Chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Gia Lai lần thứ IV-2024

Đồng bào các dân tộc thiểu số đoàn kết, hội nhập và phát triển

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Đoàn kết là cội nguồn sức mạnh của dân tộc. Với truyền thống đoàn kết, yêu nước, đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Gia Lai quyết tâm giữ gìn bản sắc văn hóa, tích cực lan tỏa các phong trào thi đua yêu nước, lao động sáng tạo, hội nhập và phát triển vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh.

Ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển vùng DTTS

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS.

Thông qua đó, các địa phương thực hiện mục tiêu giảm nghèo, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nói chung, đồng bào các DTTS nói riêng, thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa các vùng, giữa các dân tộc trong tỉnh nhằm tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững của đất nước.

8-11-2024.jpg
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên (thứ 2 từ trái sang) trao đổi với các đại biểu dự đại hội. Ảnh: Đ.T

Công tác dân tộc luôn được Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và hệ thống chính trị các cấp đặc biệt quan tâm chỉ đạo, phối hợp triển khai thực hiện một cách đồng bộ, hiệu quả, chất lượng. Nhận thức của cán bộ, đảng viên và đồng bào DTTS về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước từng bước được nâng lên, tạo sự đồng thuận, đoàn kết, thống nhất cao.

Các giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa tốt đẹp của đồng bào DTTS được quan tâm bảo tồn, phát triển. Khối đại đoàn kết dân tộc được phát huy, góp phần giữ vững sự ổn định về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố niềm tin của đồng bào DTTS đối với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp.

123-7721.jpg
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Mah Tiệp. Ảnh: Hà Duy

Đặc biệt, trong những năm qua, 3 chương trình mục tiêu quốc gia đã tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS. Đáng chú ý là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030. Đây là chương trình quy mô lớn, đầu tư toàn diện và đồng bộ ở nhiều lĩnh vực. Từ năm 2022 đến 2024, tổng nguồn vốn ngân sách phân bổ là 2.183 tỷ đồng. Hiện chương trình đã giải ngân được 1.057 tỷ đồng, đạt 48,43% kế hoạch.

Một điểm đáng ghi nhận là đã có 12/31 chỉ tiêu của chương trình đạt và vượt kế hoạch giai đoạn đề ra. Theo đó, tỉnh đã hoàn thành công tác định canh, định cư đạt 100%; sắp xếp, bố trí ổn định hộ di cư không theo quy hoạch đạt 97%; thôn, làng có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa đạt 100%; đồng bào DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 97,7%; được xem truyền hình đạt 100%.

Đồng thời, kiểm kê, sưu tầm di sản văn hóa truyền thống đạt 65%; hỗ trợ đầu tư, khai thác du lịch song song với việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống đạt 30%; đào tạo, tập huấn cho hướng dẫn viên du lịch kiến thức về văn hóa truyền thống của các DTTS đạt 100%; thôn, làng có nhà sinh hoạt cộng đồng đạt 98,35%; thôn, làng có đội văn hóa-văn nghệ hoạt động thường xuyên, có chất lượng đạt 80%; đơn vị hành chính cấp huyện có phòng dân tộc đạt 88,24% và đơn vị hành chính cấp xã vùng đồng bào DTTS có cán bộ phụ trách công tác dân tộc đạt 100%.

dsc-8123-copy.jpg
Các em thiếu nhi làng Pleiku Roh biểu diễn đàn t'rưng. Ảnh: Đ.T

Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tổng vốn ngân sách phân bổ từ năm 2022 đến 2024 là 592,9 tỷ đồng. Chương trình đã giải ngân hơn 309 tỷ đồng, đạt 52,12% kế hoạch.

Từ nguồn lực thực hiện chương trình, các địa phương đã triển khai thực hiện các nội dung dự án về hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng; đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm; hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Qua đó, giải quyết căn bản các nhu cầu thiết yếu trong đời sống người nghèo, nhất là giúp hộ nghèo đồng bào DTTS có thêm nguồn lực, điều kiện cần thiết để vươn lên phát triển kinh tế gia đình.

Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tổng nguồn vốn ngân sách phân bổ từ năm 2021 đến 2024 là 2.521 tỷ đồng và chương trình đã giải ngân được 1.553 tỷ đồng, đạt 61,62% kế hoạch.

Thông qua nguồn lực đầu tư từ chương trình, toàn tỉnh có 96 xã đạt chuẩn nông thôn mới; có 3 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới là TP. Pleiku, thị xã An Khê, thị xã Ayun Pa; có 159 thôn, làng đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 128 thôn, làng vùng đồng bào DTTS (tăng 75 thôn, làng so với năm 2020).

Đoàn kết, giữ gìn bản sắc, phát huy nội lực, hội nhập và phát triển

Hướng tới đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030 và thông qua Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh Gia Lai lần thứ IV-2024, đồng bào các DTTS tỉnh đoàn kết, quyết tâm đẩy mạnh hơn nữa các phong trào thi đua yêu nước, lao động sáng tạo, phát huy nội lực, hội nhập và phát triển.

