(GLO)- Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai và ngành chức năng đang tích cực chỉ đạo các chủ đầu tư từ nay tới cuối năm tập trung đẩy mạnh công tác thực hiện và giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, tránh để mất vốn.
Theo kế hoạch năm 2019, tổng vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh là 3.092,2 tỷ đồng. Tính đến ngày 30-9, khối lượng thực hiện toàn tỉnh là khoảng 1.823,3 tỷ đồng, đạt 59% kế hoạch; khối lượng giải ngân khoảng 1.895 tỷ đồng, đạt 61,3% kế hoạch. Toàn tỉnh có 28 chủ đầu tư đạt tỷ lệ giải ngân trên 60% (gồm 15 chủ đầu tư là các huyện, thị xã và 13 chủ đầu tư lẻ), 8 chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân dưới 60% (gồm: TP. Pleiku 52,2%, thị xã Ayun Pa 53,9%, Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng các công trình giao thông tỉnh 49,1%, Sở Tài nguyên và Môi trường 15,3%, Sở Nông nghiệp và PTNT 18,7%, Sở Y tế 34,9%, Bệnh viện Đa khoa tỉnh 58,6%, Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh 42,4%).
Trường Tiểu học và THCS Lê Hồng Phong (xã Ya Ma, huyện Kông Chro) đang được triển khai thi công. Ảnh: H.D |
Đối với các dự án khởi công mới, hầu hết đều có tiến độ thi công nhanh hơn so với cùng kỳ năm 2018 và khối lượng giải ngân trên 60%, chỉ còn dự án thí điểm lắp đặt hệ thống chiếu sáng công cộng sử dụng năng lượng mặt trời cho các tuyến đường TP. Pleiku có tỷ lệ giải ngân dưới 60%. Với các dự án chuyển tiếp, còn một số dự án có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 60% hoặc chưa giải ngân như: dự án chỉnh trang đô thị TP. Pleiku (tổng mức đầu tư 100 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách địa phương, tỷ lệ giải ngân đạt 30%), dự án đường nội thị TP. Pleiku (tổng mức đầu tư 207 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách trung ương do UBND TP. Pleiku làm chủ đầu tư, hiện chưa giải ngân), dự án đường nội thị Ayun Pa (tổng mức đầu tư 45 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách địa phương do UBND thị xã Ayun Pa làm chủ đầu tư, hiện mới giải ngân được 27%), dự án đường liên xã huyện Ia Grai (tổng mức đầu tư 50 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách địa phương do UBND huyện Ia Grai làm chủ đầu tư, hiện tỷ lệ giải ngân chỉ đạt gần 30%)...
Nhìn chung, tiến độ thực hiện và giải ngân các nguồn vốn xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh vẫn còn quá chậm. Lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, ông Hồ Phước Thành-Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư-cho biết: “Trong công tác chuẩn bị đầu tư, một số dự án khởi công mới thiết kế bước 2 còn chậm, công tác đền bù giải phóng mặt bằng một số dự án còn vướng mắc, chưa nhận được sự đồng thuận của người dân có tài sản trong vùng dự án. Các dự án Trung ương đầu tư cho các chương trình mục tiêu bố trí vốn hàng năm còn thấp, dẫn đến vốn dồn lại năm cuối khá cao, chiếm đến 30-40% vốn phải bố trí. Bên cạnh đó, theo quy định tại Nghị định số 161/2016/NĐ-CP của Chính phủ, UBND tỉnh phải phê duyệt chủ trương đầu tư toàn bộ danh mục dự án, không phê duyệt từng dự án riêng lẻ, trong khi đó các dự án cấp xã làm chủ đầu tư triển khai chưa kịp thời, ảnh hưởng đến tiến độ phê duyệt chủ trương đầu tư”.
Nâng cấp, mở rộng quốc lộ 25, đoạn qua xã Hbông (huyện Chư Sê). Ảnh: Đ.T |
Cũng theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, đối với các dự án sử dụng vốn ODA, một trong những nguyên nhân ảnh hưởng tới tiến độ giải ngân là sau khi giao kế hoạch vốn 2019, các hoạt động triển khai trong năm phải thông qua nhà tài trợ xem xét, cho ý kiến trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch thực hiện. Ngoài ra, trong hoạt động đấu thầu, đơn vị thực hiện dự án vừa phải đảm bảo các yêu cầu của nhà tài trợ vừa phải tuân thủ các quy định đấu thầu của Chính phủ nên một số trường hợp mất nhiều thời gian để triển khai dự án, vì vậy việc giải ngân vốn rất chậm. Một số dự án đã được ký hiệp định vay vốn và bổ sung hiệp định dự án từ năm 2017 nhưng đến nay vẫn chưa có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 nên không thể triển khai.
Chỉ còn gần 3 tháng nữa để tỉnh ta hoàn thành kế hoạch đầu tư công năm 2019. Theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành, từ nay tới cuối năm, chủ đầu tư và đơn vị thi công phải quyết liệt triển khai giải pháp nhằm thúc đẩy tiến độ thực hiện và giải ngân. Theo đó, đối với các dự án khởi công mới, các chủ đầu tư và nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân đến tháng 11 phải đạt trên 80%. Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng đã kiến nghị UBND tỉnh có hình thức kiểm điểm, nhắc nhở đối với các chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân tổng thể và có dự án giải ngân dưới 60%. Riêng đối với các dự án có tỷ lệ giải ngân dưới 60%, ngoài việc kiểm điểm các chủ đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo đưa vào danh mục các dự án thực hiện kiểm tra, giám sát, báo cáo hàng tuần để đôn đốc thực hiện.
HÀ DUY