Gia Lai nỗ lực kiểm soát hoạt động kinh doanh trên mạng xã hội

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thời gian gần đây, hoạt động mua bán hàng hóa trên nền tảng mạng xã hội phát triển nhanh chóng. Trước thực tế đó, ngành chức năng tỉnh Gia Lai đã nỗ lực kiểm soát chất lượng hàng hóa và đưa vào diện quản lý để tránh thất thu thuế đối với loại hình kinh doanh này.

Kinh doanh trên mạng xã hội phát triển mạnh

Ông Đinh Văn Hà-Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh cho biết: Thương mại điện tử (TMĐT) có 2 hình thức: Một là hoạt động được “định danh”, là các trang TMĐT bán hàng và sàn giao dịch TMĐT và có vị trí, địa điểm, kho hàng hóa... Hai là hình thức không “định danh”, bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội ở trạng thái ẩn danh.

Loại hình thứ hai không có địa chỉ kinh doanh cố định, tên đăng trên mạng khác với tên thật, sử dụng nhiều tài khoản mạng xã hội khác nhau để kinh doanh. Khi có thông tin về hoạt động TMĐT, nhất là mua bán trên nền tảng mạng xã hội, đơn vị đều tiến hành kiểm tra đột xuất và phát hiện vi phạm.

Trong 6 tháng đầu năm nay, Cục đã xử lý 32 vụ vi phạm liên quan đến lĩnh vực TMĐT, xử phạt hơn 734 triệu đồng, trị giá hàng hóa tịch thu hơn 204 triệu đồng, trị giá hàng hóa tiêu hủy hơn 76 triệu đồng.

Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra hàng hóa của một cơ sở kinh doanh trên nền tảng mạng xã hội (ảnh đơn vị cung cấp).

Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra hàng hóa của một cơ sở kinh doanh trên nền tảng mạng xã hội (ảnh đơn vị cung cấp).

Theo Thượng tá Nguyễn Trung Hiển-Trưởng phòng Cảnh sát Kinh tế (Công an tỉnh): Việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa, kê khai thuế của người kinh doanh trên không gian mạng đang gây nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng. Trong 6 tháng đầu năm, cơ quan Công an đã khởi tố 2 vụ từ các dấu vết trên không gian mạng.

Qua đánh giá của các đơn vị thành viên Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh (Ban Chỉ đạo 389) cho thấy: Thời gian gần đây, hoạt động TMĐT xuyên biên giới với lượng giao dịch hàng hóa có giá trị nhỏ đã tăng gấp nhiều lần. Nguồn nhân lực để kiểm soát hoạt động TMĐT còn thiếu và yếu, chưa kịp thời nắm bắt phương thức, thủ đoạn để đấu tranh với tội phạm trên không gian mạng.

Đưa hộ kinh doanh online vào diện rà soát

Nhận diện những khó khăn trong công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT, ông Trần Quang Thành-Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh-cho biết: Đến nay, ngành Thuế tỉnh đã đưa vào quản lý 30 doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh liên quan đến TMĐT và đưa vào diện rà soát quản lý trên doanh thu khoảng 6.200 tỷ đồng (đối với các hoạt động vừa có kinh doanh truyền thống vừa có hoạt động TMĐT).

Theo ông Thành, ngành Thuế đã áp dụng trí tuệ nhân tạo trên cơ sở dữ liệu mới, thông tin chính thống được chia sẻ từ các bộ, ngành liên quan và Tổng cục Thuế chuyển về để không bỏ sót đối tượng cũng như quản lý đầy đủ doanh thu tính thuế và quản lý hoạt động TMĐT.

Ứng dụng Data Warehouse sử dụng trí tuệ nhân tạo thực hiện quét trên các sàn TMĐT sẽ tự khai thác và lấy dữ liệu, thay vì các sàn TMĐT cung cấp như trước đây. Nhưng khó khăn nhất vẫn là quản lý thuế đối với việc mua bán trên các nền tảng mạng xã hội Facebook, Zalo vì việc quản lý chỉ thực hiện bằng cách cử cán bộ theo dõi, giám sát các hoạt động đó.

Việc livestream bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội đang gây ra nhiều khó khăn cho công tác quản lý của ngành chức năng. Ảnh đơn vị cung cấp

Việc livestream bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội đang gây ra nhiều khó khăn cho công tác quản lý của ngành chức năng. Ảnh đơn vị cung cấp

“Để công tác quản lý đạt hiệu quả, các sở, ngành là thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh khi thu thập được thông tin cá nhân có hoạt động mua bán online, nhất là có livestream bán hàng thì cung cấp để cơ quan thuế hướng dẫn cho người nộp thuế thực hiện kê khai thuế ngay từ đầu, tránh việc trốn thuế.

Đồng thời, Cục Thuế đã có văn bản đề nghị các sở, ngành liên quan phối hợp cung cấp, chia sẻ dữ liệu, hỗ trợ về các thông tin tài khoản, giao dịch, thanh toán, vận chuyển của các cá nhân, tổ chức có hoạt động TMĐT để kịp thời có biện pháp quản lý phù hợp với từng đối tượng nộp thuế”-ông Thành cho biết thêm.

Còn theo ông Đinh Văn Hà, Tổng cục QLTT chỉ đạo các cục QLTT tăng cường công tác tham mưu cho Ban Chỉ đạo 389 tỉnh triển khai kiểm tra loại hình không “định danh”. Bên cạnh đó, tổ công tác về TMĐT của Cục có trách nhiệm rà soát, ẩn danh thâm nhập các hội nhóm để theo dõi, tìm kiếm, giám sát các mô hình, hoạt động kinh doanh gắn với môi trường internet; chủ động tham mưu giúp Cục trưởng thu thập, tiếp nhận, xác minh thông tin các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong TMĐT. Nếu phát hiện hành vi vi phạm liên quan đến TMĐT sẽ chuyển thông tin ngay đến chi cục thuế địa phương để đưa vào danh sách quản lý và tiến hành truy thu thuế.

Có thể bạn quan tâm

Công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho 18 sản phẩm

Công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho 18 sản phẩm

(GLO)-Ngày 14-1, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Dương Mah Tiệp ký ban hành Quyết định số 28/QĐ-UBND về việc công nhận kết quả đánh giá, phân hạng và cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm đợt II-2024.

Đa dạng giải pháp phòng ngừa bệnh khảm lá mì

Đa dạng giải pháp phòng ngừa bệnh khảm lá mì

(GLO)- Nhằm hạn chế thiệt hại do bệnh khảm lá mì gây ra, nhiều địa phương trong tỉnh Gia Lai tích cực nhân rộng các giống mì sạch bệnh để thay thế các loại giống cũ có năng suất thấp, dễ nhiễm bệnh và hướng dẫn người dân về quy trình kỹ thuật phòng-chống bệnh khảm lá trên cây mì.