Gia Lai: Đột phá từ chương trình tái canh cà phê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau 5 năm tái canh, nhiều vườn cà phê đã bước vào chu kỳ kinh doanh với năng suất và chất lượng cao hơn so với những diện tích trồng lâu năm. Đây là cơ sở để ngành Nông nghiệp tỉnh Gia Lai cùng các địa phương tiếp tục đẩy mạnh chương trình tái canh cà phê trong thời gian tới.

Chọn giống chất lượng cao

Toàn tỉnh hiện có 97.357 ha cà phê, trong đó 87.904 ha đang kinh doanh. Hầu hết diện tích cà phê của tỉnh trồng lâu năm bằng giống cũ nên đã già cỗi, hiệu quả kinh tế ngày một thấp. Trước thực tế đó, năm 2016, Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành Quyết định số 2085/QĐ-BNN-TT về quy trình tái canh cà phê vối; UBND tỉnh ban hành Quyết định số 587/QĐ-UBND về triển khai kế hoạch tái canh cà phê giai đoạn 2016-2020 với diện tích 13.610 ha và ghép cải tạo 50 ha.

Nông dân xã Ia Dom (huyện Đức Cơ) chăm sóc vườn cà phê tái canh (ảnh chụp trước tháng 4-2021). Ảnh: Đức Thụy
Nông dân xã Ia Dom (huyện Đức Cơ) chăm sóc vườn cà phê tái canh (ảnh chụp trước tháng 4-2021). Ảnh: Đức Thụy


Để giúp người dân lựa chọn cây giống chất lượng cao, chịu hạn và kháng các loại sâu bệnh gây hại, ngành Nông nghiệp cùng chính quyền các địa phương tập trung quản lý nguồn cây giống, đồng thời khuyến cáo người dân sử dụng cây giống từ các đơn vị cung ứng uy tín như: Viện Khoa học kỹ thuật nông-lâm nghiệp Tây Nguyên, Trung tâm Nghiên cứu giống cây trồng tỉnh và những vườn ươm được cấp giấy chứng nhận cung ứng với các giống chính gồm: TRS1, TRS4, TRS9… Cùng với đó, ngành Nông nghiệp xây dựng các vườn mẫu, mô hình điểm sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn 4C, UTZ và VietGAP tại các huyện: Ia Grai, Đak Đoa, Chư Prông, Chư Păh… Bên cạnh đó, tổ chức tập huấn về quy trình kỹ thuật tái canh, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất cà phê bền vững. Đặc biệt, trên cơ sở đăng ký nhu cầu tái canh của người dân, hàng năm, các địa phương đều dành nguồn kinh phí hỗ trợ mua cây giống. Ngoài ra, Hiệp hội Cà phê và Ca cao Việt Nam, Chi nhánh Công ty TNHH Nestle Việt Nam tại Tây Nguyên cũng hỗ trợ cây giống cho người dân sản xuất theo tiêu chuẩn 4C, UTZ…

Ông Rmah Hu (làng Yam, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) cho hay: Năm 2018, tôi mua giống cà phê TRS4 về trồng. Hàng năm, tôi sử dụng phân hữu cơ kết hợp với phân hóa học theo tỷ lệ phù hợp; đồng thời, khoan giếng để đảm bảo nguồn nước tưới trong mùa khô. Nhờ đó, vườn cà phê của gia đình cho nhiều quả, nhân to.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Hiền (thôn 2, xã Ia Hrung, huyện Ia Grai) nhận khoán 925 cây cà phê tái canh bằng giống TRS4 của Công ty TNHH một thành viên Cà phê Ia Grai. 3 năm trở lại đây, năng suất bình quân đạt trên 15 tấn quả tươi/ha, cao hơn rất nhiều so với các vườn lâu năm trồng bằng giống cũ. Cá biệt, có năm, năng suất tăng lên 20 tấn quả tươi/ha. “Mỗi vụ, tôi đầu tư hơn 30 triệu đồng tiền phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công tưới nước… Sau khi trừ bảo hiểm và sản lượng khoán, tôi thu về khoảng 20-25 triệu đồng”-bà Hiền chia sẻ.