Toàn thể các DTTS trong tỉnh quyết tâm phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

dsc-9060-copy.jpg
Đội cồng chiêng huyện Krông Pa trình diễn lễ mừng nhà rông mới. Ảnh: Đ.T

Theo đó, đồng bào các dân tộc quyết tâm thực hiện tốt các chính sách phát triển kinh tế, giảm nghèo và nâng cao đời sống vùng DTTS và miền núi; phát huy thế mạnh, chủ động sáng tạo, vươn lên làm giàu; không trông chờ, ỷ lại; làm tốt công tác bảo vệ tài nguyên môi trường, nhất là tài nguyên rừng và các hệ sinh thái vùng đầu nguồn; chủ động phòng-chống thiên tai và biến đổi khí hậu; tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật, thay đổi tập quán sản xuất và tiêu dùng; phấn đấu đến năm 2029, thu nhập bình quân người DTTS bằng 1/2 bình quân chung cả nước; giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 10% (áp dụng theo chuẩn nghèo quốc gia giai đoạn 2026-2030).

Cơ bản không còn xã, thôn đặc biệt khó khăn; 70% số xã vùng đồng bào DTTS đạt chuẩn nông thôn mới. Năng suất lao động xã hội vùng đồng bào DTTS tăng bình quân 8,37%/năm trong giai đoạn 2021-2030. Tuổi thọ trung bình người DTTS đạt 73,5 tuổi, trong đó thời gian sống khỏe mạnh đạt tối thiểu 68 năm. Tỷ lệ người DTTS trong độ tuổi lao động được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện và có thu nhập ổn định đạt 35-40%, trong đó có ít nhất 50% là lao động nữ.

ba-con-dtts-dua-san-pham-truyen-thong-tham-gia-phien-cho-anh-thao-nguyen.jpg
Người DTTS đưa sản phẩm thổ cẩm truyền thống tham gia hội chợ thương mại, giới thiệu sản phẩm vùng đồng bào DTTS và miền núi tại huyện Krông Pa năm 2024. Ảnh: VŨ THẢO

Hàng năm, thu hút 3% lao động sang làm việc các ngành, nghề: công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, du lịch, dịch vụ; có 40% lao động người DTTS biết làm các ngành, nghề: công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, du lịch, dịch vụ, trong đó có ít nhất 50% là lao động nữ.

Trên 95% cán bộ, công chức cấp xã có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên, trong đó trên 70% có trình độ đại học và trung cấp lý luận chính trị trở lên; trên 90% được bồi dưỡng kiến thức dân tộc theo 4 nhóm đối tượng theo Quyết định số 771/QĐ-TTg ngày 26-6-2018 của Thủ tướng Chính phủ.

Tính đến tháng 6-2024, toàn tỉnh có 17.693 đảng viên là người DTTS, chiếm 26,46%, tăng 1,59% so với năm 2019. Toàn tỉnh có 5.195 cán bộ, công chức, viên chức người DTTS, chiếm 16,38%. Số cán bộ, công chức, viên chức người DTTS giữ chức danh lãnh đạo, quản lý là 105/842 người, chiếm 12,47%. Về trình độ chuyên môn: thạc sĩ 151 người, đại học 3.370 người, cao đẳng 408 người, trung cấp 1.214 người, sơ cấp 39 người. Về trình độ lý luận chính trị: cử nhân 1 người, cao cấp 156 người, trung cấp 1.231 người, sơ cấp 707 người.

Bên cạnh đó, tỉnh phấn đấu có 80% số hộ nông dân người DTTS làm kinh tế nông-lâm nghiệp hàng hóa. Ngăn chặn tình trạng suy thoái môi trường sinh thái. Trên 85% số xã, thôn vùng đồng bào DTTS và miền núi có đủ cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và đời sống của người dân.

Giải quyết căn bản 100% tình trạng di cư không theo kế hoạch trong đồng bào DTTS. Quy hoạch, sắp xếp ổn định, di dời, bố trí 100% hộ DTTS đang cư trú phân tán, rải rác trong rừng đặc dụng, các khu vực xa xôi, hẻo lánh, nơi có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở. Nâng cao tỷ lệ che phủ rừng của cả tỉnh đạt trên 49,2%.

Phát huy phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” trong vùng đồng bào DTTS; xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng. Giữ vững tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai: Gần 15 ngàn đại biểu dự hội nghị quán triệt các nghị quyết của Đảng

Gia Lai: Gần 15 ngàn đại biểu dự hội nghị quán triệt các nghị quyết của Đảng

(GLO)- Sáng 1-12, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW; tình hình kinh tế-xã hội năm 2024, giải pháp tăng tốc phát triển kinh tế-xã hội năm 2025 và tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế.

Gia Lai: Công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã ở Kbang

Gia Lai: Công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã ở Kbang

(GLO)- Sáng 28-11, UBND huyện Kbang tổ chức lễ công bố Nghị quyết số 1195/NQ-UBTVQH15 ngày 28-9-2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Gia Lai giai đoạn 2023-2025; ra mắt hệ thống chính trị xã Kông Bơ La (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai).

Giám sát thiết chế văn hóa, thể thao của Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Gia Lai

Giám sát thiết chế văn hóa, thể thao của Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Gia Lai

(GLO)- Sáng 27-11, đoàn giám sát do bà Võ Thị Bảo Ngân-Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh Gia Lai làm trưởng đoàn đã khảo sát một số đơn vị trực thuộc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch và làm việc với Sở về công tác xây dựng, quản lý, sử dụng thiết chế văn hóa, thể thao.