(GLO)- Ngày 25-5, tại thành phố Pleiku, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Gia Lai phối hợp với Viện Khoa học Kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên tổ chức Hội thảo “Định hướng quy hoạch phát triển một số loại cây ăn quả chuối, sầu riêng, cam, bơ phục vụ cho nội tiêu và xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Gia Lai đến năm 2021”.
Tham dự Hội thảo có các đồng chí Kpă Thuyên-Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Trương Phước Anh-Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cùng các đại biểu là lãnh đạo UBND, Phòng Nông nghiệp và PTNT các huyện, thị xã, thành phố; đại diện các doanh nghiệp sản xuất, tiêu thụ trái cây trên địa bàn tỉnh.
Quang cảnh buổi hội thảo. Ảnh: Trần Dung |
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được thông tin về hiện trạng và giải pháp phát triển cây ăn quả tại Việt Nam và khu vực Tây Nguyên; định hướng quy hoạch vùng trồng tập trung và vùng trồng mới tiềm năng các loại cây bơ, sầu riêng, chuối và cam trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
Gia Lai là tỉnh có diện tích đất bazan lớn, nhiều sông suối, khí hậu nền nhiệt độ cao thích hợp cho phát triển nhiều loại cây trồng, trong đó có cây ăn quả. Năm 2017, Gia Lai có 7.200 ha cây ăn quả (tăng 1.200 ha so với năm 2016) với các loại cây trồng chính như: Chuối, sầu riêng, bơ, cam, xoài, thanh long, dứa, mít… Tỉnh có nhiều mô hình chuyển đổi giống cây trồng, trồng xen canh, sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả cao như: Mô hình chuyển đổi từ đất trồng sắn sang trồng Thanh Long tại xã Giang Trung (huyện Kông Chro); mô hình chuyển đổi từ đất trồng cây cà phê sang trồng cam ở xã Sơn Lang (huyện Kbang); mô hình trồng xen canh cây bơ, mít, sầu riêng tại các huyện Ia Grai, Đức Cơ, Đắk Đoa… Song song với đó, nhiều công ty, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã đầu tư công nghệ tiên tiến trong chế biến và xuất khẩu với giá trị lớn.
Hội thảo cũng đã tập trung đánh giá những hạn chế, khó khăn, xác định mục tiêu, giải pháp phát triển một số cây ăn quả như: chuối, sầu riêng, bơ trên địa bàn tỉnh Gia Lai đến năm 2021. Đến năm 2021, toàn tỉnh sẽ phát triển và ổn định diện tích cây ăn quả lên 10.000ha, gắn với chỉ dẫn địa lý và truy xuất nguồn gốc; thực hiện toàn diện các giải pháp về giống chất lượng cao; ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến vào sản xuất, chế biến; liên kết sản xuất, thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã tạo ra chuỗi giá trị… Với mục tiêu là tạo ra sản phẩm có uy tín, chất lượng và nâng cao thu nhập cho người dân.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Trần Dung |
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên nhấn mạnh: “Hội thảo là hoạt động ý nghĩa góp phần tạo nên thành công cho Hội nghị Xúc tiến đầu tư giữa tỉnh Gia Lai với TP.Hồ Chí Minh sắp tới. Việc phát triển, mở rộng diện tích cây ăn quả đã và đang là xu thế của nhiều địa phương trong tỉnh. Vì vậy, cần đẩy mạnh phát triển sản xuất, xuất khẩu trái cây nói chung, chuối, bơ, sầu riêng, cam nói riêng theo hướng bền vững. Tích cực chọn giống tốt, có năng suất cao; tăng cường chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất cây ăn trái tại vườn cho các nông hộ…”.
Trần Dung