Từ ông giáo làng đến tỷ phú nông dân giàu lòng nhân ái

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Phải từ bỏ bục giảng để chuyên tâm phát triển kinh tế gia đình, giờ đây, ông Rô Khen (thôn 1, xã Pờ Tó, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) không chỉ là tỷ phú mà còn được mọi người quý trọng bởi tấm lòng nhân ái.

Ngôi nhà 3 tầng, 9 gian bề thế của gia đình ông Rô Khen ở gần trụ sở UBND xã Pờ Tó. 62 tuổi, ông vẫn hăng say lao động, tìm tòi cách làm mới, hiệu quả để tăng năng suất lao động cũng như chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn bà con cách thức làm giàu.

Ông giáo nghèo

Ông Rô Khen kể: Những năm 60 của thế kỷ trước, “hốc Pờ Tó” nổi tiếng bởi đói nghèo, lạc hậu. Giống như bao người dân lúc bấy giờ, gia đình ông thuộc diện hộ nghèo, bữa ăn thường ngày chỉ là nắm rau rừng và mấy củ mì đào trong hốc núi. Cuộc sống đói khổ khiến chẳng mấy ai quan tâm đến cái chữ. Nhưng ông thường xuyên trốn bố mẹ đi học. Bố mẹ phạt không cho ăn cơm bởi chưa no cái bụng thì học chữ để làm gì. Có lần, ông phải trốn sang nhà bác, nhà chú xin ở nhờ.

Sau khi nghe mọi người khuyên bảo, cha mẹ ông dần hiểu sự hiếu học của con nên không cấm cản nữa. Sau 9 năm đèn sách, ông được huyện tạo điều kiện cho đi học lớp cấp tốc. Hoàn thành khóa học, ông đảm nhận việc dạy lớp xóa mù chữ. 1 năm sau đó (năm 1979), ông được phân công về dạy tại Trường cấp I xã Pờ Tó.

tu-ong-giao-lang-dd.jpg
Năm 2023, ông Rô Khen được Ban Tuyên giáo Trung ương tặng bằng khen vì có thành tích tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Ảnh: V.C

Ngày ấy, lương giáo viên quy đổi thành 6 kg lương thực hàng tháng. Đó có thể là gạo mốc, mì lát hoặc khoai lang khô. Nhưng ông không nản lòng. Buổi sáng lên lớp, buổi chiều, ông tranh thủ lên rẫy khai hoang. Tối đến, ông lại cần mẫn dạy xóa mù chữ cho người lớn. Trải qua gần 10 năm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, khi vợ ông hạ sinh con gái đầu lòng, trách nhiệm của người chồng, người cha buộc ông phải rời bục giảng để lo cái ăn cho gia đình.

Hướng ánh mắt về 2 đứa cháu nhỏ đang tuổi ăn tuổi học, ông trầm ngâm: “Buồn lắm, thương học sinh lắm nhưng mình không có sự lựa chọn nào khác. Nhiều đêm nhớ nghề, lật từng trang giáo án mà nước mắt chảy dài. Nhưng rồi, tiếng khóc của con vì đói khiến mình phải quyết tâm làm giàu để sự hy sinh của bản thân không trở thành vô nghĩa”. Bao nhiêu kiến thức học được từ trường lớp, ông đem áp dụng vào trồng trọt, chăn nuôi, từng bước phát triển kinh tế gia đình.

Tỷ phú nông dân

Sau 37 năm gắn bó với ruộng đồng, ông Rô Khen đã trở thành hộ sản xuất kinh doanh giỏi tiêu biểu cấp Trung ương với thu nhập gần 2 tỷ đồng/năm. Trong căn nhà khang trang, những tấm bằng khen, giấy khen các cấp dành cho ông treo kín cả vách tường. Tất cả được ông giữ gìn cẩn thận.

tu-ong-giao-lang-2.jpg
Ông Rô Khen (thứ 2 từ phải sang) tuyên truyền, vận động người dân tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Ảnh: V.C

Ngày ấy, sau khi nghỉ dạy, vợ chồng ông chỉ có trong tay hơn 1 sào lúa nước. Để có cái ăn, ông cùng vợ phải khai khẩn đất hoang trồng thêm bắp, đậu. Vất vả từ khi mặt trời mọc đến lúc lên đèn nhưng chỉ dựa vào nước trời nên năng suất cây trồng chẳng đáng là bao. Ông bàn với vợ đổi 5 ha đất rẫy lấy 1 ha đất ruộng trồng lúa. Mỗi vụ, gia đình ông thu hoạch hơn 1 tấn lúa và trở thành hộ có sản lượng lúa cao nhất vùng.