Ông Đào Lân Hưng-Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Grai-cho biết: “Toàn huyện có 17.923 ha cà phê, trong đó khoảng 15.755 ha đang trong giai đoạn kinh doanh. Tuy nhiên, nhiều diện tích trồng lâu năm, già cỗi nên năng suất thấp. Thực hiện chương trình tái canh cà phê giai đoạn 2016-2020, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT tuyên truyền, vận động người dân đăng ký tái canh. Đồng thời, huyện hỗ trợ cây giống, tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho người dân. Hiện nay, nhiều vườn cà phê đã bước vào giai đoạn kinh doanh cho năng suất khoảng 20 tấn quả tươi/ha”.

Còn ông Nguyễn Kim Anh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa thì cho hay: Thông qua chương trình tái canh, nhiều vườn cây đã được “trẻ hóa” bằng các giống cà phê mới như TRS1, TRS4 cho năng suất 20 tấn quả tươi/ha, cá biệt có những vườn đạt 30 tấn quả tươi/ha.

Tiếp tục đầu tư tái canh

Giai đoạn 2016-2018, thông qua nguồn vốn vay theo chương trình tái canh cà phê của Chính phủ, 2 chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT trên địa bàn tỉnh đã cho 273 hộ gia đình vay hơn 16 tỷ đồng tái canh 261,2 ha cà phê. Ngoài ra, Công ty Cà phê Ia Sao 1, Công ty Cà phê 705 và Công ty Cà phê Ia Châm vay hơn 12,39 tỷ đồng để tái canh 381 ha cà phê. Bên cạnh đó, thông qua nguồn vốn vay tái canh theo Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) của Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam-Chi nhánh Pleiku và Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn-Hà Nội-Chi nhánh Gia Lai cho 556 hộ vay vốn tái canh với số tiền gần 191 tỷ đồng trên diện tích 1.105 ha.

Ông Rmah Hu (làng Yam, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) bên vườn cà phê tái canh đang sinh trưởng và phát triển tốt. Ảnh: N.D
Ông Rmah Hu (làng Yam, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) bên vườn cà phê tái canh đang sinh trưởng và phát triển tốt. Ảnh: Nguyễn Diệp

Giai đoạn 2016-2020, doanh nghiệp và người dân trong tỉnh đã tái canh hơn 12,5 ngàn ha cà phê, đạt 91,9% kế hoạch. Trong đó, hộ gia đình tái canh hơn 11,5 ngàn ha, các doanh nghiệp gần 1 ngàn ha.
 

Ông Nguyễn Văn Hợp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê-thông tin: Năng suất các vườn cà phê tái canh giai đoạn 2016-2020 tăng 20-30% so với trước đây, giảm được các loại sâu bệnh gây hại như rệp sáp, rỉ sắt… Hiện nay, huyện tiếp tục hỗ trợ và khuyến khích người dân đẩy mạnh tái canh các vườn cà phê già cỗi. Năm 2021, huyện tái canh thêm 300 ha cà phê.

Còn theo Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa, trong giai đoạn 2021-2025, huyện dự kiến tái canh 1.500 ha cà phê. Để đẩy mạnh công tác tái canh cần xây dựng các mô hình trình diễn, tập huấn, mô hình tưới nước tiết kiệm cho người dân tham quan học tập. Cùng với đó, các ngân hàng cần có chính sách vay đơn giản đối với hộ dân thực hiện tái canh cà phê. Cần có sự đầu tư liên kết sản xuất cà phê theo chuỗi giữa nông dân-doanh nghiệp-Nhà nước và ngân hàng nhằm ổn định giá.

