(GLO)- Trước tình hình cơn bão số 10 (Goni) đang di chuyển nhanh và diễn biến phức tạp ở Biển Đông, dự báo sẽ đổ bộ vào đất liền vào ngày 5-11 và có khả năng ảnh hưởng đến Gia Lai, chiều 2-11, Ban Chỉ huy phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh họp triển khai công tác PCTT-TKCN. Ông Kpă Thuyên-Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh chủ trì cuộc họp.
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy PCTT-TKCN, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng của 4 cơn bão và áp thấp nhiệt đới gây thiệt hại lớn về người và tài sản, ước thiệt hại khoảng 300 tỷ đồng. Hiện các ngành, địa phương trong tỉnh cũng đang tích cực triển khai các biện pháp khắc phục thiệt hại do bão số 9 gây ra. Theo đó, có 15/17 huyện, thị xã, thành phố đã khắc phục được khoảng 80% thiệt hại do mưa bão số 9 gây ra.
Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: Lê Nam |
Đối với cơn bão số 10 được đánh giá là siêu bão có đường đi phức tạp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên nhấn mạnh: Để chủ động ứng phó với diễn biến của cơn bão, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, bảo đảm an toàn cho tính mạng, tài sản của người dân, bảo vệ sản xuất, các công trình hạ tầng và vùng hạ du hồ chứa, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành là thành viên Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các chủ đầu tư, các chủ hồ, đập thủy lợi, thủy điện khẩn trương triển khai thực hiện nghiêm túc Công điện số 12/CĐ-UBND ngày 2-11 của UBND tỉnh về khẩn trương triển khai công tác ứng phó bão số 10 (Goni).
Đồng thời, tiếp tục tập trung triển khai thực hiện nghiêm Thông báo số 371/TB-VPCP ngày 29-10 của Văn phòng Chính phủ về Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về các biện pháp khắc phục thiệt hại do mưa lũ, sạt lở và bão số 9 gây ra tại nhiều tỉnh miền Trung và Tây Nguyên; Công điện số 34/CĐ-TW ngày 31-10 của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT-Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN; Văn bản số 74-CV/TU ngày 29-10 của Tỉnh ủy về tăng cường công tác PCTT, khắc phục hậu quả do bão số 9 gây ra.
Cùng với đó, tổ chức rà soát các khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu, nước chảy xiết, các công trình, nhà ở không đảm bảo an toàn để chủ động tổ chức chằng chống trụ sở cơ quan, trường học, trạm y tế, nhà cửa, sơ tán, di dời người và tài sản nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân; bố trí lực lượng kiểm soát, kiên quyết không để người dân ở lại những khu vực đã xác định có nguy cơ lũ quét, sạt lở; tổ chức kiểm soát, hướng dẫn đảm bảo an toàn giao thông khi bão lũ xảy ra. Triển khai khẩn cấp các phương án phòng-chống lũ quét, sạt lở đất, sẵn sàng nhân lực, vật tư trang-thiết bị theo phương châm 4 tại chỗ đảm bảo kịp thời tiếp cận ứng cứu khi có tình huống xảy ra, nhất là lũ quét, sạt lở đất trên phạm vi rộng; bảo đảm an toàn hồ đập và xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra.
Các thành viên Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh theo địa bàn được phân công chủ động tổ chức đi kiểm tra, đôn đốc công tác phòng-chống, ứng phó thiên tai ở các địa phương được giao phụ trách, thường xuyên báo cáo tình hình về UBND tỉnh. Tổ chức trực 24/24 giờ trong thời gian xảy ra bão lũ. Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, lũ, thiên tai của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại…
LÊ NAM