Đây là hoạt động thí điểm trong mô hình “Hỗ trợ tiền mặt liên kết dinh dưỡng” thuộc Dự án “Bạn hữu trẻ em” giai đoạn 2022-2026. Mô hình mở ra một cách tiếp cận mới mang tính nhân văn và thiết thực trong công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em vùng khó khăn.

Gắn hỗ trợ tài chính với nâng cao nhận thức dinh dưỡng
Chị Blơt (làng Chưp, xã Lơ Pang) đang mang thai tháng thứ 6, thuộc diện hộ nghèo của xã. Cuộc sống khó khăn khiến chị gần như không có điều kiện khám thai định kỳ hay cải thiện dinh dưỡng bữa ăn hằng ngày.
“Ngày trước có khi cả tuần chỉ ăn cơm với măng, rau rừng. Mình cũng không biết nên ăn gì cho tốt, chỉ cố ăn cho no. Giờ được hỗ trợ 1,2 triệu đồng mỗi tháng, mình có thể mua thêm sữa, thịt, cá. Các chị cán bộ còn hướng dẫn cách ăn uống đủ chất, đi khám thai đều hơn. Mình thấy khỏe hơn, cũng yên tâm hơn cho con trong bụng”, chị Blơt chia sẻ.

Từ tháng 7 đến tháng 11-2025, 226 trẻ em dưới 5 tuổi và 19 phụ nữ mang thai trong diện hộ nghèo, cận nghèo tại xã Lơ Pang được nhận khoản hỗ trợ 1,2 triệu đồng mỗi tháng. Khoản tiền này nhằm phục vụ cho nhu cầu thiết yếu về dinh dưỡng và chăm sóc y tế.
Điểm đặc biệt của mô hình không chỉ là mức hỗ trợ, mà là cách tiếp cận “liên kết dinh dưỡng”, hỗ trợ tài chính đi kèm truyền thông, tư vấn dinh dưỡng, theo dõi tăng trưởng và phát hiện sớm các dấu hiệu suy dinh dưỡng để can thiệp kịp thời.
Lơ Pang là xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn. Sau 6 tháng khảo sát, đánh giá thực địa, xã được chọn thí điểm mô hình bởi đáp ứng đầy đủ các tiêu chí như: Có hệ thống y tế cơ sở đang hoạt động, tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ còn cao và nhận được sự đồng thuận từ chính quyền lẫn cộng đồng.
Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Nga-cán bộ Ban quản lý Dự án “Bạn hữu trẻ em”, mô hình không chỉ nhằm vào việc “trao tiền” mà hướng tới “trao cơ hội”, tạo sự thay đổi từ bên trong mỗi gia đình.

“Mô hình hướng tới những nhóm dễ tổn thương nhất như phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ thuộc hộ nghèo, cận nghèo. Chúng tôi kết hợp hỗ trợ tài chính với nâng cao nhận thức, tư vấn kỹ năng chăm sóc trẻ, gắn kết với mạng lưới y tế địa phương. Khi người mẹ hiểu rõ tầm quan trọng của bữa ăn đầy đủ chất và sự phát triển bình thường của con, thay đổi sẽ đến từ chính thói quen hàng ngày”, bà Nga cho hay.
Bà cũng khẳng định: Việc kết hợp giữa hỗ trợ kinh tế và thay đổi hành vi là hướng tiếp cận toàn diện, giúp tối ưu nguồn lực và tạo nền tảng phát triển lâu dài cho cộng đồng. Mô hình không chỉ giảm bớt khó khăn trước mắt, mà còn nuôi dưỡng những “mầm xanh” khỏe mạnh về thể chất lẫn tinh thần.
Từ mô hình thí điểm đến định hướng phát triển bền vững
Ông Trịnh Xuân Bình-Phó Chủ tịch UBND xã Lơ Pang đánh giá: “Chương trình thí điểm rất phù hợp với đặc thù vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bà con phấn khởi vì vừa nhận được hỗ trợ kịp thời, vừa được hướng dẫn cách chăm sóc sức khỏe thiết thực. Chính quyền xã phối hợp chặt chẽ để đảm bảo hỗ trợ đúng đối tượng, đúng mục đích và hiệu quả”.

Địa phương cũng cam kết đồng hành cùng đơn vị triển khai trong việc giám sát thực hiện mô hình, đồng thời tạo điều kiện cho y tế cơ sở tăng cường tuyên truyền và tổ chức các buổi tư vấn dinh dưỡng tại các làng.
Sau giai đoạn thí điểm, Ban quản lý Dự án sẽ tổng kết, đánh giá hiệu quả, rút kinh nghiệm để nhân rộng mô hình sang các xã khác trong vùng dự án. Mục tiêu dài hạn là giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ dưới 5 tuổi, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ y tế và cải thiện chất lượng dân số vùng sâu, vùng xa.
Theo đánh giá của các chuyên gia, việc lồng ghép hỗ trợ tài chính với truyền thông thay đổi hành vi là hướng đi hiệu quả, đặc biệt tại những nơi còn hạn chế về hạ tầng y tế và trình độ dân trí. Tại đó, mỗi sự hỗ trợ nhỏ, nếu được triển khai đúng cách, sẽ tạo ra thay đổi lớn về mặt xã hội và nhận thức cộng đồng.

Mô hình “Hỗ trợ tiền mặt liên kết dinh dưỡng” tại xã Lơ Pang là một ví dụ sinh động về đổi mới chính sách an sinh, đặt trọng tâm vào phát triển con người toàn diện. Khi nguồn lực được đặt đúng chỗ và đi cùng với tư vấn, giáo dục, sự đồng hành của chính quyền và cộng đồng, những thay đổi tích cực sẽ bắt đầu từ từng bữa ăn nhỏ trong mỗi gia đình, lan tỏa thành động lực phát triển bền vững.