Gia Lai huy động nguồn lực xây dựng xã nông thôn mới nâng cao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Năm 2020, toàn tỉnh Gia Lai có 8 xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới (NMT) nâng cao. Dù gặp nhiều khó khăn nhưng với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và người dân địa phương, đến nay, cả 8 xã đều cơ bản hoàn thành các tiêu chí. 
Sau khi được công nhận đạt chuẩn NTM vào năm 2018, diện mạo xã Trà Đa (TP. Pleiku) có nhiều khởi sắc, đời sống người dân được nâng lên rõ rệt. Theo ông Bùi Văn Phúc-Phó Chủ tịch UBND xã, được giao chỉ tiêu đạt chuẩn NTM nâng cao vào cuối năm 2020, xã xem đây là vinh dự nhưng cũng là trách nhiệm nặng nề.
Do đó, ngay từ đầu năm, UBND xã đẩy mạnh tuyên truyền, huy động, lồng ghép các nguồn lực để triển khai thực hiện có hiệu quả và nâng cao các tiêu chí đã đạt được trong xây dựng NTM. Theo đó, từ đầu năm đến nay, xã đã huy động được khoảng 170 tỷ đồng để đầu tư xây dựng các tiêu chí NTM.
Nhờ đó, đến nay, 100% đường xã được nhựa hóa, bê tông hóa; 100% đường trục thôn, đường liên thôn được cứng hóa; 80% đường ngõ xóm được cứng hóa; 87% đường nội đồng được cứng hóa đảm bảo thuận lợi vận chuyển hàng hóa. Tỷ lệ hộ có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh và đảm bảo 3 sạch đạt 100%.
Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 39 triệu đồng/năm, vượt chỉ tiêu đề ra; trên địa bàn xã hiện còn 3 hộ nghèo (chiếm 0,2%) và 12 hộ cận nghèo (chiếm 0,8%). Tình hình an ninh nông thôn được đảm bảo, các mô hình tự quản, liên kết bảo vệ an ninh trật tự thực hiện có hiệu quả.
100% đường trục thôn, làng trên địa bàn xã Ia Pal (huyện Chư Sê) được bê tông hóa, cứng hóa. Ảnh: Quang Tấn
100% đường trục thôn, làng trên địa bàn xã Ia Pal (huyện Chư Sê) được bê tông hóa, cứng hóa. Ảnh: Quang Tấn
“Hiện tại, xã Trà Đa đã cơ bản hoàn thành 18/19 tiêu chí NTM nâng cao. Riêng tiêu chí tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế mới đạt 86%, trong khi để đạt tiêu chí này, tỷ lệ phải hơn 90%. Để hoàn thành mục tiêu đề ra, xã đang tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân tự nguyện mua bảo hiểm y tế. Đồng thời, xã chỉ đạo các đoàn thể rà soát số đoàn viên, hội viên chưa mua để tiến hành vận động tại gia đình cũng như đề nghị đại lý bán bảo hiểm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhân dân”-ông Phúc thông tin.
Tương tự, nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng của nhân dân, đến nay, xã Ia Pal (huyện Chư Sê) đã cơ bản hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM nâng cao. Bộ mặt nông thôn thay đổi nhanh chóng, đời sống người dân từng bước được nâng lên, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Theo ông Lê Hữu Thiện-Chủ tịch UBND xã Ia Pal, sau khi đạt chuẩn NTM vào năm 2018, xã chú trọng duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí, tập trung mọi nguồn lực phấn đấu xây dựng xã NTM nâng cao. Để hoàn thành mục tiêu đề ra, xã đã vận động người dân vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội để phát triển kinh tế, thực hiện tốt đề án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế. Theo đó, trong năm 2020, xã đã cấp 13 con bò sinh sản cho 13 hộ đăng ký thoát nghèo, tổng kinh phí hơn 198,8 triệu đồng (trong đó, ngân sách huyện 180 triệu đồng, nhân dân đóng góp hơn 18,8 triệu đồng); sửa chữa nhà ở cho 3 hộ; cấp 1 đàn dê cho 1 hộ thoát nghèo…
Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người đạt 42 triệu đồng/năm, tăng 1,2 lần so với thời điểm được công nhận xã NTM; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,26%, giảm một nửa so với năm 2018. 100% đường xã, liên xã được bê tông hóa, nhựa hóa; 100% đường trục thôn, làng được cứng hóa; 100% đường ngõ xóm không lầy lội vào mùa mưa…
Thu nhập bình quân đầu người tính đến cuối năm 2020 của xã Ia Pal đạt 42 triệu đồng
Xã Ia Pal (huyện Chư Sê) vận động người dân phát triển kinh tế để nâng cao thu nhập. Ảnh: Quang Tấn
Trao đổi với P.V, ông Y Nguyên Ênuôl-Chi cục trưởng Chi cục PTNT (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho biết: Năm qua, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM và NTM nâng cao tiếp tục được các địa phương quan tâm chỉ đạo sát sao, cộng đồng doanh nghiệp và người dân nhiệt tình tham gia.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi và thiên tai nên tình hình sản xuất kinh doanh của người dân trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn. Việc triển khai chương trình vì thế bị ảnh hưởng, nhất là đối với các xã xây dựng NTM nâng cao. Hầu như các địa phương phải tự lực cánh sinh, phát huy nội lực để thực hiện mà không có sự hỗ trợ của Nhà nước về nguồn lực. Tuy vậy, qua khảo sát tại 8 xã đăng ký đạt chuẩn NTM nâng cao vào cuối năm 2020 thì tất cả đều đã cơ bản hoàn thành các tiêu chí.
“Chúng tôi đang tiếp tục kiểm tra, đôn đốc những xã này hoàn thành các tiêu chí vào cuối năm. Đồng thời, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương tiến hành thẩm định các xã đã đạt 19/19 tiêu chí NTM và NTM nâng cao, làm cơ sở đề nghị tỉnh công nhận trong năm 2020”-ông Y Nguyên Ênuôl cho hay.

Trong năm 2020, tỉnh đã huy động, lồng ghép trên 2.934 tỷ đồng từ các nguồn vốn khác nhau để xây dựng NTM. Dự kiến đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có thêm 18 xã đạt chuẩn NTM, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM lên 88; có 8 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; có thêm 56 thôn, làng đạt chuẩn NTM, nâng tổng số thôn, làng đạt chuẩn lên 97.

QUANG TẤN

Có thể bạn quan tâm

Tự hào là chiến sĩ Điện Biên

Tự hào là chiến sĩ Điện Biên

(GLO)-

94 tuổi đời, 75 năm tuổi Đảng, đôi tai không còn nghe rõ, nhưng ký ức về những ngày tham gia giải phóng Điện Biên vẫn in đậm trong tâm trí cựu chiến binh Lưu Thế Quý (thôn Phú Cường, xã Ia Pal, huyện Chư Sê).

Đồn Biên phòng Ia Púch tiếp sức để dân thoát nghèo

Đồn Biên phòng Ia Púch tiếp sức để dân thoát nghèo

(GLO)- Bằng nhiều hoạt động mang tính thiết thực, cán bộ và chiến sỹ Đồn Biên phòng Ia Púch) đã giúp nhiều hộ dân ở xã biên giới Ia Púch (huyện Chư Prông) thay đổi nếp nghĩ, cách làm và vươn lên thoát nghèo bền vững, nhất là các hộ dân người dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn.