Gia Lai hướng tới tăng trưởng xanh và phát triển bền vững

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sáng 1-7, tại TP. Buôn Ma Thuột (tỉnh Đak Lak), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 18-1-2002 và Kết luận số 12-NQ/TW ngày 24-10-2011 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng-an ninh vùng Tây Nguyên.

Dự hội nghị có Đại tướng Tô Lâm-Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng các bộ, ngành liên quan, thành viên Ban Chỉ đạo tổng kết, thành viên Tổ biên tập, lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, lãnh đạo một số Ủy ban của Quốc hội và các địa phương vùng Tây Nguyên.

Về phía tỉnh Gia Lai có các đồng chí: Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Võ Ngọc Thành-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Hữu Quế-Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính cùng các đại biểu tham dự Hội nghị. Ảnh nguồn CAND
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh nguồn VOV


Thúc đẩy vùng Tây Nguyên phát triển

Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: Tình hình kinh tế-xã hội vùng Tây Nguyên thời gian qua đạt được nhiều kết quả khá toàn diện. Quy mô kinh tế được mở rộng, năm 2020 (báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đến tính đến 2020) đạt khoảng 287 ngàn tỷ đồng, gấp khoảng 14 lần so với năm 2002; GRDP bình quân giai đoạn 2002-2020 là 7,98%, cao nhất trong các vùng; GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 48,08 triệu đồng/năm, gấp 10,6 lần năm 2002. Chuyển dịch cơ cấu theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng dịch vụ.

Văn hóa-xã hội có nhiều tiến bộ; hệ thống giáo dục-đào tạo được đầu tư đồng bộ. Các di tích văn hóa lịch sử được tu bổ, tôn tạo. Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học đã được chú trọng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 18,5% năm 2016 xuống 11% năm 2020; các chương trình mục tiêu quốc gia được triển khai hiệu quả, góp phần cải thiện căn bản đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn.

Thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, thế trận lòng dân được củng cố vững chắc, nhất là trên tuyến biên giới và các địa bàn xung yếu; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Công tác đấu tranh xóa bỏ tổ chức và lực lượng của FULRO, “Tin lành Đê ga” và các loại tà đạo được đẩy mạnh. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức Đảng và đảng viên được nâng lên; cơ bản giải quyết tình trạng “trắng” đảng viên và tổ chức Đảng. Xây dựng chính quyền các cấp được đẩy mạnh; chất lượng hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội được nâng cao; phát huy tốt vai trò già làng, người có uy tín, khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố.

Một số hạn chế, bất cập và khó khăn, thách thức của vùng cũng được nhắc đến tại hội nghị, như: Phát triển kinh tế chưa bền vững, tăng trưởng kinh tế chậm lại trong giai đoạn 2011-2020 (bình quân 6,3% so với 7,89%); quy mô GRDP của vùng thấp nhất trong các vùng kinh tế-xã hội; chưa tự cân đối được ngân sách địa phương; GRDP bình quân đầu người thấp nhất trong các vùng. Khoảng cách giàu nghèo giữa các nhóm dân tộc có xu hướng gia tăng. Giảm nghèo chưa bền vững, số hộ nghèo, cận nghèo lớn, nguy cơ tái nghèo cao.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, Tây Nguyên vẫn phát triển chưa tương xứng với tiềm năng là do cơ chế, chính sách còn hạn hẹp. Đầu tư chưa tương xứng, thể chế chưa giải quyết hết những vướng mắc của Tây Nguyên. Quy hoạch phát triển địa phương và vùng chưa được xây dựng, thực hiện kỹ lưỡng. Tính tự lực, tự cường chưa được phát huy... Thủ tướng yêu cầu các tỉnh Tây Nguyên và các bộ, ngành phải bám sát, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ của 5 tỉnh trong vùng để tổ chức thực hiện có hiệu quả. Mục tiêu phát triển Tây Nguyên cần thống nhất, đặt trong tổng thể các mục tiêu chung của cả nước. Xây dựng và phát triển vùng Tây Nguyên kết hợp hài hòa, hợp lý trên các trụ cột: kinh tế, xã hội, môi trường, quốc phòng-an ninh, đối ngoại. Đẩy mạnh liên kết vùng và nội vùng, liên kết chặt chẽ với duyên hải Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ; kết nối nhanh với các trung tâm kinh tế lớn của cả nước, Tiểu vùng sông Mê Công và khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam và ASEAN…

Để thực hiện mục tiêu trên, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ một số định hướng, giải pháp trọng tâm, như: tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển và đẩy mạnh liên kết vùng; xây dựng quy hoạch phát triển vùng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo hướng xanh, tuần hoàn, giàu bản sắc dựa trên yếu tố đặc trưng là con người, văn hóa, truyền thống lịch sử. Phát huy nguồn lực đất đai trở thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội tương xứng với vị trí chiến lược của Tây Nguyên với cả nước; đảm bảo quỹ đất sản xuất cho người dân, trong đó có đồng bào di dân tự do.

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 18-1-2002 và Kết luận số 12-KL/TW ngày 24-10-2011 của Bộ Chính trị; đề xuất ban hành Nghị quyết mới của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Kinh tế Gia Lai phát triển mạnh mẽ, bền vững

Riêng đối với Gia Lai, trên cơ sở chủ trương của Nghị quyết số 10 và Kết luận số 12 của Bộ Chính trị, Tỉnh ủy Gia Lai đã ban hành Chương trình số 14-CT/TU ngày 24-4-2002 thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW của Bộ Chính trị, ban hành Nghị quyết 21-NQ/TU ngày 18-10-2004 về xây dựng và phát triển Gia Lai toàn diện, bền vững và thực hiện lồng ghép nội dung vào Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Gia Lai qua các nhiệm kỳ và các Nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, cụ thể hóa trong các quy hoạch, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 5 năm và hàng năm.

Theo đánh giá của Tỉnh ủy Gia Lai, 20 năm qua (2002-2020), kinh tế của tỉnh tăng trưởng khá. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2002-2020 đạt 9,81%. Cơ cấu ngành kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng ngành nông-lâm nghiệp-thủy sản giảm, tỷ trọng ngành công nghiệp-xây dựng, dịch vụ tăng. Tổng thu ngân sách nhà nước luôn tăng qua từng năm.

20 năm qua cũng ghi nhận đời sống vật chất, tinh thần của người dân trên địa bàn tỉnh từng bước được cải thiện. Thu nhập bình quân đầu người năm 2005 là 5,14 triệu đồng và tiếp tục tăng lên đạt 51,9 triệu đồng năm 2020, bằng 67,4% bình quân cả nước. Đến năm 2021, GRDP bình quân đầu người đạt 56,31 triệu đồng. Công tác huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội của tỉnh giai đoạn 2010-2020 đạt 174.000 tỷ đồng, gấp 3,9 lần so với giai đoạn 2001-2010. Đến năm 2021, tổng số vốn đầu tư toàn xã hội đạt 70.000 tỷ đồng.

Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính cùng các đại biểu tham dự Hội nghị-ảnh Văn Thành CAND.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bắt tay các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh nguồn CAND


Với hệ thống giao thông ngày càng đồng bộ, gồm 1 Cảng hàng không đạt tiêu chuẩn 4C, 6 quốc lộ có 764 km, 10 đường tỉnh với 372 km cùng kết nối với gần 11.088 km đường huyện, đường đô thị, đường xã, đường thôn làng, đường chuyên dùng… tạo nên một mạng lưới giao thông cơ bản hoàn chỉnh, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, góp phần để Gia Lai đã có nhiều đột phá trong thu hút đầu tư, đặc biệt chú trọng thu hút các dự án mang tính bền vững, bảo vệ môi trường. Trong 20 năm qua, tỉnh có 557 dự án đầu tư được cấp chủ trương đầu tư với tổng vốn đầu tư đạt hơn 138.797 tỷ đồng, bình quân đạt gần 250 tỷ đồng/dự án.

Chương trình mục tiêu quôc gia xây dựng nông thôn mới đã tác động trực tiếp đến sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, đem đến diện mạo mới cho phát triển đời sống người dân nông thôn. Đến năm 2021, toàn tỉnh có 91 xã đạt chuẩn nông thôn mới; bình quân đạt 16,06 tiêu chí/xã; toàn tỉnh có 118 thôn, làng đạt chuẩn nông thôn mới. Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) cũng đem đến những niềm hy vọng mới cho người nông dân. Đến nay, Gia Lai đã có 216 sản phẩm OCOP mang đặc trưng vùng miền tiêu biểu của tỉnh, chất lượng sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn thương mại.

Lĩnh vực văn hóa-xã hội có nhiều tiến bộ; các chính sách an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa, đào tạo nghề, giải quyết việc làm… được quan tâm thực hiện; tác động tích cực đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần thực hiện dân chủ ở cơ sở; ổn định chính trị, giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng-chống các tệ nạn xã hội… Đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số được cải thiện rõ rệt, mức hưởng thụ văn hóa được nâng cao, hạ tầng nông thôn vùng dân tộc thiểu số trong tỉnh đã có nhiều thay đổi, phục vụ tốt cho nhu cầu hưởng thụ của người dân. Các hoạt động tôn giáo ổn định, đa số tuân thủ đúng quy định của pháp luật và hiến chương, nội quy của tôn giáo.

