Doanh nghiệp đảm bảo an toàn vệ sinh lao động

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhờ áp dụng quy trình sản xuất 5S, xây dựng đội ngũ an toàn vệ sinh viên gắn với công tác thanh-kiểm tra, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã giảm thiểu nguy cơ xảy ra tai nạn lao động.

Áp dụng quy trình sản xuất 5S

Nhiều năm qua, Công ty cổ phần Thực phẩm dinh dưỡng NutiFood Cao Nguyên (Khu Công nghiệp Trà Đa, TP. Pleiku) đã áp dụng hiệu quả quy trình sản xuất 5S gồm: sàng lọc, sắp xếp, sạch sẽ, săn sóc và sẵn sàng.

Ông Phan Văn Thuận-Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty-cho biết: Ngoài đảm bảo sạch sẽ và an toàn, Công ty còn lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường tự động, sản xuất sữa tự động, xử lý tốt các điều kiện về môi trường cho người lao động (NLĐ) yên tâm làm việc. Ngoài ra, đối với lao động trực tiếp, Công ty thực hiện bữa ăn ca theo tháp dinh dưỡng, đảm bảo đầy đủ 4 nhóm thực phẩm, góp phần bảo đảm sức khỏe. Nhờ đó, NLĐ yên tâm làm việc và gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.

Công ty cổ phần Thực phẩm dinh dưỡng NutiFood Cao Nguyên đã áp dụng hiệu quả quy trình sản xuất 5S vào sản xuất sữa đóng hộp. Ảnh: Đinh Yến

Công ty cổ phần Thực phẩm dinh dưỡng NutiFood Cao Nguyên đã áp dụng hiệu quả quy trình sản xuất 5S vào sản xuất sữa đóng hộp. Ảnh: Đinh Yến

Tại Công ty cổ phần Chăn nuôi bò thịt-bò sữa Cao Nguyên, mỗi sáng kiến cải tiến dù nhỏ của NLĐ cũng đều được khuyến khích, xem xét tính hiệu quả để áp dụng vào thực tiễn nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ). Ông Hoàng Minh Thành-Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty-cho hay: Công ty đang đầu tư trang trại chăn nuôi bò thịt, bò sữa tại thôn Mỹ Giang, xã Đak Yă, huyện Mang Yang. Trang trại có diện tích 620 ha với quy mô hơn 11.000 con bò sữa.

“Công ty có 480 đoàn viên, NLĐ. Công tác đảm bảo ATVSLĐ luôn được quan tâm thực hiện. Ở mỗi khâu sản xuất, NLĐ nhận thấy độ an toàn không cao thì đề xuất, kiến nghị để điều chỉnh phù hợp nhằm hạn chế thấp nhất những sự cố tai nạn có thể xảy ra”-ông Thành chia sẻ.

Theo số liệu thống kê của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, toàn tỉnh hiện có 8.839 doanh nghiệp đang hoạt động với 69.595 NLĐ. Trong số đó, 25% doanh nghiệp trong tỉnh đã áp dụng 5S vào sản xuất và điều hành, quan tâm triển khai hiệu quả công tác ATVSLĐ.

Chú trọng xây dựng đội ngũ an toàn vệ sinh viên

Ông Trần Thanh Hải-Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội-cho hay: Để công tác ATVSLĐ được các doanh nghiệp quan tâm, hàng năm, Sở phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành thanh tra, kiểm tra về các nội dung như: ký kết hợp đồng lao động; các biện pháp kỹ thuật về phòng-chống độc hại, công tác chăm sóc sức khỏe, chế độ bảo hiểm cho NLĐ; đăng ký, kiểm định máy móc, thiết bị...

Cùng với đó, năm 2023, Sở đã tuyên truyền tại 212 doanh nghiệp, đơn vị với hơn 400 NLĐ và người sử dụng lao động tham gia; phối hợp cùng cơ quan, doanh nghiệp tập huấn cho gần 12.658 NLĐ. Qua đó, các vi phạm về ATVSLĐ của doanh nghiệp được phát hiện, chấn chỉnh kịp thời.

Công ty cổ phần Chăn nuôi bò thịt-bò sữa Cao Nguyên phối hợp tổ chức khám sức khỏe miễn phí cho công nhân. Ảnh: Đ.Y

Công ty cổ phần Chăn nuôi bò thịt-bò sữa Cao Nguyên phối hợp tổ chức khám sức khỏe miễn phí cho công nhân. Ảnh: Đ.Y

“Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức về bảo hộ lao động, ATVSLĐ. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức tập huấn, trong đó trọng tâm là các ngành, nghề, công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ”-Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội nhấn mạnh.

Còn Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Rơ Lan Nga thì cho biết: Những năm qua, Liên đoàn Lao động tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền về đảm bảo ATVSLĐ trong doanh nghiệp. Cùng với đó, đẩy mạnh việc thành lập, kiện toàn, xây dựng mạng lưới an toàn vệ sinh viên theo hướng tăng cường về chất lượng, hoạt động thiết thực. Đến nay, toàn tỉnh có 221 an toàn vệ sinh viên tại 73 đơn vị, doanh nghiệp. Mạng lưới an toàn vệ sinh viên được các cấp Công đoàn xây dựng đảm bảo cho việc duy trì, kiểm soát ATVSLĐ ở từng công đoạn, từng ca làm việc.

Đề cập đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Vinh-Chủ tịch Công đoàn Khu Kinh tế tỉnh-thông tin: Khu Công nghiệp Trà Đa có 27 doanh nghiệp hoạt động với hơn 2.000 lao động. Những năm qua, Công đoàn đã tích cực tham gia với chính quyền, ngành chuyên môn và chủ sử dụng lao động đẩy mạnh tuyên truyền công tác ATVSLĐ. Trong đó, chú trọng tuyên truyền các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ. Qua khám sức khỏe để các doanh nghiệp có hướng sắp xếp lại lao động phù hợp và có giải pháp ngăn chặn những yếu tố độc hại ảnh hưởng sức khỏe NLĐ.

Đồng thời, vận động các doanh nghiệp thực hiện tốt việc trang bị, cấp phương tiện bảo vệ cá nhân, tổ chức bồi dưỡng bằng hiện vật cho NLĐ làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm... Đặc biệt, đội ngũ an toàn vệ sinh viên tại các doanh nghiệp đã giúp cho công tác đảm bảo ATVSLĐ được thực hiện hiệu quả hơn, giảm thiểu rủi ro, tai nạn, nâng cao hiệu quả, năng suất lao động.

Có thể bạn quan tâm

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

(GLO)- Nhờ tích cực hỗ trợ về sinh kế, xây dựng nhà ở và các chương trình hỗ trợ thiết thực khác đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố Pleiku giảm còn 0,12%, vượt 0,04% so với chỉ tiêu giảm nghèo năm 2024 mà UBND tỉnh giao (kế hoạch giao 0,16%).

Sau khi được hỗ trợ làm nhà, gia đình anh Đàm Văn Kim (thôn 4, xã Ia Vê) yên tâm phát triển kinh tế và đã thoát nghèo. Ảnh: L.N

Chư Prông hỗ trợ hộ nghèo an cư

(GLO)- Triển khai Dự án 1 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) đã xây dựng hàng trăm căn nhà giúp hộ nghèo “an cư lạc nghiệp”.