Không cam chịu, bà con chăm chỉ làm ăn, quyết tâm gầy dựng lại từ đầu. Những vườn hồ tiêu “chết trắng” ngày nào nay đã được phủ xanh bởi cà phê, cây ăn quả...
Thời hoàng kim của cây hồ tiêu, ông Lê Thanh Bình (thôn Lương Hà) sở hữu một cơ ngơi mà bao người mơ ước. Nhờ vườn hồ tiêu mà ông Bình xây dựng nhà cửa khang trang và sắm được ô tô để đi lại. Thế nhưng, niềm vui của gia đình không kéo dài được lâu khi từ năm 2014 đến 2016, toàn bộ diện tích hồ tiêu bị nhiễm bệnh chết hàng loạt.
“Lúc đó, gia đình tôi bỗng chốc trở thành trắng tay, lại còn ôm khoản nợ “khủng” vay từ ngân hàng để đầu tư trồng hồ tiêu. Tôi phải bán đất, ô tô để trả nợ ngân hàng cũng như trang trải cuộc sống gia đình”-ông Bình kể.

Tuy khó khăn bủa vây nhưng nhờ sự cần cù, chịu khó với quyết tâm “ngã ở đâu đứng lên ở đó”, ông Bình đã tiên phong trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Để có tiền trả lãi ngân hàng (còn nợ 1 tỷ đồng) và chi tiêu trong gia đình, ông Bình đã cải tạo diện tích hồ tiêu bị chết để trồng các loại cây ngắn ngày như ớt, khổ qua, rau màu các loại… Đồng thời, tiến hành trồng 200 cây sầu riêng-loại cây còn khá xa lạ với vùng đất này thời điểm đó. Năm 2022, vườn sầu riêng bắt đầu cho thu quả bói.
Ông Bình phấn khởi kể: “Dù chỉ cho quả bói nhưng vụ sầu riêng năm đó, gia đình tôi thu được khoảng 300 triệu đồng. Tôi mừng như trúng số độc đắc vậy. Thành công bước đầu với cây sầu riêng, tôi tiếp tục mở rộng quy mô lên khoảng 1.000 cây. Vụ sầu riêng năm vừa rồi, sau khi trừ chi phí đầu tư, gia đình thu về hơn 1,2 tỷ đồng. Không chỉ có tiền trả nợ ngân hàng mà tôi còn tích lũy để tái đầu tư”.
Gia đình ông Nguyễn Minh Ánh (thôn Thủy Phú) cũng rơi vào cảnh khốn khó khi 3.000 trụ hồ tiêu “bay màu” toàn bộ vào năm 2016. Dù bán ngôi nhà đang ở nhưng vẫn không đủ để trả nợ ngân hàng, gia đình ông cũng đã vào Bình Dương để làm công nhân, kiếm tiền trang trải cuộc sống và trả lãi ngân hàng. Tuy có đồng lương ổn định nhưng cuộc sống nơi đất khách khá bấp bênh. Năm 2020, ông Ánh quyết định quay về quê hương Ia Blứ để làm lại từ đầu. Với số vốn tích góp được, ông tiến hành cải tạo đất, trồng cà phê xen sầu riêng, hồ tiêu và trồng cỏ để nuôi dê sinh sản.
“Cuộc sống của gia đình đã ổn định hơn rất nhiều so với lúc ở Bình Dương. Ngoài thu nhập hơn 100 triệu đồng từ 300 cây cà phê, 370 trụ hồ tiêu và đàn dê hơn 30 con, tôi cũng sắm máy cày lớn để cày thuê cho các hộ dân trong vùng nhằm kiếm thêm thu nhập. Hiện tại, tôi đã trả hết nợ ngân hàng. Sắp tới, tôi tiếp tục cải tạo đất mở rộng thêm 1 ha cà phê xen hồ tiêu và sầu riêng”-ông Ánh chia sẻ.

Trao đổi với P.V, ông Hồ Hữu Ngọc-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Blứ-cho hay: Trong giai đoạn 2014-2016, hầu như toàn bộ 1.800 ha hồ tiêu của người dân trong xã bị chết hàng loạt. Cuộc sống của hàng ngàn hộ dân bỗng chốc lâm vào cảnh khốn khó, nợ nần chồng chất; nhiều người phải bỏ xứ đi làm thuê. “Lúc đó, khoảng 90% số hộ nợ ngân hàng với tổng dư nợ gần 500 tỷ đồng; khoảng 1/3 dân số bỏ quê đi làm thuê tại các tỉnh, thành trong cả nước; trong đó có 81 hộ đi cả gia đình”-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Blứ thông tin.
Để từng bước vực dậy nền kinh tế, bên cạnh việc tuyên truyền, vận động người dân quay về quê hương phát triển sản xuất, xã cũng dành nhiều nguồn lực hỗ trợ bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Trong đó, khuyến khích người dân thực hiện mô hình đa canh, đa con để có nguồn thu ổn định và hạn chế rủi ro khi độc canh một loại cây trồng như hồ tiêu trước đây. Đồng thời, hướng dẫn người dân tham gia liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, giá trị trên một đơn vị diện tích.
Phó Chủ tịch UBND xã cho biết thêm: Với các loại cây trồng chủ lực sau khi tái cơ cấu như cà phê (364 ha), cây ăn quả (sầu riêng là chủ lực với gần 150 ha), hồ tiêu (chủ yếu trồng xen trong vườn cà phê với khoảng 160 ha), các cây trồng ngắn ngày và phát triển chăn nuôi dê, bò… nền kinh tế của xã đang phục hồi mạnh mẽ. Cuối năm 2024, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 58 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều giảm còn khoảng 12%, dự kiến đến cuối năm 2025 giảm còn dưới 8,5%.