Công tác xây dựng Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị luôn được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Các tổ chức cơ sở Đảng được sắp xếp lại theo từng loại hình phù hợp chức năng, nhiệm vụ và hoạt động có hiệu quả hơn. Đến nay, 100% thôn, làng, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh đều có chi bộ, đảng viên là người tại chỗ. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên được nâng lên.

Tiếp tục tăng cường quản lý rừng và nguồn nước

Tại hội nghị lần này, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên đã trình bày tham luận về nhiệm vụ, giải pháp quản lý sử dụng rừng, đảm bảo an ninh nguồn nước tại tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên cho biết: Trong hơn 20 năm phát triển, công tác quản lý rừng và tài nguyên nước ngày càng được chú trọng đúng mức. Tuy nhiên, dưới áp lực phát triển nhanh, mạnh mẽ đã gây ra nhiều nguy cơ ô nhiễm môi trường và suy thoái tài nguyên. Hệ sinh thái cảnh quan đã có nhiều thay đổi, thể hiện ở tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh năm 2002 là 49,1% thì đến năm 2021 tỷ lệ này đã giảm còn 47%. Tài nguyên nước đang bị khai thác quá mức nên ngày càng có nguy cơ mất cân đối nghiêm trọng.

Quang cảnh hội nghị tổng kết thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng-an ninh vùng Tây Nguyên. Ảnh nguồn báo QĐND
Quang cảnh hội nghị. Ảnh nguồn báo QĐND


Để tăng cường quản lý rừng, đảm bảo an ninh nguồn nước, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên nhấn mạnh: “Gia Lai sẽ phát triển lâm nghiệp bền vững, tăng cường sinh kế, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng, thích ứng với biến đổi khí hậu theo Nghị quyết số 06-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025; bình quân trồng mới 8.000 ha rừng/năm; đẩy mạnh việc giao đất, giao rừng, triển khai các chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, xác định cụ thể các diện tích rừng bị suy thoái cần được phục hồi. Phấn đấu đến năm 2030, diện tích được cấp Chứng chỉ rừng quản lý rừng bền vững đạt 80.000 ha; phấn đấu tỷ lệ che phủ rừng đến năm 2025 là 47,75%; đến năm 2030 là 50%; đẩy mạnh các mô hình sản xuất theo phương thức nông-lâm kết hợp, mô hình vườn-rừng-trang trại, qua đó phát triển kinh tế-xã hội vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số”.

Đối với vấn đề đảm bảo an ninh nguồn nước, Bí thư Tỉnh ủy Hồ văn Niên cho hay: “Tỉnh sẽ ban hành các quy chế, quy định chặt chẽ đối với những công trình sản xuất công nghiệp và kinh doanh, dịch vụ, du lịch trong việc sử dụng nguồn nước; phát triển kinh tế-xã hội phải đồng bộ với phát triển thủy lợi. Tập trung ưu tiên xây dựng các công trình thủy lợi có ảnh hưởng quan trọng đến cấp nước, trữ nước về mùa khô theo lưu vực sông, góp phần đảm bảo phối hợp điều tiết nước liên vùng. Đồng thời, hoàn thiện khung chính sách, quy chuẩn quốc gia về khí thải và chất thải trong ngành năng lượng; quy định về sàng lọc các dự án đầu tư theo rủi ro về môi trường gắn với Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững”.

 

HÀ DUY

 

 

Có thể bạn quan tâm

Thanh niên xã Nghĩa An (huyện Kbang) khám sơ tuyển sức khỏe nghĩa vụ quân sự. Ảnh: M.P

Kbang bảo đảm chất lượng thanh niên lên đường nhập ngũ

(GLO)- Nhằm nâng cao chất lượn tuyển quân năm 2025, Hội đồng Nghĩa vụ quân sự (NVQS) huyện Kbang, Gia Lai triển khai đồng bộ quy trình tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ, đồng thời, chỉ đạo các xã, thị trấn tổ chức khám sơ tuyển sức khỏe NVQS bảo đảm chặt chẽ, công bằng, công khai, đúng luật.

Người dân nhận thực phẩm cứu trợ tại Deir al-Balah, Dải Gaza ngày 23-11. Ảnh: THX/TTXVN

Israel bị cáo buộc “tiến hành diệt chủng” đối với người Palestine tại Dải Gaza

(GLO)- Ngày 5-12, Hãng tin AFP cho biết, Tổ chức Ân xá Quốc tế cáo buộc Israel “tiến hành diệt chủng” đối với người Palestine tại Gaza kể từ khi chiến sự xảy ra. Tuy nhiên, Israel đã nhiều lần kiên quyết bác bỏ các cáo buộc diệt chủng, đồng thời cáo buộc Hamas lợi dụng người Palestine làm lá chắn sống.