Gia Lai: Luồng sinh khí mới từ Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau 3 năm triển khai, Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025 đã mang lại luồng sinh khí mới, tiếp thêm động lực cho những ý tưởng khởi nghiệp của chị em phụ nữ ở Gia Lai.
Nhiều ý tưởng được “chắp cánh”
Tại cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo-Kết nối thành công” do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam tổ chức năm 2020, Gia Lai có 2 dự án lọt vào vòng chung khảo. Đó là Dự án “Sản xuất rau an toàn gắn với phát triển du lịch cộng đồng” của Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và Dịch vụ An Nhiên (xã An Trung, huyện Kông Chro) do chị Trần Thị Tầm làm chủ nhiệm và Dự án “Sản xuất tinh dầu thiên nhiên My Sa” của chị Nguyễn Thị My Sa (thị trấn Phú Hòa, huyện Chư Păh). Các ý tưởng này đều được đánh giá cao bởi tính thực tiễn, phù hợp với đặc thù từng địa phương.
Trước đó, trong các năm 2018-2019, phụ nữ Gia Lai cũng có nhiều ý tưởng, sản phẩm tham gia diễn đàn khởi nghiệp toàn quốc. Đáng chú ý là các sản phẩm khởi nghiệp tạo được nét đặc trưng, chỉ dẫn địa lý tin cậy về nguồn gốc và phương thức sản xuất như: sản phẩm thịt bò một nắng (cơ sở Nguyệt Viên Food-Krông Pa) hay sản phẩm cà phê (cà phê sạch Thuận Việt-Ia Grai).
Hội LHPN huyện Chư Păh hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp thông qua trưng bày các sản phẩm. Ảnh: Minh Châu
Hội LHPN huyện Chư Păh hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp thông qua trưng bày các sản phẩm. Ảnh: Minh Châu
Bà Rơ Chăm H’Hồng-Chủ tịch Hội LHPN tỉnh-đánh giá: “Sau 3 năm thực hiện Đề án, toàn tỉnh có 481 ý tưởng được cấp huyện lựa chọn để biểu dương, khen thưởng. Đối với cấp tỉnh đã nhận 71 ý tưởng, kế hoạch kinh doanh từ các huyện, thị xã, thành phố. Trong đó, Hội LHPN tỉnh đã xét chọn 16 ý tưởng tiêu biểu để tham gia Ngày phụ nữ khởi nghiệp cấp trung ương”.
Do các ý tưởng xuất phát từ thực tiễn, mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng, được hỗ trợ kinh phí nên tiếp thêm động lực cho phụ nữ mạnh dạn, tự tin hơn. Với Dự án trồng dâu tây sạch kết hợp với du lịch canh nông, hướng đến một nền nông nghiệp xanh, chị Vũ Thị Quy (thôn Phú Mỹ, xã Ia Băng, huyện Chư Prông) được Hội Nữ doanh nhân tỉnh hỗ trợ 50 triệu đồng. Chị Quy chia sẻ: “Sự hỗ trợ kịp thời đối với các ý tưởng, dự án khởi nghiệp đã truyền cảm hứng, tiếp thêm động lực để chúng tôi mạnh dạn đề xuất thêm các ý tưởng có khả năng đưa vào thực tế đời sống”. 
Trước đó, 2 dự án khởi nghiệp dựa vào di sản văn hóa của phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Đức Cơ và Ia Grai cũng được Hội Nữ doanh nhân tài trợ 50 triệu đồng/ý tưởng nhằm hỗ trợ hội viên, phụ nữ vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới có điều kiện khởi sự kinh doanh.
Chị Vũ Thị Quy được Hội nữ Doanh nhân tỉnh hỗ trợ 50 triệu đồng cho ý tưởng khởi nghiệp với nông nghiệp nghiệp xanh
Chị Vũ Thị Quy (bìa phải) được Hội nữ Doanh nhân tỉnh hỗ trợ 50 triệu đồng cho Dự án trồng dâu tây sạch kết hợp với du lịch canh nông. Ảnh: Minh Châu
Trong 3 năm qua, toàn tỉnh có 250 ý tưởng khởi nghiệp được tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội với tổng dư nợ 11,4 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu đề ra. Chị Nguyễn Thị Thêu (thôn Thống Nhất, xã Sơn Lang, huyện Kbang) thông qua kênh hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp đã được vay 50 triệu đồng để chuyển đổi mô hình trồng cà phê truyền thống sang trồng cây ăn quả. Đến nay, vườn cây ăn quả của chị có hơn 1 ha mắc ca, 5 sào cam quýt cùng nhiều loại cây ăn quả khác như: mít Thái, bơ, sầu riêng. Mô hình đã tạo việc làm cho 5-7 lao động tại địa phương.
Lan tỏa tinh thần khởi nghiệp
Tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025 do UBND tỉnh tổ chức mới đây, những khó khăn, vướng mắc trong hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp thời gian qua được đại diện các sở, ngành, địa phương thẳng thắn chỉ ra nhằm tìm biện pháp khắc phục trong thời gian tới.
Đại diện Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Tính đến nay, toàn tỉnh có 237 HTX nông nghiệp với khoảng 9.000 thành viên, trong đó có 28 HTX do phụ nữ quản lý. Các HTX đang dần kết nối với doanh nghiệp, nông dân để phát triển sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản đạt hiệu quả cao, làm tăng lợi ích cho các hộ thành viên.
Để đào tạo nghề nông nghiệp và kết nối tiêu thụ sản phẩm cho phụ nữ, hỗ trợ HTX do phụ nữ quản lý trong lĩnh vực nông nghiệp thì cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội. Bên cạnh đó, tỉnh cần có chiến lược khảo sát, điều tra nhu cầu học nghề của phụ nữ để từ đó có kế hoạch đào tạo nghề phù hợp và hiệu quả. Ngoài ra, tỉnh cần duy trì và thực hiện tốt công tác xúc tiến giao lưu thương mại trong và ngoài tỉnh, đưa nông dân hội nhập thị trường cũng như thường xuyên tổ chức các sự kiện vinh danh sản phẩm.
Trưng bày, kết nối, tiêu thụ sản phẩm khởi nghiệp của phụ nữ
Trưng bày, kết nối, tiêu thụ sản phẩm khởi nghiệp của phụ nữ. Ảnh: Minh Châu 
Là đơn vị được UBND tỉnh giao triển khai thực hiện Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025, Hội LHPN tỉnh phấn đấu đến năm 2027 sẽ hỗ trợ 300 phụ nữ khởi nghiệp. Bên cạnh đó, các cấp Hội hỗ trợ thành lập tối thiểu 20 mô hình kinh tế tập thể, trong đó có 5 HTX được các cấp Hội hỗ trợ thành lập. Nghiên cứu, đề xuất ít nhất 1 giải pháp liên quan hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh doanh.
Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho rằng: “Để đạt được mục tiêu đề ra, Hội xác định phải đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp có trọng tâm, trọng điểm và đạt hiệu quả. Bên cạnh đó, Hội tiếp tục tổ chức Ngày Phụ nữ khởi nghiệp gắn với biểu dương, tôn vinh các cá nhân, tập thể có nhiều sáng tạo trong triển khai thực hiện Đề án và các tấm gương phụ nữ khởi nghiệp thành công. Tiếp tục theo dõi, hỗ trợ các HTX, hội viên, phụ nữ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp quản lý, phát triển bền vững. Đồng thời, hỗ trợ cho việc thành lập và ra mắt HTX do phụ nữ làm chủ. Phối hợp với Hội Nữ doanh nhân tỉnh xây dựng phòng trưng bày, giới thiệu, kết nối sản phẩm khởi nghiệp của phụ nữ”.
MINH CHÂU

