Gia Lai: Nâng sức cạnh tranh để thu hút nguồn đầu tư chất lượng cao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Công tác thu hút đầu tư của Gia Lai năm 2023 có nhiều khởi sắc. Trong 11 tháng, 35 dự án đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký 3.880 tỷ đồng, tăng 20 dự án so với cùng kỳ năm 2022.

Tiếp tục nâng sức cạnh tranh để thu hút nguồn đầu tư chất lượng cao chính là giải pháp mà tỉnh đặt ra trong năm 2024.

Những kết quả khả quan

Theo thông tin từ Trung tâm Xúc tiến đầu tư (Sở Kế hoạch và Đầu tư), năm 2023, đơn vị đã tư vấn, hướng dẫn cho các nhà đầu tư về 101 dự án đăng ký bổ sung danh mục thu hút đầu tư của tỉnh.

Trong đó, 27 dự án đã có văn bản báo cáo và đề xuất UBND tỉnh xem xét công bố danh mục dự án thu hút đầu tư giai đoạn 2023-2025; 6 dự án đang yêu cầu nhà đầu tư hoàn chỉnh hồ sơ đăng ký bổ sung danh mục và 64 dự án đang lấy ý kiến các sở, ngành, địa phương liên quan về việc bổ sung vào danh mục thu hút đầu tư của tỉnh giai đoạn 2023-2025.

Tính đến cuối tháng 11-2023, toàn tỉnh có 35 dự án được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký 3.880 tỷ đồng (tăng 20 dự án so với cùng kỳ năm 2022) và 28 dự án được UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư. Ước cả năm có 53 dự án được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký khoảng 5.720 tỷ đồng. Các dự án này đang trong quá trình chuẩn bị các thủ tục tiếp theo để triển khai xây dựng.

Một số dự án đi vào hoạt động thời gian gần đây đã phát huy hiệu quả cao như: Dự án trồng cây dược liệu kết hợp trồng cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao tại huyện Đak Đoa; Dự án Trung tâm giống cây trồng chất lượng cao huyện Chư Pưh; Dự án Nhà máy chế biến trái cây Quicornac tại Khu Công nghiệp Trà Đa, TP. Pleiku; Dự án Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Công ty cổ phần Sản xuất và xuất nhập khẩu Việt Phúc tại huyện Chư Sê; các trang trại chăn nuôi heo tại huyện Phú Thiện...

Công nhân làm việc tại Nhà máy chế biến trái cây Quicornac (Khu Công nghiệp Trà Đa, TP. Pleiku). Ảnh: H.D

Công nhân làm việc tại Nhà máy chế biến trái cây Quicornac (Khu Công nghiệp Trà Đa, TP. Pleiku). Ảnh: H.D

Ông Lê Tiến Anh-Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư-cho biết: Để nâng cao hiệu quả công tác thu hút đầu tư, trong năm, Trung tâm đã cung cấp tài liệu, ấn phẩm tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá về tiềm năng, thế mạnh thu hút đầu tư của tỉnh trên cổng thông tin vietnam.vn; cung cấp danh mục dự án thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh cho Trung tâm Xúc tiến đầu tư phía Nam để bổ sung vào bản đồ số địa điểm đầu tư Việt Nam; cung cấp thông tin về môi trường đầu tư tỉnh Gia Lai gửi cơ quan Xúc tiến thương mại và đầu tư Hàn Quốc tại Hà Nội.

Cùng với đó, Trung tâm chuẩn bị các thông tin cần thiết để cung cấp cho các đại biểu tại Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam-Pháp lần thứ 12 do UBND TP. Hà Nội tổ chức; Diễn đàn kết nối thúc đẩy đầu tư, thương mại, du lịch Lào-Việt Nam-Thái Lan tại tỉnh Champasak (Lào); “Bàn tròn xúc tiến đầu tư bất động sản: Du lịch nông nghiệp Việt Nam” do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức tại Hà Nội; Hội nghị hợp tác kinh doanh và đầu tư giữa tỉnh Lâm Đồng và Ấn Độ.

Nhờ vậy, môi trường đầu tư của Gia Lai tiếp tục được nhiều nhà đầu tư đánh giá cao. Ông Hồ Cảnh Sơn-Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Kiến trúc cảnh quan sinh thái Phú Quốc (TP. Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) nhận xét: “Sau khi tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy chính quyền tỉnh Gia Lai rất nhiệt tình, cởi mở, hỗ trợ hết sức cho các nhà đầu tư muốn tìm cơ hội đầu tư tại đây.

Gia Lai là nơi có rất nhiều dư địa để đầu tư ở mọi lĩnh vực, nhất là lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, trồng rừng, du lịch, dịch vụ... Hiện chúng tôi đã đăng ký đầu tư Dự án Trung tâm Thương mại tại thị xã An Khê. Tương lai có thể sẽ đầu tư thêm một số dự án nữa”.

Tiếp tục nâng cao sức cạnh tranh

Mới đây, Gia Lai đã công bố danh mục các dự án tỉnh kêu gọi đầu tư từ nay đến năm 2025 gồm: 13 dự án thuộc lĩnh vực cơ sở hạ tầng; 3 dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến nông-lâm sản và sản xuất vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng; 2 dự án thuộc lĩnh vực nông-lâm nghiệp; 3 dự án thuộc lĩnh vực giáo dục, văn hóa, thể thao, du lịch.

