Sau Hiệp định Genève (năm 1954), cuộc phân ly 2 miền Bắc-Nam của dân tộc ta tưởng chỉ trong 2 năm chờ tổng tuyển cử. Nhưng nó đã kéo dài gấp hơn 10 lần, bởi có một gã “sen đầm” trực tiếp can thiệp. Sau những nỗ lực leo thang nhằm chia cắt lâu dài đất nước ta, đồng thời ngăn chặn ảnh hưởng của các nước xã hội chủ nghĩa tràn xuống khu vực Đông Nam Á, cuối cùng thì như Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng-Tổng trưởng Kế hoạch và Phát triển của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu đã phải thốt lên: “Sao lẹ thế? Ngày 10 tháng ba, 1975, quân đội Bắc Việt đánh Buôn Ma Thuột, đến ngày 30 tháng tư đã tiến vào Sài Gòn… chỉ vẻn vẹn 52 ngày!”.
Họ không thể tin, không muốn tin rằng, một cuộc chiến đã kéo dài hơn 20 năm, đến khi kết thúc lại nhanh như vậy! Những bất ngờ liên tiếp diễn ra trong mùa xuân năm 1975 ấy, bắt đầu từ những chiến công trên miền đất đỏ cao nguyên.
Tháng 3-1968, khi tướng William Westmoreland mở lời xin thêm 206 ngàn quân sau Tết Mậu Thân thì bầu không khí Nhà Trắng trở nên rất nặng nề. Chiều 10-3-1968, khi 3 hệ thống truyền hình Mỹ báo cáo tin tức từ Việt Nam, kèm theo là những câu hỏi hóc búa “Nếu đang thắng, tại sao phải xin tăng thêm tới 40% quân số?” cùng những bình luận bi quan làm cho Tổng thống Johnson cùng nhiều tướng lĩnh mệt mỏi, chán chường. Sau đó, Johnson tuyên bố sẽ không ra tranh cử tổng thống nhiệm kỳ 2, đồng thời từng bước xuống thang chiến tranh ở Việt Nam.
Giữa năm 1971, sau chiến thắng Đường 9-Nam Lào, cục diện chiến trường Đông Dương có những chuyển biến quan trọng. Vùng căn cứ địa rộng lớn của 3 nước Đông Dương đã nối liền từ Bắc Việt Nam vào Nam Việt Nam. Việc gấp rút mở đường vận chuyển hàng hóa cho chiến trường được coi là nhiệm vụ trọng yếu.
Thắng lợi mà chúng ta giành được trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972 là đòn quan trọng, buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Paris (tháng 1-1973), rút hết quân Mỹ khỏi miền Nam Việt Nam (Năm 1979, khi bình luận về sự kiện này, nguyên Tổng thống chính quyền Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu nói với một tạp chí Đức: “Điều mà… Chính phủ Hoa Kỳ thực sự muốn là rút lui càng mau càng tốt và mang được tù binh của Mỹ về. Họ chỉ muốn phủi tay cho xong mọi chuyện rồi ù té chạy…”). Lúc này, trên chiến trường miền Nam, hơn 10 sư đoàn chủ lực của ta vẫn đứng vững. Lực lượng chính trị đã phát triển cả về số lượng và chất lượng.
Tháng 7-1973, trước tình hình cách mạng miền Nam chuyển biến nhanh chóng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp Hội nghị lần thứ 21 (khóa III) về “Thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và nhiệm vụ của cách mạng miền Nam trong giai đoạn trước mắt”. Tháng 10-1974, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương hạ quyết tâm làm thay đổi nhanh chóng và toàn diện tương quan lực lượng trên chiến trường miền Nam theo hướng có lợi cho ta trong 2 năm 1975-1976. Phương án chọn Tây Nguyên làm hướng tiến công có ý nghĩa chiến lược trong năm 1975 được thông qua.
Phía Sài Gòn, đầu tháng 11-1974, tướng Phạm Văn Phú được bổ nhiệm làm Tư lệnh Quân đoàn II (Vùng II chiến thuật). Đối với tướng Phú, đây không chỉ là địa bàn khó khăn mà còn là vùng lạ lẫm.
Sau chiến thắng Phước Long (tháng 1-1975), ta khẩn trương chuẩn bị cho Chiến dịch Tây Nguyên. Nhưng lúc này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jamas Schlesinger vẫn tuyên bố: “Hiện nay, tình hình ở miền Nam Việt Nam có vẻ như là Bắc Việt có thể sẽ không mở một cuộc tấn công ồ ạt, toàn quốc... mấy tháng sắp tới, chắc là ta sẽ thấy một số cao điểm về phía Bắc Việt. Chứ lúc này thì tôi không thấy có thể xảy ra một cuộc tấn công lớn, toàn quốc, với mức độ như hồi năm 1972”.
Thấy phía Hoa Kỳ giảm nhẹ tầm quan trọng của sự kiện Phước Long, Nguyễn Văn Thiệu viết thêm 2 bức thư vào các ngày 24 và 25-1-1975 nói rõ về nguy cơ sắp tới và xin thêm quân viện nhưng không được đáp ứng.
Đầu tháng 2-1975, Mặt trận Tây Nguyên tiến hành hoạt động nghi binh ngày càng mạnh ở Bắc Tây Nguyên. Bộ Tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên giao cho Gia Lai nhiệm vụ hoạt động nhử địch về Bắc Tây Nguyên. Giữa tháng 2, tướng Phú và thuộc hạ của ông ta nhận định: Nếu Quân Giải phóng đánh vào Tây Nguyên thì nơi ấy là Pleiku-đại bản doanh của Bộ Tư lệnh Quân đoàn II. Từ nhận định này, lực lượng chính yếu của Quân đoàn được bố trí tập trung ở Pleiku.
