Khởi đầu gian khó
Bà Nguyễn Thị Vui (thôn 6C, xã Ia Hla) kể: Bà quê ở xã Thụy Chính, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Hồi còn ở quê, gia đình bà từng có những năm tháng chỉ sống nhờ ruộng lúa, vườn rau. Năm mất mùa, năm mất giá, kinh tế khó khăn. Thế rồi, một lần, người bà con họ hàng ở Tây Nguyên về thăm quê kể chuyện trồng hồ tiêu, cao su tiểu điền cho thu nhập cao, cộng với những câu chuyện người dân ở nhiều nơi phất lên sau vài năm vào Gia Lai lập nghiệp khiến bà Vui không thôi trăn trở. Sau đó, bà thu xếp thời gian vào Gia Lai thăm họ hàng. Tận thấy nơi đây đất đai màu mỡ, phù hợp với các loại cây công nghiệp cho hiệu quả kinh tế cao, bà Vui trở về bàn bạc với chồng và quyết định chọn vùng đất Chư Pưh là nơi gầy dựng cuộc sống.

“Khi chuẩn bị vào đây, tôi có vay mượn được chút vốn liếng. Vì vậy, tôi mua 2 ha đất để trồng hồ tiêu. Vừa làm vừa tích lũy kinh nghiệm, vài năm sau, những trụ hồ tiêu xanh mướt cho thu hoạch giúp gia đình thêm vững tin vào một tương lai tươi sáng. Sau này, cứ tích góp được chút vốn là tôi lại mua đất trồng hồ tiêu. May mắn là trong khoảng thời gian đó, giá hồ tiêu liên tục ở mức cao, lợi nhuận thu về lớn, có thời điểm, gia đình trồng tới 22.000 trụ. Thế rồi, vườn cây bị nhiễm bệnh, bao nhiêu vốn liếng không cánh mà bay. Năm 2018, gia đình tôi bắt đầu chuyển sang trồng các loại cây ăn quả như bơ, mít, ổi, nhãn, vải, điều, sầu riêng”-bà Vui chia sẻ.
Sau nhiều năm kiên trì với phương châm “Lấy ngắn nuôi dài”, nghiên cứu mô hình đa canh, hiện nay, gia đình bà Vui sở hữu 27 ha với các loại cây như nhãn, vải, sầu riêng, mít, bơ, cao su, điều, hồ tiêu… Riêng cây sầu riêng, gia đình đã phát triển lên 15 ha, trong đó 5 ha bắt đầu vào thời kỳ kinh doanh.
Chia tay bà Vui, chúng tôi đến tham quan một số vườn nhãn của bà con thôn 6C. Nhãn đang vào vụ thu hoạch, tiếng cười nói rộn rã khắp vườn. Năm nay, nhãn Hương Chi bán được giá nên bà con nông dân rất phấn khởi. Là người cùng quê Thái Thụy, bà Nguyễn Thị Rựng được bà Vui động viên chọn vùng đất Chư Pưh để lập nghiệp. Ít ai biết rằng, cách đây 8 năm, người phụ nữ này từng tay trắng, bôn ba khắp nơi ở Tây Nguyên tìm kế sinh nhai trong vô vàn khó khăn. Bà Rựng cho hay: “Mãi đến năm 2017, tôi mới về Chư Pưh tìm cơ hội làm ăn, gầy dựng cuộc sống. Thế nhưng, trong tay không có tiền, vợ chồng tôi cũng băn khoăn, trăn trở lắm. Nhưng rồi, chúng tôi quyết tâm thuê 1 ha đất để trồng hồ tiêu. Song, mới thu chưa được là bao thì hồ tiêu bệnh chết dần, rồi giá giảm mạnh, gia đình lâm vào cảnh nợ nần. Không chịu bỏ cuộc, tôi vay mượn tiền để trồng rau màu. Qua mấy năm, cứ làm dần dần tích góp được ít vốn, tôi mua 2 ha đất để trồng nhãn Hương Chi, chanh dây và trồng lại hồ tiêu; đồng thời, thuê thêm 1,2 ha để mở rộng diện tích rau màu. Với tổng 3,2 ha đất sản xuất hiện tại, sau khi trừ chi phí sản xuất, gia đình còn khoảng 250-300 triệu đồng”.

