Dự án VnSAT: Đòn bẩy kết nối hạ tầng giao thông nông thôn

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Cùng với việc hỗ trợ tập huấn và xây dựng mô hình sản xuất cà phê bền vững, Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) còn hỗ trợ nguồn vốn nâng cấp nhiều tuyến đường giao thông nội đồng giúp người dân đi lại và vận chuyển hàng hóa thuận lợi.
Dự án VnSAT được triển khai tại 6 huyện: Đak Đoa, Mang Yang, Chư Păh, Ia Grai, Đức Cơ và Chư Prông trong giai đoạn 2016-2022 với mục tiêu hỗ trợ người trồng cà phê áp dụng quy trình canh tác bền vững, tưới nước tiết kiệm, tái canh bằng giống mới năng suất cao. Đặc biệt, dự án còn hỗ trợ nâng cấp một số tuyến đường nội đồng, xây dựng đường dây điện ra khu sản xuất cà phê, nhà kho, sân phơi, góp phần tăng lợi nhuận, giảm chi phí phát sinh cho người dân. 
Theo đó, từ nguồn vốn hơn 100 tỷ đồng do dự án hỗ trợ và đối ứng từ các cá nhân, tổ chức, các địa phương đã triển khai nâng cấp 15 tuyến đường giao thông nội đồng ra khu sản xuất cà phê. Trong đó, 10 tuyến đã đưa vào sử dụng, 5 tuyến còn lại đang thi công, dự kiến hoàn thành trong tháng 6 năm nay. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 47 ngàn hộ trồng cà phê được hưởng lợi từ dự án, đạt 118% so với mục tiêu đề ra.
Ông Lê Nhiều-Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn 1 (xã Tân Bình, huyện Đak Đoa) cho biết: Thời gian qua, Dự án VnSAT đã phối hợp cùng chính quyền địa phương mở các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật và hỗ trợ người dân sản xuất cà phê bền vững. Đặc biệt, dự án đầu tư thảm nhựa 3 tuyến đường giao thông nội đồng ra khu sản xuất (mỗi tuyến dài 800 m), kết nối vào hệ thống giao thông nông thôn giúp người dân đi lại và vận chuyển vật tư sản xuất cũng như nông sản rất thuận lợi.  
Đường ra khu sản xuất cà phê tại thôn 3 (xã Tân Bình, huyện Đak Đoa) do Dự án VnSAT hỗ trợ. Ảnh: Nguyễn Diệp
Đường ra khu sản xuất cà phê tại thôn 3 (xã Tân Bình, huyện Đak Đoa) do Dự án VnSAT hỗ trợ. Ảnh: Nguyễn Diệp
Tương tự, ông Ngô Thanh Việt-Tổ trưởng tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp xã Kdang (huyện Đak Đoa) cho hay: Tổ hợp tác có hơn 100 thành viên chuyên sản xuất cà phê với diện tích khoảng 140 ha. Trước đây, tuyến đường dẫn ra khu vực sản xuất là đường đất nên việc vận chuyển vật tư nông nghiệp và nông sản gặp nhiều khó khăn. Năm 2019, Dự án VnSAT đã hỗ trợ nâng cấp 2,3 km đường nhựa với mặt đường rộng hơn 3 m. Khi triển khai, các thành viên trong tổ cùng chung tay đóng góp thêm kinh phí. “Từ khi tuyến đường nội đồng này được nâng cấp, người dân rất phấn khởi vì đi lại và vận chuyển nông sản thuận lợi. Cùng với đó, hệ thống đường điện mới được dự án hỗ trợ đã giúp bà con rất nhiều trong việc tưới cà phê vào mùa khô”-ông Việt nói.
Còn ông Lê Văn Thanh-Giám đốc Hợp tác xã sản xuất, thương mại, dịch vụ và du lịch nông nghiệp Ia Mơ Nông (xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh) thì thông tin: Năm nay, các thành viên Hợp tác xã cũng như người dân rất phấn khởi khi được Dự án VnSAT hỗ trợ nâng cấp 3 tuyến đường nội đồng (mỗi tuyến dài 2 km) vào khu vực sản xuất khoảng 300 ha cà phê. Hiện cả 3 tuyến đường đang trong giai đoạn thi công và được giám sát chặt chẽ để đảm bảo chất lượng khi đưa vào sử dụng. Đây là điều kiện thuận lợi để người dân yên tâm sản xuất cà phê chất lượng cao trong những năm tới.
Thi công đường giao thông nội đồng ra khu sản xuất cà phê của HTX Sản xuất, Thương mại, Dịch vụ, Du lịch, nông nghiệp Ia Mơ Nông( huyện Chư Păh). Ảnh: Nguyễn Diệp
Thi công đường giao thông nội đồng ra khu sản xuất cà phê của Hợp tác xã sản xuất, thương mại, dịch vụ và du lịch nông nghiệp Ia Mơ Nông (xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh). Ảnh: Nguyễn Diệp
Trao đổi với P.V, ông Lê Quốc Tuấn-Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án VnSAT tỉnh-cho biết: Từ khi triển khai đến nay, dự án nhận được sự đồng thuận từ chính quyền và người dân các địa phương được thụ hưởng; nhất là các tiểu dự án nâng cấp đường giao thông nội đồng phục vụ sản xuất cà phê bền vững. Nhờ đó, các tuyến đường đưa vào sử dụng kịp thời, giúp người dân giao thương vận chuyển hàng hóa thuận lợi. “Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là giá vật liệu xây dựng tăng cao, nguồn vốn năm 2022 chưa có nên ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thi công nâng cấp 5 tuyến đường nội đồng còn lại. Chúng tôi tiếp tục đôn đốc các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành các tuyến đường vào cuối tháng 5-2022”-ông Tuấn thông tin thêm.
NGUYỄN DIỆP

Có thể bạn quan tâm

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

(GLO)- Vụ Đông Xuân 2024-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) sẽ gieo trồng 2.988 ha cây trồng các loại, trong đó có hơn 2.000 ha lúa. Để đảm bảo vụ sản xuất đạt hiệu quả, ngành Nông nghiệp huyện đang phối hợp với các địa phương hướng dẫn người dân gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ.

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương, các chủ đầu tư thực hiện các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024. Ảnh Hà Duy

Chủ đầu tư phải lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng dự án, cụ thể từng tháng

(GLO)- Đó là một trong những yêu cầu tại Công văn số 2671/UBND-KTTH do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Hữu Quế vừa ký ban hành nhằm đề nghị các sở, ban, ngành; các địa phương; các chủ đầu tư triển khai các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024.

Kho xăng dầu của Công ty TNHH một thành viên Xăng dầu Bắc Tây Nguyên tại xã Ia Tiêm (huyện Chư Sê) hiện chưa được chấp thuận đấu nối vào quốc lộ. Ảnh: V.T

Cửa hàng xăng dầu đấu nối vào đường giao thông: Vướng mắc cần tháo gỡ

(GLO)- Theo Luật Giao thông đường bộ và các quy định liên quan, các công trình xây dựng, trong đó có cửa hàng xăng dầu nằm dọc quốc lộ, tỉnh lộ phải xây dựng ngoài phạm vi hành lang an toàn đường bộ và thực hiện đấu nối đúng vị trí được UBND cấp tỉnh phê duyệt.