông thôn ở Gia Lai được tiếp cận với nguồn nước sạch và nhà vệ sinh đủ tiêu chuẩn còn thấp so với mặt bằng chung của cả nước. Sự thiếu hụt này khiến chất lượng cuộc sống bị giảm sút. Xuất phát từ tình hình thực tế, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh đã xây dựng Đề án “Xây dựng gia đình 3 sạch, thực hiện chỉ tiêu 17.8 trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2021-2025”.

Thói quen truyền đời

Cũng như nhiều phụ nữ Bahnar ở làng Bla (xã Đak Song, huyện Kông Chro), vào buổi chiều, chị Đinh Thị Nhang lại dẫn các con ra dòng suối Hway tắm gội. Chị đào 1 hố cát nhỏ bên bờ suối, sau khi tắm táp, chị múc nước lắng lại từ hố cát đổ đầy các bầu, chai nhựa và gùi về nhà. Nguồn nước này được dùng để nấu ăn và sinh hoạt hàng ngày.

Nhiều phụ nữ và trẻ em vùng nông thôn vẫn chưa được tiếp cận với nước sạch và nhà vệ sinh. Ảnh: Minh Châu

Nhiều phụ nữ và trẻ em vùng nông thôn vẫn chưa được tiếp cận với nước sạch và nhà vệ sinh. Ảnh: Minh Châu

Không chỉ phụ nữ Bahnar ở vùng đất Đông Trường Sơn có thói quen sử dụng nước trong sinh hoạt hàng ngày như vậy mà nhiều phụ nữ Jrai ở khu vực Đông Nam tỉnh cũng có thói quen tương tự. Bà Siu Klơih (làng Hvăk, xã Ayun, huyện Chư Sê) năm nay đã gần 80 mùa rẫy, cũng chừng đó thời gian bà sử dụng nước sông suối trong sinh hoạt. Đối với bà, dùng nước giọt, nước suối không chỉ là thói quen mà đó còn là nguồn nước tự nhiên duy nhất bà có điều kiện tiếp cận. Những người con của bà lần lượt lớn lên, được nuôi nấng cũng từ nguồn nước này.

Một phụ nữ trẻ cùng làng là chị Kpă Klah cũng quen sử dụng nước sông suối. Chị cho hay, dù biết nguồn nước này không còn sạch như trước kia do ô nhiễm môi trường, do sản xuất nông nghiệp, nhưng không có điều kiện để tiếp cận với nguồn nước sạch khác. Không chỉ thiếu nước sạch, gia đình những trường hợp kể trên cũng không có nhà vệ sinh để sử dụng.

Ông Nguyễn Sỹ Thắng-Phó Chủ tịch UBND xã Ayun-cho biết: Ayun là xã đặc biệt khó khăn của huyện Chư Sê; đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 95% dân số. Nhiều chương trình, đề án triển khai để hỗ trợ bà con như: Đề án phát triển kinh tế-xã hội gắn với xây dựng nông thôn mới đã hỗ trợ xây 66 nhà vệ sinh tại làng Kpaih, làng Keo và 220 nhà vệ sinh tại làng Amil. Ngoài ra, xã còn xây dựng 32 nhà vệ sinh cho làng Achông... “Tuy nhiên, thổ nhưỡng nơi này là đất pha cát nhiều, làm nhà vệ sinh phải xây gạch hoặc thả hộc bê tông mới tránh sạt lở. Trong khi đó, với kinh phí hỗ trợ còn hạn hẹp (khoảng 3 triệu đồng/nhà vệ sinh), lại khó khăn về nguồn nước nên chỉ làm được nhà vệ sinh nhỏ, đơn giản có nắp đậy bằng tấm bê tông, rất khó làm nhà vệ sinh kiên cố. Số nhà vệ sinh đã thực hiện cũng còn rất khiêm tốn so với nhu cầu của người dân. Đại đa số hộ dân mong muốn có nhà vệ sinh, nhưng do điều kiện kinh tế khó khăn, thu nhập thấp nên chưa có khả năng thực hiện”-ông Thắng nói.