Từ trung tuần tháng 2, các lực lượng vũ trang Gia Lai triển khai áp sát vùng ven Pleiku, các quận lỵ và các trục giao thông chiến lược như đường 19, 14. Từ ngày 4 đến ngày 9-3, quân ta đánh địch trên nhiều địa điểm ở Bắc Tây Nguyên. Ngày 9-3-1975, thế chiến lược bao vây, chia cắt Buôn Ma Thuột đã được quân ta cài xong. Sư đoàn 10 đánh quận lỵ Đức Lập, căn cứ Núi Lửa, cứ điểm 22 của địch.
Trước tình hình khẩn cấp, theo lệnh tướng Phú, Liên đoàn 2 Biệt động quân của mặt trận Kon Tum được đổ bằng máy bay xuống Buôn Hồ ngay chiều 9-3. Đến 21 giờ cùng ngày, khi nhận được báo cáo Liên đoàn 21 Biệt động quân tăng cường cho mặt trận Buôn Ma Thuột đã được trực thăng bốc từ Bắc Kon Tum thả xuống Buôn Hồ, tướng Phú mới thở phào và nói một mình: “May ra thì... còn kịp!”.
Từ 1 giờ 55 phút ngày 10-3-1975, quân ta đồng loạt tiến công vào thị xã Buôn Ma Thuột. Đến 11 giờ ngày 11-3, quân ta đánh chiếm Sở Chỉ huy Sư đoàn 23 ngụy, mục tiêu cuối cùng trong thị xã này.
Theo lệnh của Tổng thống Thiệu, ngày 12-3, tướng Phú quyết định đổ quân tăng viện tái chiếm Buôn Ma Thuột. 8 giờ sáng, một lực lượng trực thăng khổng lồ gồm 46 chiếc HU1B và Chinook được sử dụng để bốc Trung đoàn 45 bộ binh và bộ phận Sư đoàn 23 từ căn cứ Hàm Rồng (Pleiku) sang Buôn Ma Thuột.
Ngày 13-3, cuộc đổ quân khổng lồ của địch bước sang ngày thứ 2. Toàn bộ các phi đoàn trực thăng ở Đà Nẵng và Cần Thơ với khoảng hơn 100 chiếc đủ loại được đưa vào phục vụ hoạt động này. Từ ngày 12 đến 18-3, quân ta đã đập tan hoàn toàn cuộc phản kích của địch, tiêu diệt toàn bộ Sư đoàn 23-đơn vị được quân đội Sài Gòn suy tôn là “Nam bình, Bắc phạt, Cao nguyên trấn”.
Ở Pleiku, ngày 14-3-1975, tin tức đầu tiên đến với tướng Phú là Liên đoàn 4 Biệt động quân phòng thủ mặt trận Nam Pleiku đêm qua bị đánh, thiệt hại khá nặng. Từ mờ sáng, phi trường Cù Hanh bị pháo kích. 9 giờ sáng, tướng Phú nhận được điện từ Văn phòng Tổng thống Thiệu triệu tập khẩn Tư lệnh Quân đoàn II xuống họp tại Cam Ranh. 9 giờ 30 phút, tướng Phú bay trên chiếc C47 từ Pleiku đi Cam Ranh.
Trong cuộc họp tại tòa Bạch Dinh (Cam Ranh) từ 11 giờ 32 phút đến 13 giờ 29 phút cùng ngày, tướng Phú được lệnh của Tổng thống Thiệu cho lực lượng quân sự của Quân đoàn II rút bỏ Pleiku và Kon Tum theo đường số 7 tạo thế bất ngờ để rút về phòng thủ và bảo vệ những tỉnh đông dân cư vùng duyên hải.
Đây là mật lệnh mà từ tỉnh trưởng kiêm tiểu khu trưởng trở xuống không được biết. Có nghĩa là các lực lượng địa phương quân, các cơ sở hành chính của 3 tỉnh Kon Tum, Pleiku, Phú Bổn vẫn tiếp tục làm việc với các tỉnh trưởng, quận trưởng như thường lệ.
Trong đêm 14 ngày 15-3, Sư đoàn 6 không quân ngụy liên tục vận chuyển số sĩ quan và gia đình họ về Nha Trang. Pleiku hỗn loạn. Sáng chủ nhật ngày 16-3, binh lính địch mới được lệnh rút khỏi thị xã.
Về phía ta, chiều 15-3, cơ quan đại diện Bộ Tổng Tư lệnh tại Mặt trận thông báo cho Bộ Tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên: “Khả năng địch rút chạy khỏi Kon Tum và Pleiku”. 19 giờ ngày 16-3, đồng chí Văn Tiến Dũng chỉ thị cho Bộ Tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên: “Địch đã rút chạy theo đường số 7, tổ chức truy kích ngay”. Đêm 16-3, lực lượng của Sư đoàn 320 đốt nứa khô soi đường, chạy bộ cùng xe cơ giới khẩn trương triển khai đội hình chiến đấu chặn đánh địch trên đường số 7.
Ngày 25-3-1975, toàn bộ Tây Nguyên được giải phóng. Đó là những khởi đầu vô cùng tốt đẹp để cuộc chiến tranh cách mạng ở miền Nam bước vào giai đoạn phát triển nhảy vọt và kết thúc thắng lợi bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đưa dân tộc ta bước sang một trang sử mới-trang sử của một dân tộc độc lập, tự do, ngày càng giàu mạnh hơn cùng với uy tín quốc tế ngày càng được nâng lên.