Thẳm sâu miền Tết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngay lối về nhà tôi, xuyến chi đã bung sắc hai bên đường. Mùi hương trầm loang trong gió xa. Thoảng trong gió, vị mứt gừng cay nồng lên những ngày cuối năm.

Tôi vừa ngang qua một con dốc nhỏ, phía trên là đám mây phớt hồng sau rừng thông đổ dài trong ráng chiều, cạnh bên là đôi bông đỗ mai vừa rơi. Một thoáng bình yên cho tôi miên man trong ký ức thẳm sâu miền Tết.

tham-sau-mien-tet.jpg
Tết quê. Ảnh: Phùng Tuấn Ngọc

Mùa đã thổi những ngọn gió nghinh tân suốt cả một chiều dài tâm tưởng. Lối nhỏ cũng vừa thắp lên một nhành xuân. Lòng lại ngân lên những câu thơ đã thuộc nằm lòng: “Xin chào nhau giữa con đường/Mùa xuân phía trước miên trường phía sau” (Chào nguyên xuân-Bùi Giáng).

Một trong những điều kỳ diệu về Tết theo tôi, ấy là từ trong ký ức mơ nhớ hôm qua ai đó đã tuốt lá mai chưa, vun bụi gừng sẻ lên luống từng lá non xanh, có nhớ đã bọc từng phong bánh in đủ các loại giấy kiếng màu. Cũng chẳng phải bây giờ hay hoài niệm, lại muốn quay về xưa cũ để có thể lý giải tại sao ta lại nôn nao đến vậy. Bởi trong rất nhiều hành trình của Tết, ta biết vừa vặn thương mến, nhận ra những điều tự mình thấy đủ, thấy hạnh phúc; quý trọng phút quây quần, sum họp ấm êm thì tựa cả mùa xuân nhân gian bên mình.

Tôi đã có những lần tựa vào mùa xuân như thế, chỉ để nhìn ngắm đất đai xứ sở nơi mình sinh sống, hay từ mỗi cuộc trở về quê để chạp mả ông bà mới hay quê hương nguồn cội. Đã bao nhiêu mùa xuân tôi hiện diện nơi này, đã bao nhiêu cái Tết tôi rong chơi trên triền đồi cỏ hát, bao lần tôi ngồi lặng im trong chiều vàng, bên bông dã quỳ lẻ loi cuối mùa…

Tôi thích được ngồi cùng Tết lắng nghe từng hơi thở đang chảy tràn qua áng mây xa, qua nhành tơ, qua nhựa sống đang cựa mình đang mùa bật lá. Mọi người mong chờ một chuyến xe trở về. Người ta có cả năm dài tháng rộng, nhưng rồi cứ đến áp Tết mới có đủ lý do mà tất bật, vội lao đi như thế.

Nhưng không chỉ riêng tôi, dưới nhiều mái nhà, dưới những mái đầu đổi màu theo năm tháng, vẫn tựa cửa sớm mai đón chờ người đi xa trở về. Người trẻ thường không để ý đó thôi, bao trái tim đang rõ hơn từng nhịp mong ngóng đoàn viên. Những đứa con đi xa, bận bịu hay thư thả, rạo rực hay bâng khuâng vẫn luôn nhớ mình có một nơi để về.

Bởi Tết không đến từ những deadline ngập đầy của bạn trẻ. Tết đến từ lời hẹn hứa đầu năm, ý định muốn kết thúc năm cũ thật nhanh để về nhà với mẹ. Tôi không dám can dự ý định của nhiều bạn trẻ, vì tôi không phải họ, tôi chỉ biết hiên nhà, ngoài sân, ban công, bậu cửa vài tia nắng đổ nghiêng trên những mái đầu ngả bóng thời gian vẫn ngồi đó trông ra, mong đợi, ngóng tin.

Khi ngân ngấn, khi lén thở dài, khi thành tiếng: “Khi nào con về?”. Đó là chuyến xe cuối năm có dáng hình quen thuộc, căn phòng lâu nay thiếu vắng được sửa soạn, ánh mắt mẹ cha rạng rỡ chờ mong.

Tết còn trong ước vọng ngàn đời, trong bước đi thong thả và thành kính khi bày biện mâm cúng gia tiên đầu năm, ước nguyện đầu xuân trước cửa chùa. Đâu đó, dưới nếp nhà có dáng ngồi tựa cửa sương mai, có hình hài phảng phất những chiếc bóng ngang đời nhau đã thôi hiện diện bên mình. Đó là lúc ta biết buồn để lòng thành thật hơn với chính mình, để gột rửa muộn phiền đã qua. Tâm tưởng khi ngồi bên Tết quả thật rất xúc cảm, thiêng liêng.