Có thể bạn quan tâm

Công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho 18 sản phẩm

Công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho 18 sản phẩm

(GLO)-Ngày 14-1, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Dương Mah Tiệp ký ban hành Quyết định số 28/QĐ-UBND về việc công nhận kết quả đánh giá, phân hạng và cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm đợt II-2024.

Đa dạng giải pháp phòng ngừa bệnh khảm lá mì

Đa dạng giải pháp phòng ngừa bệnh khảm lá mì

(GLO)- Nhằm hạn chế thiệt hại do bệnh khảm lá mì gây ra, nhiều địa phương trong tỉnh Gia Lai tích cực nhân rộng các giống mì sạch bệnh để thay thế các loại giống cũ có năng suất thấp, dễ nhiễm bệnh và hướng dẫn người dân về quy trình kỹ thuật phòng-chống bệnh khảm lá trên cây mì.

Anh Trần Minh Tuấn (thôn Phú Quang, xã Ia Hrú, huyện Chư Pưh) chăm sóc các chậu hoa ngũ sắc của gia đình. Ảnh: Đ.L

Thu nhập khá từ hoa ngũ sắc

(GLO)- Từ những bụi cây ngũ sắc ngoài đồng, người nông dân Gia Lai đã tỉa tót, uốn nắn để chúng thành những chậu bonsai rực rỡ sắc màu đem lại thu nhập khá, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán.

Ảnh: V.T

Đặc sản Gia Lai hút khách dịp Tết

(GLO)- Thị trường đang rất sôi động khi chỉ còn chưa đầy 3 tuần nữa là đến Tết Ất Tỵ 2025. Năm nay, thị trường ghi nhận sự dịch chuyển rõ nét từ tiêu dùng bánh kẹo nhập khẩu sang dùng hàng sản xuất trong nước. Đặc biệt, đặc sản Gia Lai chiếm ưu thế trong thiết kế các giỏ quà tặng.