Ông Đoàn Ngọc Có-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho hay: Chương trình sản xuất cà phê bền vững của tỉnh trong những năm qua đã chuyển biến tích cực. Chất lượng cây giống được địa phương quan tâm kiểm soát chặt chẽ. Bà con nông dân đã chủ động ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất và chất lượng cà phê. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2016-2020, giá cà phê trên thị trường giảm khiến người trồng gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, diễn biến thời tiết phức tạp, diện tích cà phê già cỗi nhiều, sản xuất quy mô nhỏ lẻ, thiếu nhân công thu hoạch, sân phơi, nhà kho và chế biến đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cà phê. Đặc biệt, mức cho vay 150 triệu đồng/ha là thấp, việc giải ngân thành nhiều lần không phù hợp với nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.

“Hiện nay, Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT) đang điều tra, khảo sát, thu thập thông tin về nhu cầu tái canh cà phê giai đoạn 2021-2025 tại các tỉnh Tây Nguyên. Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị các địa phương tiếp tục khuyến khích các tổ chức, hộ gia đình đăng ký tái canh bằng giống mới chất lượng cao, xen canh với loại cây khác vừa chắn gió, vừa đa dạng hóa cây trồng tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân”-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết.

 

NGUYỄN DIỆP
 

Có thể bạn quan tâm

Thu nhập khá nhờ trồng ổi Ruby

Thu nhập khá nhờ trồng ổi Ruby

(GLO)- Sau gần 6 năm chuyển đổi từ trồng rau màu sang trồng ổi Ruby, gia đình chị Nguyễn Thị Yến (làng Jro Ktu Đak Yang, xã Yang Bắc, huyện Đak Pơ) đã có thu nhập ổn định. Với việc áp dụng kỹ thuật canh tác theo hướng hữu cơ, sản phẩm ổi của chị cũng đã được chứng nhận đạt OCOP 3 sao.

Năng suất và giá lúa trà sớm giảm, nông dân kém vui

Năng suất và giá lúa trà sớm giảm, nông dân kém vui

(GLO)- Hiện nay, một số vùng trọng điểm lúa nước của tỉnh Gia Lai đang thu hoạch lúa trà sớm vụ Đông Xuân 2024-2025. Tuy nhiên, một số vùng bị ảnh hưởng của thời tiết nên bước vào thu hoạch năng suất giảm. Hơn nữa, giá lúa Đông Xuân cũng giảm, nông dân thu lợi nhuận không cao so với năm trước.

Các thương hiệu cà phê của Gia Lai được trưng bày, giới thiệu tại nhiều điểm bán hàng OCOP. Ảnh: V.T

Xây dựng thương hiệu: Đòn bẩy để nông sản vươn xa

(GLO)- Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm là một bước quan trọng trong phát triển bền vững và là đòn bẩy để nông sản vươn xa. Sự thành công trong xây dựng thương hiệu không chỉ giúp tăng giá trị cho sản phẩm mà còn góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp trong tương lai.

Chuyển biến tích cực trong quản lý, bảo vệ rừng

Chuyển biến tích cực trong quản lý, bảo vệ rừng

(GLO)- Nhờ chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh Gia Lai có những chuyển biến tích cực khi không để xảy ra cháy rừng và xuất hiện điểm “nóng” hay những vụ việc nổi cộm.

Người dân xã Nam Yang (huyện Đak Đoa) thu hoạch hồ tiêu. Ảnh: Vũ Thảo

Niên vụ hồ tiêu 2024-2025: Niềm vui chưa trọn

(GLO)- Thời điểm này, bà con nông dân trong tỉnh Gia Lai đang khẩn trương thu hoạch hồ tiêu niên vụ 2024-2025. Dù giá hồ tiêu đang ở mức cao nhưng do ảnh hưởng bởi thời tiết, nhất là giai đoạn cây ra hoa gặp không khí lạnh kéo dài dẫn đến năng suất giảm 20-30% so với vụ trước.

Hồ nuôi cá của gia đình ông Phan Đình Đại (thôn 5, xã Ia Tô). Ảnh: N.H

Ia Grai phát triển nghề nuôi cá nước ngọt

(GLO)- Tận dụng nguồn nước mặt dồi dào từ lòng hồ thủy điện, hồ thủy lợi và sông suối, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) đã đầu tư nuôi cá nước ngọt để tăng thêm thu nhập cho gia đình.