Nhiều hộ thiếu ăn, mang bò đến nhà ông đổi lúa. Từ đói nghèo đi lên, ông biết con bò là cả cơ nghiệp với người nông dân. Vì vậy, ông cho những hộ đổi bò nhận nuôi bò rẽ. Khi bò sinh sản, con bê đầu tiên thuộc về người nuôi, con bê thứ 2 thuộc về gia đình ông. Cứ như vậy, hộ đổi bò không lâm vào cảnh đói nghèo mà đàn bò của ông cũng không ngừng tăng lên, có thời điểm tới 40 con.

Tích lũy được chút vốn liếng nào, ông đều dồn mua thêm đất canh tác. Năm 2016, gia đình ông sở hữu 30 ha đất, trong đó có 10 ha lúa nước, 20 ha mía, 40 con bò cùng nhiều loại máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp như máy xới, máy cày, xe công nông…

Đây cũng là năm ông được Nhà máy Đường Ayun Pa tặng giấy khen cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số có sản lượng mía nhập nhiều nhất. Năm 2018, khi mía mất giá, ông chuyển đổi toàn bộ diện tích sang trồng mì cao sản. Mỗi vụ thu hoạch, mì nhà ông chất cao như núi, ai nhìn cũng phải trầm trồ, thán phục.

Từ kinh nghiệm làm giàu của bản thân, ông Khen chiêm nghiệm: “Sản xuất nông nghiệp đòi hỏi phải cần cù, chịu khó, biết áp dụng khoa học kỹ thuật và phải nắm bắt nhu cầu thị trường để chuyển đổi cây trồng hợp lý. Dù kinh tế đã phát triển ổn định nhưng có lớp tập huấn nào tôi cũng tham gia để học hỏi.

Đầu năm 2024, tôi đầu tư lắp đặt 16 tấm pin năng lượng mặt trời trị giá 50 triệu đồng để tích điện bơm nước tưới cho 2 ha lúa. Năng suất nhờ vậy đạt gần 1 tấn/sào/vụ. Trong xã hiện có khoảng 10 hộ học theo tôi để chủ động nước tưới cho diện tích lúa của gia đình”.

Giàu lòng nhân ái

Đi lên từ gian khó nên ông Khen thấu hiểu cuộc sống khó khăn của các hộ nghèo. Ông hiểu rằng hỗ trợ người nghèo vươn lên không chỉ đơn giản là cho “con cá” mà phải trao “cần câu” cho họ. Đầu năm 2010, ông cho 2 hộ nghèo cùng thôn mượn 4 ha đất sản xuất. Sẵn có máy móc, ông giúp họ cày đất và hướng dẫn trồng mía; đồng thời, hỗ trợ thêm mỗi hộ 5 triệu đồng đầu tư giống, phân bón. 14 năm trôi qua, giờ đây, cuộc sống của 2 gia đình đã khá giả.

“Gia đình tôi mang ơn ông Khen nhiều lắm. Nếu không có ông, gia đình tôi không thể có được cuộc sống ổn định như hôm nay. Noi gương ông, chúng tôi luôn cố gắng làm ăn để phát triển kinh tế gia đình”-bà Kpă H’Chơi (1 trong 2 hộ được ông hỗ trợ) bộc bạch.

Không chỉ cho mượn đất sản xuất, ông Khen còn cho hàng chục hộ dân mượn tiền không tính lãi để mua cây-con giống, phân bón phục vụ sản xuất. Ông đã giúp hơn 20 hộ nuôi bò rẽ vươn lên thoát nghèo.

Nói về việc làm của mình, ông Rô Khen cười hiền: “Mình đã có thời kỳ phải xin ăn từng bữa, nay có điều kiện hơn, giúp bà con là việc nên làm. Giúp người cũng là giúp chính mình. Bà con cùng nhau phát triển kinh tế, buôn làng sẽ ngày càng khá lên”.

tu-ong-giao-lang-3.jpg
Nhờ mô hình nuôi bò rẽ, ông Rô Khen sở hữu đàn bò nhiều nhất làng mà không phải bỏ công chăm sóc. Ảnh: V.C

Thành công trong cuộc sống và gắn bó với dân làng nên ông Khen được bà con tín nhiệm bầu làm người uy tín. Bằng kinh nghiệm của bản thân, ông tích cực hướng dẫn bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tiết kiệm chi tiêu để đầu tư phát triển kinh tế.

