1. Gần 6 năm nay, nhiều doanh nghiệp thu mua sầu riêng xuất khẩu biết đến vườn cây của ông Hoàng Văn Trọn (Đội 10, xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ). Ông Trọn đang sở hữu diện tích sầu riêng lớn nhất Gia Lai và thường được gọi với cái tên thân mật là “vua sầu riêng” vùng biên.
Về cơ duyên với cây sầu riêng, ông Trọn kể: Ông sinh ra và lớn lên ở Hải Dương. Nhiều năm trước, ông rời quê nhà rồi bôn ba khắp các tỉnh Tây Nguyên và một số tỉnh miền Tây Nam Bộ để thu mua sầu riêng bán cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Trải qua nhiều vùng đất khác nhau, ông thấy Gia Lai có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với cây sầu riêng. Từ đó, ông nuôi ước mơ sở hữu một vườn sầu riêng của chính mình.
Sau khi tích lũy đủ vốn và kinh nghiệm, đầu năm 2018, ông Trọn mua 9 ha đất để trồng sầu riêng. Đồng thời, ông tiếp tục nghề buôn bán sầu riêng. Dành dụm được bao nhiêu tiền, ông lại mua đất mở rộng diện tích sản xuất. Đến nay, gia đình ông đã sở hữu 100 ha sầu riêng. Trong đó, 20 ha đã cho thu hoạch. Để cây sầu riêng phát triển, ông Trọn đã đầu tư hàng tỷ đồng đào ao tích nước, xây dựng hệ thống tưới nhỏ giọt, tưới béc…
Dẫn chúng tôi tham quan trang trại sầu riêng bạc tỷ của mình, ông Trọn bộc bạch: Vùng đất này thường xuyên xảy ra tình trạng thiếu nước, đặc biệt là vào mùa khô. Sầu riêng là loại cây cần nước, thời gian tưới kéo dài. Nếu không đủ nước, tỷ lệ đậu quả rất thấp. Nếu nắng hạn kéo dài có thể làm cây chết khô.
“Ngoài việc lựa chọn giống sầu riêng tốt, trồng cây ở vị trí khuất gió thì điều quan trọng nhất là cung cấp đủ nước cho cây, nhất là thời điểm ra bông, đậu quả. Vụ sầu riêng năm 2024, với 20 ha, gia đình thu được 200 tấn quả. Với giá bán bình quân 80 ngàn đồng/kg, gia đình thu được khoảng 16 tỷ đồng. Đồng thời, tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 20 lao động địa phương chăm sóc vườn cây với mức lương từ 9 đến 15 triệu đồng/tháng/người”-ông Trọn chia sẻ.
-----------------------
2. Sau gần 21 năm lao động miệt mài, gia đình bà Phạm Thị Phương (thôn 9, xã Yang Trung, huyện Kông Chro) đã biến vùng đất khô cằn, sỏi đá thành những vườn cây ăn quả xanh tốt, đem lại thu nhập “khủng”. Với những nỗ lực của mình, bà Phương là đại diện duy nhất của tỉnh được bình chọn trong danh sách 100 “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023”.
Trong câu chuyện làm giàu trên vùng đất khó của mình, bà Phương kể: Năm 1996, gia đình từ huyện Ninh Giang (tỉnh Hải Dương) vào xã Yang Trung theo diện kinh tế mới. Ban đầu, vợ chồng bà làm thuê đủ nghề để có tiền trang trải cuộc sống. Sau khi dành dụm được ít vốn, vợ chồng bà mua được 5 sào đất trồng mì, bắp, đậu xanh và rau màu.
Qua nhiều năm cần mẫn cày cuốc, tích lũy mua thêm đất sản xuất, đến nay, gia đình đã sở hữu hơn 10 ha đất. Trong số này có gần 5 ha trồng nhãn, na Thái, ổi, dừa xiêm, còn lại là trồng mía, bắp.
“Sau nhiều tháng tìm hiểu, tham quan một số mô hình kinh tế ở các tỉnh phía Bắc, năm 2003, tôi đưa giống nhãn về trồng thử nghiệm ở vùng đất Yang Trung. Nhờ chăm sóc bài bản, vườn nhãn phát triển tốt, cây lá sum suê, trĩu quả. Nhận thấy hiệu quả, năm 2012, tôi quyết định phá bỏ vườn điều và xoài để trồng 3,7 ha nhãn giống T6, Hương Chi và Khoái Châu.
Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, tôi tiếp tục đầu tư trồng hơn 2 ha na Thái, ổi và dừa xiêm lùn trên cùng một diện tích để phòng khi cây này mất giá sẽ có loại khác bù vào, hạn chế rủi ro. Việc trồng nhiều loại cây ăn quả khác nhau còn giúp gia đình mùa nào cũng có sản phẩm để bán. Hiện 3,7 ha nhãn mỗi năm cho thu hoạch 2 vụ được khoảng 50 tấn quả; 1 ha na Thái mỗi năm thu được 15 tấn quả. Đặc biệt, hơn 1 ha ổi cho thu hoạch quanh năm.
Năm 2023, sản phẩm nhãn T6 của gia đình đạt giải ba tại hội thi “Sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu” tỉnh Gia Lai lần thứ II do Hội Nông dân tỉnh tổ chức. Hiện vườn cây ăn quả của gia đình mang lại khoản thu nhập hơn 1 tỷ đồng mỗi năm. Nhờ đó, tôi đã xây dựng nhà cửa khang trang, mua xe ô tô con để đi lại, xe tải để vận chuyển nông sản. Ngoài ra, gia đình còn tạo việc làm thường xuyên cho 6-10 lao động địa phương”-bà Phương cho hay.
-----------------------
3. Những ngày cuối năm, chúng tôi được cán bộ Hội Nông dân xã Ia Khươl (huyện Chư Păh) dẫn đến vườn cây ăn quả có múi nằm sát vách núi của ông Phạm Đức Lý (thôn Đại An 2). Vượt qua những con đường quanh co, trước mắt chúng tôi là vườn cây xanh mướt, được trồng ngay hàng thẳng lối, nằm thoai thoải trên sườn dốc.
Trò chuyện cùng chúng tôi, ông Lý cho biết: Gia đình ông vào Ia Khươl lập nghiệp từ năm 1988 với xuất phát điểm là nghề sửa chữa xe máy. Thấy cuộc sống bấp bênh, ông chuyển sang làm các công trình điện. Khi có được ít vốn, ông quyết định mua đất làm nông nghiệp để tính phương án dưỡng già sau này.
Sau khi tham khảo nhiều nơi, ông quyết định chọn mua đất ở vùng núi để trồng cây ăn quả có múi. Bởi theo tìm hiểu của ông, cây có múi rất phù hợp với đất pha sỏi. Tuy nhiên, không ít người cho rằng ông bị “khùng” bởi trồng những cây được xem là khó tính như quýt, cam, bưởi trên vùng đất sỏi cát khô cằn thì làm sao sống được? Nhưng rồi bằng niềm tin có thể cải tạo được vùng đất này, ông bắt đầu hành trình chinh phục vùng đất khó.
Sau khi mua 1,4 ha đất, ông Lý bắt tay vào cải tạo, nơi nào nhiều sỏi đá thì thu gom lại rồi bỏ đi. Tiếp đến, ông rải phân chuồng, mùn mía để tăng thêm chất dinh dưỡng cho đất. Ông quyết định chọn các loại cây như quýt, cam, bưởi để trồng. Nhiều người trong vùng thấy vậy cho rằng, trồng cây có múi trên vùng đất này cho vị chua, không thể ăn được.
Bỏ ngoài tai những lời chê cười, bản thân ông Lý hiểu khi cây được bón phân, tưới nước bài bản thì sẽ cho quả ngọt. “Đất trồng cũng chỉ là một phần, quan trọng nhất vẫn là khâu đầu tư chăm sóc đúng thời điểm, kích quả thì cây sẽ phát triển tốt”-ông Lý chia sẻ.
Theo ông Lý, vườn cây của gia đình hiện đã hơn 6 năm tuổi nhưng vẫn rất xanh tốt, năng suất luôn đạt cao. Cây quýt, cam, bưởi mỗi năm chỉ cho thu hoạch 1 vụ chính. Song nếu chăm sóc tốt, cây vẫn cho vụ thu hoạch trái mùa vào dịp gần Tết. Điều này giúp gia đình có nguồn thu rải đều trong năm với lợi nhuận hơn 300 triệu đồng sau khi trừ chi phí.
Dạo quanh khu vườn xanh mướt, ông Lý cười mãn nguyện: “Chính tôi cũng không nghĩ rằng người vốn không có kiến thức gì về nông nghiệp như mình nhưng lại có thể thành công với vườn cây ăn quả trồng trên vùng đất khô cằn sỏi cát này”.