Gia Lai tôn vinh sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Ngày 28 và 29-7, tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku), Hội Nông dân tỉnh tổ chức Phiên chợ nông sản và Hội thi “Sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu” tỉnh Gia Lai lần thứ II-2023. Sự kiện này nhằm tôn vinh các sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu có chất lượng tốt, sức cạnh tranh cao, có tiềm năng mở rộng thị trường.

Đa dạng sản phẩm

Đến với phiên chợ nông sản và hội thi, Hội Nông dân 17 huyện, thị xã, thành phố đã lựa chọn 67 sản phẩm tiêu biểu của 64 hộ hội viên nông dân tham gia. Trong đó có 29 sản phẩm tươi sống gồm các loại trái cây như sầu riêng, na dai, chôm chôm, nhãn, ổi, bưởi, các loại rau củ, thịt heo, trứng vịt… và 38 sản phẩm đã qua sơ chế, chế biến như cà phê, mật ong, yến sào, hạt điều, chanh dây, thịt bò khô, dược liệu, bột ngũ cốc…

Lấy cảm hứng từ món ăn truyền thống của người Jrai, cơ sở Bò một nắng Tuấn Hậu (thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa) đã cho ra đời sản phẩm thịt bò gác bếp mang hương vị tự nhiên. Bà Đinh Thị Hậu-Chủ cơ sở-chia sẻ: “Ngay từ khi bắt đầu làm, chúng tôi đã đặt tiêu chí “3 sạch” (nguyên liệu sạch, chế biến sạch, bảo quản sạch) lên hàng đầu, áp dụng công nghệ máy móc vào sản xuất để giúp nâng cao chất lượng sản phẩm. Không những vậy, cơ sở còn luôn quan tâm quảng bá thương hiệu, hoàn thiện về bao bì, nhãn mác. Mỗi năm, cơ sở cung cấp ra thị trường 4-5 tấn sản phẩm. Tham gia hội thi giúp cơ sở rút ra được nhiều kinh nghiệm để ngày càng hoàn thiện sản phẩm hơn”.

Ban tổ chức chấm điểm trực tiếp sản phẩm trưng bày tại gian hàng. Ảnh: Vũ Thảo

Ban tổ chức chấm điểm trực tiếp sản phẩm trưng bày tại gian hàng. Ảnh: Vũ Thảo

Ông Phạm Nhuần-Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh-cho biết: Qua phiên chợ và hội thi cho thấy, các hộ hội viên nông dân ngày càng quan tâm ứng dụng công nghệ vào sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm. Các hộ hội viên cũng đã chú trọng khâu sơ chế, chế biến nhằm nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp. Cùng với đó, các hộ đã áp dụng quy trình sản xuất theo các tiêu chuẩn chất lượng, chú trọng xây dựng sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác, bao bì phù hợp, bắt mắt.

Còn bà Lê Thị Ánh Dương-Chủ tịch Hội Nông dân huyện Chư Păh thì cho hay: “Năm nay, sản phẩm của hộ hội viên nông dân tham gia rất phong phú, đa dạng, thiên về sản phẩm hữu cơ, sản phẩm đạt tiêu chuẩn chứng nhận về chất lượng như dưa lưới, sầu riêng, tổ yến, mật ong ngâm đông trùng hạ thảo… Việc tham gia hội thi đã góp phần nâng cao nhận thức của người sản xuất cũng như người tiêu dùng đối với sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng”.

Tôn vinh sản phẩm có chất lượng tốt, sức cạnh tranh cao

Sau khi chấm điểm, Ban tổ chức Hội thi “Sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu” tỉnh đã quyết định chọn ra 34 sản phẩm để trao thưởng gồm 2 giải nhất, 4 giải nhì, 6 giải ba và 22 giải khuyến khích. Trong đó, 2 giải nhất được trao cho sản phẩm bưởi da xanh của hộ hội viên Lưu Thị Thu Hường (buôn Mlah, xã Phú Cần, huyện Krông Pa) và bộ sản phẩm yến tinh chế Minh Huy của hộ hội viên Mạc Thị Cẩm Nhung (tổ 7, thị trấn Chư Sê).

Ngoài ra, Ban tổ chức còn trao 5 giải phụ (3 giải cho đơn vị có công tác chuẩn bị và tham gia tích cực; 1 giải cho đơn vị có gian hàng trang trí đẹp, đầy đủ, đa dạng sản phẩm nhất; 1 giải cho cá nhân thuyết trình hay nhất).

