Ông Đinh Kăi-Phó Chủ tịch UBND xã Lơ Pang-cho hay: Lơ Pang có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 96% dân số, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, trình độ dân trí còn thấp, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn. Vì vậy, UBND xã đã tập trung lãnh đạo nhiệm vụ phát triển sản xuất, nâng cao đời sống cho người dân.
“Theo đó, xã tập trung chỉ đạo sản xuất theo hướng đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trên một đơn vị diện tích. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với thổ nhưỡng và đáp ứng nhu cầu thị trường.
Chú trọng thâm canh, tăng vụ lúa nước gắn với khai thác hiệu quả nguồn nước thủy lợi, sông suối tự nhiên phục vụ cho sản xuất; chủ động phòng-chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn”-Phó Chủ tịch UBND xã Lơ Pang thông tin.

Giai đoạn 2022-2024, xã đã xây dựng kế hoạch triển khai công tác giảm nghèo bền vững, tăng cường tuyên truyền gắn với sử dụng hiệu quả chính sách và nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước cho công tác giảm nghèo bền vững. Đồng thời, triển khai Dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo với nguồn vốn 693 triệu đồng.
Nguồn vốn phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi triển khai hơn 9,3 tỷ đồng, thông qua Dự án giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; Dự án phát triển sản xuất nông-lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng dân tộc thiểu số và miền núi, nâng cao thu nhập cho người dân. Đặc biệt, xã phối hợp với các đơn vị mở 11 lớp học nghề cho lao động nông thôn.
Mặt khác, xã còn phối hợp với các trường học tổ chức thực hiện có hiệu quả chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập đối với học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo. Trạm Y tế xã thường xuyên hướng dẫn các thôn, làng thực hiện hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo xây dựng và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh.
Đồng thời, MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội thành viên phối hợp tổ chức thực hiện cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”, xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ hơn 600 hộ vay vốn thông qua 14 tổ vay vốn với dư nợ trên 19 tỷ đồng, giúp các hộ khó khăn phát triển sản xuất, an sinh xã hội…

Ông Thưi-Trưởng thôn Roh-cho hay: “Làng mình có hộ ông Hlong và ông Tưn được xã hỗ trợ xây dựng chuồng bò và được hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi. Hiện nay, 2 hộ đã phát triển đàn bò được tổng số 8 con và có nguồn phân bón ổn định cho cây trồng.
Riêng hộ ông Nghin được Ủy ban MTTQ Việt Nam xã hỗ trợ làm nhà ở. Ngoài nguồn kinh phí 50 triệu đồng từ Quỹ “Vì người nghèo”, làng còn vận động họ hàng, anh em vừa góp công và tận dụng các vật liệu tại chỗ để hoàn thành căn nhà. Đây là động lực giúp ông Nghin vươn lên thoát nghèo”.
Pờ Yầu là làng đặc biệt khó khăn của xã. Những năm qua, hệ thống chính trị của xã đã vào cuộc thường xuyên tuyên truyền người dân làng Pờ Yầu xóa bỏ các tập tục lạc hậu trong sản xuất và đời sống, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.
Ông Chôm (làng Pờ Yầu) cho hay: “Gia đình tôi và ông Drat là hộ nghèo. Để giúp chúng tôi có sinh kế cải thiện đời sống, xã đã hỗ trợ mỗi hộ 1 cặp heo giống. Đồng thời, thường xuyên cử cán bộ đến hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng rau sạch và cây ăn quả, chi tiêu hợp lý để đầu tư phát triển kinh tế”.