Tết về theo tiếng gọi của màu hoa bình dị. Trước Tết, má tôi tháo túm vạn thọ buộc khô cất từ tháng trước, tự tay gieo trên khoảnh đất trước nhà. Mấy lần anh em chúng tôi can ngăn, rằng má có tuổi, rằng bây giờ phố xá còn ai trồng vạn thọ. Mấy chậu cảnh của chị Ba được má tận dụng để trồng xen. Suốt những hôm sau đó, má quanh quẩn với mấy cây vạn thọ. Có mấy lần tôi mang về cho má giống vạn thọ Pháp màu lạ và đẹp. Má bảo chỉ thương giống vạn thọ quê.

Tôi hoài nhớ bóng dáng cha ngồi phệt dưới gốc mai. Năm tháng rồi đi, mấy ai còn nhớ ngoài sân nhành mai dịu dàng vàng tươi, phơi mở những đường nguyên xuân. Ngồi tựa bên một cội mai mà cha để lại, thức dậy trong tôi sâu thẳm nỗi nhớ, nơi ánh sáng len lỏi qua tán cây già cỗi. Cội mai ấy có lẽ đã trải qua biết bao mùa đông khắc nghiệt, bao cơn bão giông, nhưng vẫn đứng đó, dịu dàng đơm sắc.

Có lẽ, chính sự tĩnh lặng của nó đã gieo vào lòng tôi những hạt mầm lẽ sống. Mai vàng rồi phai sắc, nhưng Tết hẳn đằm sâu ký ức con người. Và trong phút lắng đọng, ai cũng có một “cội mai” để tựa vào, để luôn nhớ về một người đi xa.

Tôi ngồi với Tết như ngồi bên một người bạn cũ, dễ gần, trong trẻo, bình yên. Có hôm từ trên cao vút của đỉnh núi giăng mờ nhìn về phố thị, có khi từ những cuộc hẹn năm trước dang dở mãi đến nay mới hội ngộ giữa phố xa. Tất cả nghe ra rộn ràng, thiết tha. Mỗi không gian đó như nhắc nhở về đức tin cuộc đời, về những điều đẹp đẽ mà ta thường quên lãng trong những bộn bề thường nhật.

Trong hơi thở của Tết, tôi dạo bộ phía dưới thung xa. Tôi tránh các con để lau những giọt nước mắt. Tôi nhớ cha, cha tôi đang ở rất gần, trong mùi hương trầm, trong sắc mai vàng, trong bước đi của Tết thành kính và linh thiêng. Bên này phố đã sáng đèn, bên kia nhấp nhô núi đồi. Tôi nhặt đôi bông đỗ mai vừa rơi và thả trên mặt nước hồ tĩnh lặng. Ai đó nói, vận tốc của cánh hoa đào là 5 cm/s. Tôi thầm nghĩ, nếu thế nào khi tôi có thể nghe thấy tiếng những bông hoa đỗ mai đang rơi phía sau lưng tôi rất khẽ. Tết như chậm lại, chỉ với một bông đỗ mai vừa rơi khỏi cành.

Thì ngoài kia Tết đã về rồi đó, ngàn sắc hoa tỏa hương, đào mai nụ biếc, chùm quất nhà ai ươm vàng trong nắng tươi.

Có thể bạn quan tâm

Rộn ràng không khí đón xuân ngày mùng 3 Tết

Rộn ràng không khí đón xuân ngày mùng 3 Tết

(GLO)- Dưới tiết trời nắng đẹp, có chút se lạnh trong ngày mùng 3 Tết, khắp nơi trên địa bàn tỉnh Gia Lai, người người nô nức thăm thú, vui chơi để tận hưởng trọn vẹn không khí đầu năm mới. Người nô nức du xuân, chúc Tết thầy cô, người lo sửa soạn mâm cúng đưa ông bà, tổ tiên.

Thơ Vân Phi: Xuân dậy thì

Thơ Vân Phi: Xuân dậy thì

(GLO)- "Xuân dậy thì" của tác giả Vân Phi mang đến những xúc cảm thanh tân về mùa xuân và tình yêu, đưa chúng ta vào không gian tràn đầy sức sống của một buổi sáng quê hương. Mùa xuân được nhen lên trên từng chồi non lộc biếc, và mùa xuân cũng bắt đầu khi tình yêu có những hồi đáp ngọt ngào...

Bình dị ngày Tết ở làng

Bình dị ngày Tết ở làng

(GLO)- Không rộn ràng, tấp nập, mùng 3 Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 ở các làng đồng bào dân tộc thiểu số thuộc xã Ia Băng (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) nhẹ nhàng, bình dị song vẫn đong đầy yêu thương.