Sản phẩm bưởi da xanh của hộ hội viên Lưu Thị Thu Hường (ở buôn Mlah, xã Phú Cần, huyện Krông Pa) đạt giải nhất tại Hội thi. Ảnh: Vũ Thảo

Sản phẩm bưởi da xanh của hộ hội viên Lưu Thị Thu Hường (ở buôn Mlah, xã Phú Cần, huyện Krông Pa) đạt giải nhất tại Hội thi. Ảnh: Vũ Thảo

Vinh dự là 1 trong 2 hội viên đạt giải nhất tại hội thi, bà Lưu Thị Thu Hường phấn khởi cho biết: “Gia đình tôi bắt đầu trồng bưởi da xanh từ năm 2018 trên diện tích 4 ha. Đến năm 2022, toàn bộ diện tích này đã đạt chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ chăm sóc tốt theo quy trình nên chất lượng sản phẩm được đánh giá cao. Hàng năm, vào mùa thu hoạch, thương lái đến tận vườn để thu mua bưởi đưa đi tiêu thụ ở TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Thái Bình, Ninh Bình. Năm vừa rồi, gia đình tôi thu được 70 tấn sản phẩm. Với giá bán dao động 15-20 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, gia đình tôi lãi hơn 800 triệu đồng. Thấy mô hình trồng bưởi da xanh mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều hội viên nông dân trên địa bàn huyện đã đến tham quan, học hỏi. Đến nay, một số gia đình đã chuyển hướng sang trồng bưởi da xanh”.

Đạt giải khuyến khích với sản phẩm đông trùng hạ thảo ngâm mật ong, chị Đoàn Thị Thúy (xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh) chia sẻ: “Trong quá trình sản xuất, tôi luôn chú trọng nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã sản phẩm nên được người tiêu dùng đánh giá cao. Sản phẩm mật ong ngâm đông trùng hạ thảo của gia đình tôi đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh năm 2021”.

Ban tổ chức trao 2 giải nhất cho sản phẩm tham gia Hội thi. Ảnh: Vũ Thảo

Ban tổ chức trao 2 giải nhất cho sản phẩm tham gia Hội thi. Ảnh: Vũ Thảo

Theo đánh giá của bà Trần Thị Thủy-Trưởng ban Kinh tế-Xã hội Hội Nông dân tỉnh, Trưởng ban giám khảo hội thi, hầu hết sản phẩm tham gia hội thi đều đảm bảo chất lượng theo các tiêu chuẩn như: OCOP, VietGAP, hữu cơ, đạt chứng nhận nông sản an toàn của địa phương… Bên cạnh đó, các đơn vị tham gia đã có sự đầu tư trang trí gian hàng đẹp, sản phẩm phong phú, đa dạng. “Hội thi nhằm tôn vinh các sản phẩm nông nghiệp có chất lượng, giá trị cao, tiềm năng phát triển lớn. Qua đó, động viên, khích lệ hội viên nông dân sản xuất, kinh doanh nông sản theo chuỗi giá trị. Hội thi cũng là dịp để cán bộ, hội viên nông dân trong tỉnh giao lưu học hỏi, trao đổi kinh nghiệm về hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, kết nối mở rộng thị trường tiêu thụ”-bà Thủy nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

(GLO)- Vụ Đông Xuân 2024-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) sẽ gieo trồng 2.988 ha cây trồng các loại, trong đó có hơn 2.000 ha lúa. Để đảm bảo vụ sản xuất đạt hiệu quả, ngành Nông nghiệp huyện đang phối hợp với các địa phương hướng dẫn người dân gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ.

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương, các chủ đầu tư thực hiện các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024. Ảnh Hà Duy

Chủ đầu tư phải lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng dự án, cụ thể từng tháng

(GLO)- Đó là một trong những yêu cầu tại Công văn số 2671/UBND-KTTH do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Hữu Quế vừa ký ban hành nhằm đề nghị các sở, ban, ngành; các địa phương; các chủ đầu tư triển khai các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024.

Kho xăng dầu của Công ty TNHH một thành viên Xăng dầu Bắc Tây Nguyên tại xã Ia Tiêm (huyện Chư Sê) hiện chưa được chấp thuận đấu nối vào quốc lộ. Ảnh: V.T

Cửa hàng xăng dầu đấu nối vào đường giao thông: Vướng mắc cần tháo gỡ

(GLO)- Theo Luật Giao thông đường bộ và các quy định liên quan, các công trình xây dựng, trong đó có cửa hàng xăng dầu nằm dọc quốc lộ, tỉnh lộ phải xây dựng ngoài phạm vi hành lang an toàn đường bộ và thực hiện đấu nối đúng vị trí được UBND cấp tỉnh phê duyệt.