Trong đó, kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng và bước sang năm thứ 40 của công cuộc đổi mới chính là mốc son phản ánh sự trưởng thành về tư duy, tầm nhìn, hiệu lực, hiệu quả trong công cuộc sáng tạo vĩ đại, cải biến và phát triển đất nước theo mục tiêu, con đường đã được Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta lựa chọn.
1. Bài học kinh nghiệm rút ra từ tiến trình đổi mới đó là: Thấu triệt quan điểm thực tiễn với tư duy, tầm nhìn hệ thống, kế thừa những thành tựu của nhân loại và biết sử dụng linh hoạt những hình thức trung gian quá độ, có bước đi phù hợp với điều kiện đặc thù về kinh tế, chính trị, văn hóa của dân tộc để tạo đột phá về sự phát triển đất nước theo mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Trên thực tế, công cuộc đổi mới ở nước ta cơ bản đã hội tụ trong đó phép biện chứng về nhận thức và vận dụng các khả năng của sự phát triển vì sự phát triển bền vững quốc gia, dân tộc trong thế giới đương đại. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng không chỉ là sự kiện tô thắm thêm “pho lịch sử bằng vàng” trong 90 năm kiên định mục tiêu vì nước, vì dân của Đảng mà quan trọng hơn, đây là dấu mốc phản ánh tầm vóc, bản lĩnh của Đảng trong việc “tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới”, hội nhập và phát triển bền vững.
Nội dung các văn kiện được Đại hội thông qua cùng với việc lựa chọn được những đại diện ưu tú gánh vác sứ mệnh cao cả “lo cho nước, cho dân” cho thấy: Thế hệ lãnh đạo mới của Đảng ta đã quán triệt sâu sắc nguyên tắc kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn, giữa kiên định và đổi mới, giữa kế thừa và phát triển.
Các quyết sách được thông qua tại Đại hội thực sự là sản phẩm kết tinh trí tuệ của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, thể hiện rõ sự thống nhất giữa “ý Đảng, lòng dân”, hòa quyện cùng quyết tâm và ý chí của toàn dân tộc nhằm xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Sau 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII, tại Hội nghị Trung ương lần thứ 10 (tháng 9-2024), Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đánh giá: Trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có những diễn biến hết sức phức tạp, chưa có tiền lệ, ảnh hưởng nặng nề hơn so với dự báo, với sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị và toàn dân, toàn quân, đất nước ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, nổi bật, khá toàn diện, cơ bản hoàn thành các mục tiêu chủ yếu về kinh tế-xã hội.
Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Thực hiện 3 đột phá chiến lược đạt kết quả tích cực, nhất là về phát triển hạ tầng. Phát triển văn hóa, con người, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội có nhiều mặt tiến bộ.
Cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đấu tranh phòng-chống tham nhũng, tiêu cực đạt nhiều kết quả. Quốc phòng-an ninh, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm. Đối ngoại và hội nhập quốc tế đạt nhiều thành tựu quan trọng, vị thế và uy tín của Việt Nam được nâng cao.
Bên cạnh ghi nhận những nỗ lực của Chính phủ, của hệ thống chính trị và toàn xã hội trong triển khai tổ chức thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, Đảng cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm, những khó khăn, vướng mắc, những điểm nghẽn đó là: “Tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa đạt mục tiêu đề ra. Cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng còn chậm. Nền tảng công nghiệp hóa, hiện đại hóa chưa vững chắc. Chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế.
Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa thực sự là động lực quan trọng để đổi mới mô hình tăng trưởng. Hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, quản lý kinh tế-xã hội một số mặt chưa cao”.
Phân tích, chỉ ra nguyên nhân và bài học kinh nghiệm, trên cơ sở đó để xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2025 và xác định các giải pháp đột phá cần tập trung thực hiện trong năm 2025, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch 5 năm 2021-2025, làm cơ sở tạo đà cho thời kỳ tiếp theo.
2. Để hoàn thành mục tiêu trong năm 2025 và cả giai đoạn 2021-2025, tạo tiền đề vững chắc cho sự phát triển bền vững những năm tiếp theo, Đảng ta xác định có nhiều việc phải làm. Từ góc nhìn “Ưu tiên mục tiêu tăng trưởng và các giải pháp đột phá”, phải chăng cần quán triệt và thực hành các nội dung cơ bản sau:
Thứ nhất, nhanh chóng ổn định tổ chức, bộ máy để tập trung trí tuệ, công sức cho thúc đẩy tăng trưởng, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới, hoàn thành tốt nhất các chỉ tiêu phát triển thời kỳ 2021-2025, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững về lâu dài.
Sắp xếp, tinh gọn tổ chức, bộ máy là đòi hỏi khách quan của quá trình đổi mới, điều đó thể hiện tập trung trong Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Gần đây, trong hội nghị tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có chỉ đạo quan trọng, trong đó nhấn mạnh: “Tiến hành cuộc cách mạng về sắp xếp, tổ chức, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị”, xem đây như là nội dung hợp thành trong việc “tạo điều kiện và tiềm lực để bước vào kỷ nguyên mới của dân tộc”.