Những mùa quả ngọt
Theo bà Rựng, làm nông ngoài kỹ thuật còn phụ thuộc vào yếu tố thời tiết. Vậy nên bà con nông dân ai cũng mong mưa thuận gió hòa, nguồn nước tưới tiêu đảm bảo. Để kinh tế gia đình phát triển ổn định, bà cũng không trông chờ vào riêng loại cây nào mà phải tính toán xen canh, gối vụ để có thu nhập đều đặn, lấy ngắn nuôi dài. “Vụ nhãn này nhìn chung năng suất tốt, giá bán cũng ổn. Còn hồ tiêu, chanh dây thì giá đang tăng trở lại. Nông dân như chúng tôi phấn khởi vô cùng”-bà Rựng bày tỏ niềm vui.
Ở thôn 6C, ngoài 25 hộ quê Thái Bình còn có một số hộ ở huyện Trùng Khánh (tỉnh Cao Bằng) cũng vào đây từ năm 2006. Ngần ấy năm bám trụ, họ cũng đã xây dựng được cuộc sống đủ đầy, kinh tế gia đình ngày càng ổn định. Ông Mạc Văn Quốc (quê ở huyện Trùng Khánh) chia sẻ: “Khi mới vào đây, tôi cũng tìm hiểu về cây hồ tiêu và thời điểm đó hồ tiêu được mệnh danh là “vàng đen”. Tôi cũng như nhiều bà con nơi đây dốc hết vốn liếng vào cây trồng này. Do đó, thời điểm giá hồ tiêu ở mức cao, gia đình đã tích lũy được ít vốn mở rộng diện tích lên 5 ha trồng hồ tiêu, cà phê. Thế rồi, đến giai đoạn hồ tiêu chết hàng loạt, khó khăn chồng chất, nhưng tôi không bỏ cuộc và bắt đầu cải tạo lại đất chuyển sang trồng cà phê, tập trung phát triển đàn bò. Đến nay, tôi còn hơn 2 ha cà phê, 40 con bò, đối với số diện tích hồ tiêu chết tôi chưa vội trồng lại, phải tính toán kỹ lưỡng”.

Năm nay, giá nhiều loại cây trồng như cà phê, chanh dây, hồ tiêu, điều, cao su… đều ở mức cao nên bà con nông dân có thu nhập khá. Bên cạnh đó, nhiều mô hình chăn nuôi, trồng dâu nuôi tằm cũng được đánh giá là mang lại hiệu quả kinh tế cao. Theo ước tính, trên địa bàn xã Ia Hla, số gia đình có thu nhập tiền tỷ mỗi năm khoảng hơn 10 hộ, thu nhập 300-500 triệu đồng có khoảng 20 hộ.
Trao đổi với P.V, ông Rah Lan Hoen-Chủ tịch UBND xã Ia Hla-cho biết: “Hiện nay, những hộ dân từ miền Bắc vào định cư và còn trụ lại được ở đất này đa phần là điển hình trong sản xuất. Từ vùng đất nhiễm bệnh khiến cây hồ tiêu chết, nhiều gia đình trắng tay, bỏ xứ vào miền Nam làm ăn, nhưng nhờ dám mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhiều gia đình đã vực dậy cơ ngơi. Những mô hình sản xuất tổng hợp, xen canh, đa canh đã giúp người dân tối ưu hóa thu nhập. Nhiều hộ còn tham gia vào các hợp tác xã, tổ hợp tác để liên kết tiêu thụ nông sản”.