Gia Lai xúc tiến xuất khẩu chính ngạch nông sản chủ lực

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Năm 2022, ngành nông nghiệp tỉnh Gia Lai đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đặc biệt, việc xây dựng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói xuất khẩu chính ngạch cho một số cây trồng chủ lực đã góp phần nâng cao giá trị và thương hiệu trên thị trường xuất khẩu.

Năm 2022, tổng giá trị sản xuất nông-lâm nghiệp của tỉnh ước đạt 33.823 tỷ đồng, tăng hơn 6,6% so với năm 2021. Trong đó, nông nghiệp tăng 6,64%, lâm nghiệp tăng 7,33%, thủy sản tăng 8,74%.

 Dây chuyền sơ chế chuối tiêu già hương Nam Mỹ của Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Hưng Sơn (huyện Đak Đoa). Ảnh: Lê Nam
Dây chuyền sơ chế chuối tiêu già hương Nam Mỹ của Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Hưng Sơn (huyện Đak Đoa). Ảnh: Lê Nam


Một trong những bước đột phá của ngành nông nghiệp là các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) liên kết với nông dân sản xuất nông sản có chứng nhận theo tiêu chuẩn. Theo đó, đến nay, toàn tỉnh có khoảng 233.522 ha cây trồng các loại sản xuất theo hướng tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, 4C, Organic, Rainforest Alliance… Đặc biệt, toàn tỉnh đã được cấp 94 mã số vùng trồng với diện tích 6.346,49 ha; có 22 cơ sở đóng gói nông sản xuất khẩu. Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh cũng đã trình 36 mã số vùng trồng với diện tích 768,29 ha và 10 mã số cơ sở đóng gói với công suất 480-485 tấn quả tươi/ngày. Đây là nền tảng để xuất khẩu chính ngạch một số sản phẩm như: chanh dây, sầu riêng, chuối...

Theo bà Võ Trần Bích Hạnh-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Nông nghiệp Sê San Gia Lai (Khu Công nghiệp Diên Phú, TP. Pleiku): Cuối tháng 11-2022, Công ty đã xuất khẩu chính ngạch 17 tấn quả chanh dây tươi sang thị trường Trung Quốc. Việc được cấp mã số vùng trồng gắn truy xuất nguồn gốc giúp nâng cao giá trị và hiệu quả kinh tế, phù hợp xu thế phát triển thị trường tiêu thụ hiện nay. “Hiện tại, 200 ha chanh dây của Công ty đã được cấp mã số vùng trồng. Đây là điều kiện thuận lợi thúc đẩy nông dân liên kết với doanh nghiệp sản xuất theo tiêu chuẩn xuất khẩu gắn mã số vùng trồng và truy xuất nguồn gốc để tạo vùng nguyên liệu bền vững. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ mở rộng thêm khoảng 100 ha chanh dây có mã số vùng trồng và truy xuất nguồn gốc để đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu”-bà Hạnh nói.

Còn ông Đỗ Minh Tiến-Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp Tiến Phát Gia Lai (xã Ia Drăng, huyện Chư Prông) cho hay: Hợp tác xã cũng vừa xuất khẩu 20 tấn quả chanh dây tươi sang thị trường Trung Quốc. Đây là cơ hội để HTX tiếp tục phát triển cây chanh dây bền vững trong những năm tới.

Trao đổi với P.V, ông Đoàn Ngọc Có-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho biết: Việc sản xuất theo tiêu chuẩn chứng nhận đã tạo tiền đề cho nông sản xuất khẩu chính ngạch sang thị trường các nước trên thế giới. Ngoài ra, các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác tham gia đầu chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực đã mang lại niềm tin cho bà con nông dân.

“Trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và PTNT định hướng đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi giá trị quy mô lớn phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường tiêu thụ, thích ứng với biến đổi khí hậu; phối hợp với các sở, ngành đẩy mạnh xúc tiến thương mại kết nối mạng lưới tiêu thụ toàn cầu; chú trọng ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nhất là công nghệ cao, tiên tiến; khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Đồng thời, ngành tiếp tục mời gọi và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; thường xuyên kiểm tra, giám sát ngăn chặn người dân tự phát đưa giống mới vào trồng, chú trọng công tác khuyến nông”-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT thông tin thêm.

 

NGUYỄN DIỆP

Có thể bạn quan tâm