Còn chị Đinh Thị Toại-Chủ tịch Hội LHPN huyện Krông Pa thì cho hay: “Do đặc tính sinh hoạt nên việc sử dụng nước sông suối và phóng uế ra môi trường gây ô nhiễm là thói quen khó xử lý của người dân vùng này. Các cấp Hội đã có nhiều hình thức tuyên truyền, vận động chị em nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen. Nhiều chị em ý thức được việc không có nước sạch và nhà vệ sinh sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và nhiều vấn đề khác. Nhưng thách thức lớn nhất hiện nay là khó khăn về kinh tế, nên dù thay đổi nhận thức nhưng để có công trình vệ sinh gắn với đảm bảo nhu cầu nước sạch là những rào cản. Một số chị em khi được vận động đã mạnh dạn vay vốn nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn để làm nhà vệ sinh, xây giếng nước, nhưng chưa nhiều”.

Đâu là giải pháp?

Theo khảo sát của Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) Việt Nam và Bộ Nông nghiệp và PTNT về tình trạng nước sạch và vệ sinh khu vực nông thôn của tỉnh, tỷ lệ người dân Gia Lai được tiếp cận nước sạch và vệ sinh còn thấp so với mặt bằng chung của khu vực và cả nước. Năm 2020, tỷ lệ hộ dân nông thôn của tỉnh sử dụng nước sạch là 47,2% (theo Quy chuẩn chất lượng nước sinh hoạt QCVN 02: 2009/BYT); tỷ lệ hộ gia đình nông thôn không có nhà vệ sinh là 29,35%. Một số huyện có tỷ lệ thấp như: Krông Pa (31,51%), Kông Chro (39,13%). Nguyên nhân chủ yếu là do tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn khá cao, nhiều hộ gia đình chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc giữ gìn vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường.

Việc được tiếp cận nước sạch sẽ giúp phụ nữ và trẻ em gái hạn chế nhiều rủi ro về sức khỏe. Ảnh: M.C

Việc được tiếp cận nước sạch sẽ giúp phụ nữ và trẻ em gái hạn chế nhiều rủi ro về sức khỏe. Ảnh: M.C

Được sự hướng dẫn của Trung ương Hội LHPN Việt Nam và sự hỗ trợ kỹ thuật của UNICEF Việt Nam, Hội LHPN tỉnh đã xây dựng Đề án “Xây dựng gia đình 3 sạch, thực hiện chỉ tiêu 17.8 trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2021-2025”. Đối tượng thụ hưởng của đề án là hội viên phụ nữ trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là phụ nữ nghèo, cận nghèo, khuyết tật tại 5 xã: Yang Nam (huyện Kông Chro), Ia Yeng (huyện Phú Thiện), Chư Drăng (huyện Krông Pa), Ayun (huyện Chư Sê), Yang Bắc (huyện Đak Pơ). Đây là 5 xã phấn đấu đến năm 2025 đạt chuẩn nông thôn mới và có tỷ lệ nhà vệ sinh thấp (từ 28% đến 45%).

Khi đề án được UBND tỉnh phê duyệt và triển khai, đến tháng 12-2025 sẽ có 300 hộ nghèo, cận nghèo của 5 xã trên được vận động, hỗ trợ xây dựng nhà vệ sinh, đạt tiêu chí 3 sạch trong xây dựng nông thôn mới. Sau khi kết thúc đề án, mức độ lan tỏa đạt trên 2.000 nhà vệ sinh được xây dựng tại cộng đồng, trong đó trên 1.700 hộ xây dựng mới nhà vệ sinh qua vận động lan tỏa (vay vốn từ các nguồn quỹ khác nhau hoặc kinh phí tự lực của gia đình).

Trung ương Hội LHPN Việt Nam và Hội LHPN tỉnh vừa tổ chức hội thảo lấy ý kiến đóng góp của các ban, ngành, đoàn thể, địa phương nhằm bảo đảm tính khả thi của đề án trong thực tế. Phó Chủ tịch UBND xã Ayun cho rằng: “Đề án có tính khả thi cao, mang ý nghĩa thiết thực. Tuy nhiên, các sở, ngành của tỉnh cần nghiên cứu, xem xét tăng định mức hỗ trợ làm nhà vệ sinh cho hộ nghèo. Cần khảo sát thật kỹ tình hình thực tế tại địa phương để nắm bắt tâm tư nguyện vọng, khả năng đối ứng của người dân khi triển khai hỗ trợ xây dựng nhà vệ sinh gắn với công trình nước sạch. Bởi lẽ, nhiều hộ nghèo hoàn toàn không có khả năng đối ứng để thực hiện dù đã được hỗ trợ”.