Ông Nguyễn Minh Thái-Phó Chủ tịch UBND xã Pờ Tó-khẳng định: “Ông Rô Khen là người dám nghĩ, dám làm, dám thay đổi và hết mình vì cộng đồng. Vì lẽ đó, ông đã truyền cảm hứng trong phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi ở địa phương”.

Ông Rô Khen đã 2 lần được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phát triển kinh tế, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh nhà giai đoạn 2003-2006 và 2019-2024. Năm 2022, ông được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng giấy chứng nhận hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương và bằng khen có thành tích xuất sắc trong phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” giai đoạn 2017-2022. Năm 2023, ông vinh dự được Ban Tuyên giáo Trung ương tặng bằng khen vì có thành tích tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

*

“Hốc Pờ Tó” là cách nói chỉ còn trong quá khứ. Góp phần làm nên sự đổi thay tích cực ấy có phần công sức của những con người dám nghĩ, dám làm, không chấp nhận đói nghèo, lạc hậu, trong đó có ông Rô Khen. Như cánh chim không mỏi, ông vẫn đang từng ngày cần mẫn làm giàu cho gia đình và góp sức xây dựng quê hương đẹp giàu.

Có thể bạn quan tâm

Bảo tồn những bài thuốc quý của người Bahnar

Bảo tồn những bài thuốc quý của người Bahnar

(GLO)- Huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) chỉ nổi tiếng với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ mà còn là nơi lưu giữ nguồn dược liệu vô cùng phong phú. Từ nguồn tài nguyên này, cộng đồng người Bahnar đã cho ra đời những bài thuốc quý, lưu dấu qua bao thế hệ.

Nét đẹp tặng chữ đầu xuân

Nét đẹp tặng chữ đầu xuân

(GLO)- Mỗi dịp Tết đến Xuân về, người dân Việt lại náo nức với những phong tục truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc. Trong đó, nét đẹp tặng chữ đầu xuân đã trở thành một truyền thống hiếu học của dân tộc và mang ý nghĩa cầu chúc may mắn, tài lộc, hạnh phúc cho năm mới.

Bắt nhịp chuyển đổi số

Bắt nhịp chuyển đổi số

(GLO)- Với sự phát triển của công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin, chuyển đổi số đã đi vào mọi ngóc ngách của đời sống xã hội. Các đơn vị, doanh nghiệp và người dân Gia Lai đang tận dụng những tiện ích của việc số hóa để phục vụ đời sống và tăng tốc phát triển.

Núi lửa Rainier được bao quanh bởi Công viên Quốc gia Rainier. Ảnh: SGGPO

Sang Washington State nghịch tuyết trên núi Rainier

(GLO)- Từ trung tâm TP. Seattle (bang Washington, Hoa Kỳ), chúng tôi đi ô tô mất 2 giờ mới đến được chân núi thuộc Công viên Quốc gia Rainier, cao nhất trong dãy Cascade. Với độ cao hơn 4.300 m quanh năm tuyết phủ, Rainier là đỉnh núi băng giá nhất nước Mỹ.

Thơ Sơn Trần: Lời hẹn

Thơ Sơn Trần: Lời hẹn

(GLO)- Bài thơ "Lời hẹn" của Sơn Trần không chỉ mô tả vẻ đẹp của thiên nhiên mà còn là những hẹn ước, kỳ vọng về sự trở về, đoàn tụ, gắn kết. Hình ảnh trong thơ vừa thực tế, vừa thi vị, mang đến cho người đọc cảm nhận ấm áp về tình yêu quê hương, về sự đổi thay tươi đẹp của đất trời vào xuân.

Du lịch bay trên “đôi cánh” điện ảnh

E-magazineDu lịch bay trên “đôi cánh” điện ảnh

(GLO)- Ngay khi nghe tin bộ phim truyện điện ảnh “Lạc rừng” sẽ được bấm máy tại Gia Lai vào tháng 8-2025, công chúng nơi đây đã rất háo hức, mong chờ. Là bởi, quê hương mình, xứ sở mình sẽ xuất hiện trong những thước phim tuyệt đẹp của một dự án phim đình đám.

Kể chuyện văn hóa Jrai qua chiếc gùi mộc

E-magazineKể chuyện văn hóa Jrai qua chiếc gùi mộc

(GLO)- Hầu hết các già làng đều cho rằng gùi mộc mang vẻ đẹp nguyên sơ, thuần khiết, là tiền thân của những chiếc gùi hoa văn mang tính thẩm mỹ cao. Vậy nhưng, những người có thể làm ra được gùi mộc nguyên bản trong cộng đồng hiện nay khá hiếm.

