Gia Lai chỉ đạo rà soát toàn bộ các công trình hồ chứa xung yếu, đang thi công

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh Gia Lai vừa có Công văn số 3958/BCH-PCTT về việc rà soát toàn bộ các công trình hồ chứa xung yếu, đang thi công trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, hiện nay tình hình mưa lũ tại khu vực miền Trung và Tây nguyên đang diễn biến phức tạp, để tránh xảy ra sự cố vỡ đập tương tự như công trình thủy điện Ia Glae 2 (xã Ia Ga, huyện Chư Prông) và đảm bảo tính mạng, tài sản của người dân, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đề nghị các sở, ban, ngành là thành viên Ban Chỉ huy PCTT-TKCN theo địa bàn được phân công tại Quyết định số 323/QĐ- BCH ngày 25-7-2023 của Trưởng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh tổ chức kiểm tra, đôn đốc công tác phòng-chống, ứng phó thiên tai ở các địa phương được giao phụ trách.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Quế (thứ 3 từ trái qua) kiểm tra sự sự cố vỡ đập Công trình Thuỷ điện Ia Glae 2 (xã Ia Ga, huyện Chư Prông). Ảnh: Lê Nam

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Quế (thứ 3 từ trái qua) kiểm tra sự sự cố vỡ đập Công trình Thuỷ điện Ia Glae 2 (xã Ia Ga, huyện Chư Prông). Ảnh: Lê Nam

Ngoài ra, đề nghị Sở Công thương chỉ đạo tổ chức kiểm tra các công trình hồ thủy điện trên địa bàn, đặc biệt các công trình đang thi công, công trình hồ chứa xung yếu trên địa bàn toàn tỉnh. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo tổ chức kiểm tra các công trình hồ đập thủy lợi trên địa bàn; yêu cầu các đơn vị quản lý, khai thác tăng cường công tác duy tu bảo dưỡng, nạo vét khơi thông dòng chảy tránh tình trạng ngập úng, sạt lở đất (nhất là suối, kênh mương gần khu dân cư).

Cùng với đó, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố kiểm tra, rà soát các hồ chứa thủy lợi, thủy điện, nhất là đối với các hồ chứa xung yếu, công trình đang thi công, chủ động vận hành đón lũ, đảm bảo an toàn công trình và hạ du. Tổ chức thông tin cảnh báo cho chính quyền và nhân dân vùng hạ du bị ảnh hưởng về việc vận hành xả lũ, nhất là trong tình huống xả lũ khẩn cấp để chủ động phòng, tránh. Kịp thời thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại khi có thiên tai xảy ra.

Yêu cầu các chủ đầu tư, đơn vị thi công thực hiện nghiêm việc kiểm tra biện pháp thi công xây dựng của nhà thầu so với thiết kế biện pháp thi công đã được phê duyệt, nhất là các công trình trên sườn dốc có nguy cơ mất an toàn cao. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

Một đoạn đập tràn công trình Thủy điện Ia Glae 2 (xã Ia Ga, huyện Chư Prông) bị nước lũ cuốn trôi. Ảnh: Lê Nam

Một đoạn đập tràn công trình Thủy điện Ia Glae 2 (xã Ia Ga, huyện Chư Prông) bị nước lũ cuốn trôi. Ảnh: Lê Nam

Các chủ đầu tư, chủ hồ, đập thủy lợi, thủy điện khẩn trương kiểm tra, rà soát mực nước hiện tại của các công trình thủy lợi, thủy điện vận hành an toàn, đúng quy trình; chủ động kiểm tra và triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn hồ, đập và hạ du công trình, nhất là đối với các hồ, đập nhỏ, xung yếu, các công trình đang thi công hoặc đã đầy nước. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành thi công vượt lũ năm 2023 ở các công trình đang thực hiện; xây dựng phương án bảo vệ an toàn các công trình đang thi công theo quy định.

Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, bố trí lực lượng trực ban 24/24h trong thời gian xảy ra mưa lũ tại công trình, thường xuyên kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn của các hồ chứa thuỷ lợi, thuỷ điện nhằm phát hiện sớm những nguy cơ mất an toàn công trình; chủ động bố trí kinh phí để duy tu bảo dưỡng, sửa chữa các hư hỏng nhằm bảo đảm an toàn công trình; đối với các hồ chứa có nguy cơ mất an toàn đập phải tiến hành sửa chữa ngay, xả nước để giảm dung tích nước trong hồ chứa hoặc không tích nước vào mùa mưa lũ để đảm bảo an toàn đập và vùng hạ du đập…

Phối hợp với chính quyền địa phương thông báo kịp thời việc xả lũ hồ chứa thuỷ lợi, thuỷ điện đến nhân dân vùng hạ du đập để chủ động phòng tránh, ứng phó, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhà nước và nhân dân khi xả lũ hồ chứa.

Có thể bạn quan tâm