Trong đó, nhiều dự án có quy mô lớn như: khu du lịch nghỉ dưỡng núi Hàm Rồng (xã Ia Kênh, TP. Pleiku) diện tích 190 ha; khu dân cư đường Hoàng Sa nối dài (TP. Pleiku) diện tích 112 ha; khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Tân Sơn (xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh) diện tích 56,1 ha; trung tâm nhân giống, phát triển cây dược liệu (xã Xuân An, thị xã An Khê) diện tích 17 ha; khu biệt thự nghỉ dưỡng (xã Ia Hrung, huyện Ia Grai) gần 35 ha và một số dự án trồng rừng kết hợp chăn nuôi có diện tích từ vài trăm đến hàng ngàn héc ta...

Nhà máy chế biến chanh dây Quicornac (Khu Công nghiệp Trà Đa, TP. Pleiku). Ảnh: Hà Duy

Nhà máy chế biến chanh dây Quicornac (Khu Công nghiệp Trà Đa, TP. Pleiku). Ảnh: Hà Duy

Để thu hút các nguồn lực đầu tư chất lượng cao, đảm bảo hiệu quả của dự án, nhiều giải pháp đã được tỉnh tiếp tục triển khai. Trong đó, giải pháp trọng tâm là quyết liệt cải cách hành chính, công khai, minh bạch, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính ở các cơ quan công quyền.

Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục áp dụng đồng bộ hệ thống quản lý chất lượng trong hoạt động của các cơ quan hành chính theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2008 nhằm đơn giản hóa quy trình và giảm những tác động tiêu cực khi giải quyết các thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đến giao dịch.

Ủy ban nhân dân tỉnh cũng chỉ đạo các ngành chủ động bố trí nguồn nhân lực, vật lực tại bộ phận một cửa điện tử; rà soát, thanh tra, làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị nếu để xảy ra những yếu kém trong cải cách hành chính; giải quyết nhanh chóng các thủ tục hành chính ở một số lĩnh vực dễ gây bức xúc trong dư luận như: đăng ký kinh doanh, đầu tư, xây dựng, đất đai…

Ông Đinh Hữu Hòa-Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư-cho biết: “Sở đã đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, duy trì hoạt động của Điểm kết nối cung cầu công nghệ tỉnh Gia Lai, Trạm khai thác thông tin và dịch vụ sở hữu công nghiệp (Trạm IPPlatform), Điểm hỏi đáp hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT).

Thời gian tới, Sở tiếp tục xây dựng thông tin chi tiết về dự án đối với danh mục kêu gọi đầu tư; chủ động nghiên cứu, đề xuất cải tiến các thủ tục đầu tư để làm cơ sở cho việc kêu gọi các nhà đầu tư.

Cùng với đó, đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi cho doanh nghiệp và các nhà đầu tư; tham mưu cho UBND tỉnh kịp thời nắm bắt, tháo gỡ những vướng mắc trên từng lĩnh vực cho các nhà đầu tư”.

Về vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long khẳng định: “Lãnh đạo tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngành, các địa phương sẵn sàng lắng nghe, đối thoại, chia sẻ, xem xét những kiến nghị, đề xuất của các doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà đầu tư để tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, tạo mọi điều kiện để các thành phần kinh tế phát triển ổn định, bền vững.

Đề nghị các sở, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách, giải pháp có liên quan về hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà đầu tư nhằm tạo điều kiện thuận lợi để phục hồi và phát triển với phương châm: Lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu, động lực, nguồn lực phát triển”.

Có thể bạn quan tâm

Sản phẩm bò một nắng Mười Đức (huyện Krông Pa) đạt chứng nhận OCOP 3 sao. Ảnh: N.D

Chương trình OCOP: Động lực phát triển kinh tế nông thôn

(GLO)- Sau 5 năm thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), nhiều loại nông-lâm-thủy sản đặc trưng của tỉnh được đầu tư khai thác, chế biến thành sản phẩm OCOP, đáp ứng nhu cầu thị trường. Đây là động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn của tỉnh.

Dự án trụ sở HĐND-UBND TP. Pleiku đang được đơn vị thi công gấp rút hoàn thành các hạng mục còn lại. Ảnh: Q.T

Pleiku tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công

(GLO)- Ủy ban nhân dân TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) đang tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và các xã, phường quyết liệt triển khai các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân vốn các công trình xây dựng cơ bản trên địa bàn. Thành phố quyết tâm đạt tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên 95% theo kế hoạch.

Nhà máy chế biến nông sản Olam của Chi nhánh Công ty TNHH Olam Việt Nam tại Gia Lai. Ảnh: H.D

Gia Lai đa dạng hình thức thu hút đầu tư FDI

(GLO)- Gia Lai đang đa dạng hóa các hình thức thu hút đầu tư, trong đó có các dự án đầu tư nước ngoài (FDI). Đây là cơ sở để các dự án FDI trên địa bàn tỉnh sẽ tăng cả về số lượng và chất lượng trong thời gian tới.

Sản phẩm được trao giải thưởng Mai An Tiêm của HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang. ở xã Nam Yang, huyện Đak Đoa. *Ảnh: Hoàng Cư

Gia Lai có 3 sản phẩm được trao giải thưởng Mai An Tiêm

(GLO)- Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Cao Xuân Thu Vân mới ký quyết định công nhận danh hiệu sản phẩm tiêu biểu của Hợp tác xã năm 2024 và trao giải thưởng Mai An Tiêm lần thứ nhất. Toàn quốc có 100 sản phẩm thì Gia Lai có 3 sản phẩm được công nhận danh hiệu sản phẩm tiêu biểu của Hợp tác xã năm 2024 và trao giải thưởng Mai An Tiêm

Nhiều hội viên nông hội mong muốn được tiếp cận nguồn vốn vay để phát triển sản xuất, kinh doanh. Ảnh: H.D

Tăng khả năng tiếp cận vốn cho nông hội

(GLO)- Mô hình nông hội trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã góp phần giúp nông dân chuyển dần từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, nâng giá trị các sản phẩm.