Dĩ nhiên, trong quá trình đó có những đổi thay, biến động nhất định về nhân sự trong giới lãnh đạo, cầm quyền các cấp, các phân hệ của bộ máy quản trị quốc gia. Vì thế, cần sớm ổn định tổ chức bộ máy để tập trung các nguồn lực, góp phần tạo nên những đột phá, hoàn thành tốt nhất trong khả năng có thể các mục tiêu, các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội quốc gia, ban ngành, địa phương.
Đây là mệnh lệnh của lương tri và danh dự, cũng là thước đo đánh giá tầm vóc, bản lĩnh của Đảng và của mỗi cán bộ, đảng viên. Cần tạo nên sự thống nhất trong nhận thức và hành động trong cả hệ thống từ Trung ương đến cơ sở theo tinh thần: “Tiền hô hậu ủng”, “Nhất hô bá ứng”, “Trên dưới đồng lòng” và “Dọc ngang thông suốt”. Bên cạnh giải pháp để hoàn thành và giải ngân kịp thời vốn đầu tư công đối với các chương trình, dự án, cần có biện pháp phù hợp thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và các ngành, lĩnh vực mới, công nghệ cao. Kích cầu tiêu dùng, phát triển mạnh thị trường vốn, thị trường trong nước, tận dụng dư địa để huy động thêm nguồn lực cho phát triển.
Thứ hai, tiếp tục đổi mới toàn diện, đồng bộ từ tư duy đến hành động; từ xây dựng, hoàn thiện thể chế đến huy động, phân bổ sử dụng hợp lý các nguồn lực, thực hành mô hình phát triển hài hòa, bền vững.
Thực hành các giải pháp đột phá “ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”, hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu (số lượng, chất lượng kinh tế-xã hội) năm 2025 và giai đoạn 2021-2025 cần đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển theo hướng “vừa quản lý chặt chẽ, vừa kiến tạo phát triển, huy động tối đa các nguồn lực phát triển, tạo không gian phát triển mới”, nhất là đổi mới sáng tạo trong kỷ nguyên mới...
Từ tình hình thực tế địa phương, đơn vị, cùng với việc ban hành các quyết sách, cần khẩn trương sắp xếp và đổi mới tổ chức bộ máy các cấp theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả hơn; gắn liền với những giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Đặc biệt, trong quá trình chuẩn bị nhân sự cho đại hội Đảng các cấp cần lựa chọn đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược có phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ đủ về số lượng, có chất lượng và cơ cấu phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ Tổ quốc; bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ, đủ sức lãnh đạo đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Nhà nước, chính quyền địa phương các cấp cần tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, tạo xung lực để vừa giải quyết kịp thời những yêu cầu bức xúc của mọi tầng lớp nhân dân, vừa tạo nền tảng vững chắc cho công cuộc kiến tạo môi trường, điều kiện phát triển bền vững lâu dài. Có giải pháp sát hợp, hiệu lực trong việc tạo ra môi trường để mọi cá nhân, tổ chức thực hiện khát vọng vươn lên làm giàu cho chính họ, cho dân, cho nước một cách công bằng...
Quyết liệt hơn trong việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực; phát huy tính chủ động, tự lực, tự cường của các cấp; kiên quyết xóa bỏ cơ chế “xin-cho”. Thực hành đồng bộ các giải pháp tạo dựng, huy động, sử dụng các nguồn lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong đó, ưu tiên tạo chuyển biến thực sự từ giáo dục-đào tạo, khoa học công nghệ đến chăm sóc thể chất, sức khỏe cho các tầng lớp nhân dân.
Thứ ba, phát triển văn hóa, nâng cao đời sống cho mọi tầng lớp nhân dân. Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng phát triển quê hương, đất nước phồn vinh, hạnh phúc
Tạo lập môi trường, điều kiện cho sự phát triển bền vững đòi hỏi phải giải quyết đồng bộ từ gốc-năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức mạnh của nền kinh tế, nhưng đồng thời phải chú trọng phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hóa, con người Việt Nam.
Thực hành những việc làm thiết thực, phù hợp và hiệu quả trong xã hội, trong hệ thống chính trị. Trong đó, ưu tiên xây dựng chương trình, giải pháp kịp thời quán triệt và tổ chức thực hiện nội dung, yêu cầu “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dành tâm huyết, trí tuệ đúc kết.
Đây là cách thức góp phần giữ gìn “hồn cốt của dân tộc”, tạo “nền tảng tinh thần và động lực cho sự phát triển bền vững” ở từng con người, từng gia đình, mỗi địa phương, mỗi ngành và trong cả nước trước mắt cũng như lâu dài. Đặc biệt, cần sớm có giải pháp để định hình và khẳng định hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam.
Bằng cách đó, “Văn hóa soi đường cho quốc dân” trong công cuộc giữ gìn độc lập, tự do, mang ấm no, hạnh phúc-thịnh vượng; cũng là cách để chúng ta tạo ra những giá trị vật chất và tinh thần của chính mình và góp phần làm phong phú thêm “vườn hoa đa sắc màu của văn hóa nhân loại”; khẳng định vị thế “sánh vai với các cường quốc năm châu” của Việt Nam trong thế giới đương đại.