Cây trong vườn Bác

Cây trong vườn Bác

(GLO)- Sinh thời, Bác Hồ rất quan tâm đến việc xây dựng và bảo vệ môi trường tự nhiên trong lành và nâng cao đời sống cho người dân. Người chọn việc trồng cây là điểm xuất phát để bảo vệ môi trường và kêu gọi mọi người ra sức trồng cây, gây rừng.

Thẳm sâu miền Tết

Thẳm sâu miền Tết

(GLO)- Ngay lối về nhà tôi, xuyến chi đã bung sắc hai bên đường. Mùi hương trầm loang trong gió xa. Thoảng trong gió, vị mứt gừng cay nồng lên những ngày cuối năm.

50 năm nhìn lại một tháng ba

50 năm nhìn lại một tháng ba

(GLO)- Cuối tháng 3-1975, toàn bộ Tây Nguyên được giải phóng. Đó là những khởi đầu để cuộc chiến tranh cách mạng ở miền Nam bước vào giai đoạn phát triển nhảy vọt và kết thúc thắng lợi bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đưa dân tộc ta bước sang một trang sử mới độc lập, tự do.

Độc đáo nơi đón tết hai miền

Độc đáo nơi đón tết hai miền

Từ lâu, văn hóa Tết Nguyên đán đã mang đậm nét truyền thống hai miền Nam, Bắc. Tuy thế, vẫn có những địa phương mà văn hóa ngày tết là những nét giao thoa hài hòa của cả hai miền. Đón tết ở nơi này khiến nhiều bạn trẻ thích thú.

Nữ kiến trúc sư đam mê nghệ thuật tạo hình

E-magazineNữ kiến trúc sư đam mê nghệ thuật tạo hình

(GLO)- Với đôi tay khéo léo và khả năng sáng tạo, kiến trúc sư Nguyễn Thị Kiên Giang (SN 1988, tổ 7, thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) đã biến những thỏi đất sét, tấm nhựa composite thành sản phẩm trang trí nội thất, được nhiều khách hàng ưa chuộng.

Thơ Ngô Thanh Vân: Xuân về trên bazan

Thơ Ngô Thanh Vân: Xuân về trên bazan

(GLO)- "Xuân về trên bazan" của tác giả Ngô Thanh Vân tái hiện vẻ đẹp của mùa xuân, của sự đổi mới và hy vọng. Những hình ảnh "mầm non ngậm giọt sương mai", "lá hát điều gì mê say trong gió"... mang đến cảm giác thanh thoát, nhẹ nhàng, như làn sóng dịu êm của thiên nhiên đón chào một mùa xuân mới.

Xuất khẩu cà phê vững “ngôi vương”

Xuất khẩu cà phê vững “ngôi vương”

(GLO)- Năm 2024, cà phê tiếp tục giữ vững vị trí dẫn đầu trong các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh Gia Lai với sản lượng 210.000 tấn, kim ngạch đạt 620 triệu USD, tăng 26,53% so với năm trước và thị trường xuất khẩu được mở rộng ra 50 quốc gia.

Thơ Vân Phi: Xuân dậy thì

Thơ Vân Phi: Xuân dậy thì

(GLO)- "Xuân dậy thì" của tác giả Vân Phi mang đến những xúc cảm thanh tân về mùa xuân và tình yêu, đưa chúng ta vào không gian tràn đầy sức sống của một buổi sáng quê hương. Mùa xuân được nhen lên trên từng chồi non lộc biếc, và mùa xuân cũng bắt đầu khi tình yêu có những hồi đáp ngọt ngào...

Bình dị ngày Tết ở làng

Bình dị ngày Tết ở làng

(GLO)- Không rộn ràng, tấp nập, mùng 3 Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 ở các làng đồng bào dân tộc thiểu số thuộc xã Ia Băng (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) nhẹ nhàng, bình dị song vẫn đong đầy yêu thương.

Tự hào là người đảng viên

Tự hào là người đảng viên

(GLO)- Tuổi đời có khác nhau, song ở họ có điểm chung đều là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Với niềm vinh dự, tự hào là người đảng viên, họ luôn nêu cao tinh thần tiên phong, gương mẫu, “nói đi đôi với làm” và cống hiến hết mình vì mục tiêu chung.