Tự hào là người đảng viên

Tự hào là người đảng viên

(GLO)- Tuổi đời có khác nhau, song ở họ có điểm chung đều là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Với niềm vinh dự, tự hào là người đảng viên, họ luôn nêu cao tinh thần tiên phong, gương mẫu, “nói đi đôi với làm” và cống hiến hết mình vì mục tiêu chung.

Hoàn thành thi công quốc lộ 19

Hoàn thành tiến độ thi công, phục vụ người dân

(GLO)- Những ngày đầu năm 2025, các đơn vị thi công dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên (cải tạo, nâng cấp quốc lộ 19-đoạn qua địa bàn tỉnh Gia Lai) đã huy động nhân lực, máy móc gấp rút hoàn thiện các hạng mục còn lại của dự án.

“Vua” chim màu Tây Nguyên

“Vua” chim màu Tây Nguyên

(GLO)- Nhiều người trong giới chơi chim ở Việt Nam và một số nước Đông Nam Á như Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Singapore… biết đến Hoàng Huy (phường An Tân, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai). Câu chuyện của Huy tựa như cổ tích mà trong đó chất chứa bao buồn vui cuộc đời để có được như hôm nay.

Dấu ấn di sản địa-văn hóa Tây Nguyên trong lòng đất

Dấu ấn di sản địa-văn hóa Tây Nguyên trong lòng đất

(GLO)- Di sản địa-văn hóa Tây Nguyên là tài sản vô giá của quốc gia, góp phần tạo nên sự đa dạng của nền văn hóa Việt Nam. Việc bảo tồn, phát huy giá trị nguồn tài nguyên di sản này đã trở thành nhiệm vụ quan trọng, cấp bách không những cho thế hệ hôm nay mà cả mai sau.

Chuyện chưa kể về du kích Puih Glớ

Chuyện chưa kể về du kích Puih Glớ

(GLO)- Qua lời kể của Đại tá Phan Anh Tuấn-nguyên Phó Chỉ huy trưởng về Chính trị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai-Kon Tum, nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Gia Lai, chúng ta hiểu thêm về chiến công của du kích Puih Glớ, người đã hạ máy bay Mỹ trong thời kỳ chiến tranh.

Hội xuân Tết ấm 2025 mang niềm yêu thương trọn vẹn đến Làng trẻ em SOS Pleiku

Hội xuân Tết ấm 2025 mang niềm yêu thương trọn vẹn đến Làng trẻ em SOS Pleiku

(GLO)- Chiều tối ngày 30-1 (mùng 2 Tết Ất Tỵ 2025), Làng trẻ em SOS Pleiku (phường Yên Thế, TP. Pleiku) trở nên rộn ràng và ấm áp hơn nhờ buổi gặp mặt đầu xuân Ất Tỵ và Hội Xuân Tết Ấm 2025. Chương trình mang đến nhiều hoạt động vui chơi ý nghĩa dành cho 123 em nhỏ trong ngày đầu năm mới.

Tết Việt quyến rũ người phương xa

Tết Việt quyến rũ người phương xa

"8 năm làm việc tại Việt Nam, đã có 7 năm tôi và gia đình ăn tết Việt. Tết Việt đưa tôi về ký ức tuổi thơ, về hoài niệm những tháng ngày gian khó, nhưng đượm tình" - Sophia Shih, cán bộ ngoại vụ đến từ Đài Loan, chia sẻ về nguyên cớ khiến bà yêu, mê đến ngất ngây cùng tết Việt.

Nụ cười Tây Nguyên

Nụ cười Tây Nguyên

(GLO)- Đi tìm nụ cười Tây Nguyên chính là tìm đến cái đẹp nguyên sơ. Nó ẩn sâu trong đôi mắt, nó hé nhìn qua đôi tay trong vũ điệu, nó giấu mình sau chiếc gùi đầy ắp lúa, bắp và nó cũng chân tình, e ấp khi nói lời thương. Nụ cười ấy hồn hậu, sâu lắng và tự nhiên như núi rừng, sông suối.

Thơ Nguyễn Thanh Mừng: Khảo cổ An Khê

Thơ Nguyễn Thanh Mừng: Khảo cổ An Khê

(GLO)- Bài thơ "Khảo cổ An Khê" như một cách "phượt" về quá khứ, về những dấu tích cổ xưa của Nguyễn Thanh Mừng. Để rồi, ở đó, tác giả lại tự "khảo cổ chính mình", khát khao tìm lại những giá trị thuần khiết, giản dị của con người và văn hóa dân tộc.