Còn bà Lesley Miller-Phó Trưởng Đại diện UNICEF Việt Nam thì chia sẻ một số kinh nghiệm và khuyến nghị của UNICEF đối với việc triển khai đề án tại Gia Lai. Theo đó, trước tiên cần ưu tiên cho những phụ nữ dễ bị tổn thương nhất, đầu tư hơn nữa vào dịch vụ và hoạt động truyền thông để thay đổi hành vi, thói quen cũng như áp dụng thực hành vệ sinh cá nhân lành mạnh cho bà con. Chúng ta có thể khơi dậy mong muốn của họ về một môi trường sống thuận tiện và an toàn hơn. Việt Nam có cơ hội tuyệt vời để triển khai đề án thông qua mạng lưới mạnh mẽ của hội LHPN các cấp, từ cấp quốc gia đến thôn, làng. Hội Phụ nữ có nhiều kinh nghiệm truyền thông thay đổi hành vi và xã hội, chuyên môn và phạm vi tiếp cận của Hội có thể giúp cộng đồng và phụ nữ tiếp thu kiến thức, áp dụng vào thực tế. UNICEF và Trung ương Hội đã triển khai hoạt động tương tự tại một số tỉnh trong cả nước.

“Bằng kinh nghiệm thực tiễn này, tôi tin chúng ta có thể đạt được kết quả vượt bậc với sự tham gia mạnh mẽ của hội LHPN các cấp và cam kết của chính quyền địa phương, vấn đề nước sạch cho phụ nữ và trẻ em gái chắc chắn sẽ được cải thiện”-bà Lesley Miller tin tưởng.

Có thể bạn quan tâm

“Đứng dậy” từ lầm lỗi

“Đứng dậy” từ lầm lỗi

(GLO)- Nhìn những bằng khen, giấy khen treo trên tường nhà, ít ai ngờ rằng, ông Kpă Dõ-Trưởng ban Công tác Mặt trận làng Lê Ngol (xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) từng một thời chìm trong lầm lỗi. Nhờ được cảm hóa và giúp đỡ, ông đã mạnh mẽ “đứng dậy” làm lại cuộc đời.

Minh họa: ĐẶNG HỒNG QUÂN

Tuổi già

(GLO)- Gần đây, tôi ít về quê. Nhiều khi người thân ở quê có việc hoặc muốn biết về tình hình phát triển của quê hương, chỉ cần bỏ ra mươi phút lướt mạng là có đầy đủ thông tin.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Phạm Minh Trung khẳng định việc giao quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai sẽ tạo thuận lợi cho người dân lẫn cơ quan quản lý (ảnh nguồn internet).

Phân cấp thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất: Thuận lợi cho người dân lẫn cơ quan quản lý

(GLO)- Theo phân cấp, từ ngày 1-11-2024, chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai các huyện, thị xã, thành phố được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, xác nhận thay đổi đối với trường hợp đăng ký biến động... tạo thuận lợi cho người dân lẫn cơ quan quản lý.

Các sản phẩm đặc trưng địa phương hút khách tại Tuần lễ Hoa Dã Quỳ-Núi lửa Chư Đang Ya

Các sản phẩm đặc trưng địa phương hút khách tại Tuần lễ Hoa Dã Quỳ-Núi lửa Chư Đang Ya

(GLO)- Tuần lễ hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya đang tổ chức tại khu vực nhà rông làng Ia Gri (xã Chư Đang Ya, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai). Đây không chỉ là dịp để du khách chiêm ngưỡng vẻ đẹp rực rỡ của loài hoa dã quỳ, mà còn là cơ hội để thưởng thức những sản phẩm đặc trưng của địa phương.