Đấu giá gỗ, 10 năm chưa đòi được tiền

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Năm 2008, các Ban Quản lý Rừng phòng hộ: Ayun Pa, Ia Meur và Ia Púch (thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT Gia Lai ) tổ chức bán đấu giá gỗ tại các dự án trồng cao su. Khi bán gỗ xong, các Ban Quản lý không thu tiền ngay, trong khi các đơn vị trúng thầu lại không chịu nộp. Hệ quả là đến nay, số tiền bán đấu giá gỗ hàng tỷ đồng vẫn chưa thu được để nộp vào ngân sách nhà nước. Đáng nói là, nhiều doanh nghiệp nợ tiền mua gỗ hiện không còn tài sản để thi hành án.
 Trụ sở Công ty TNHH một thành viên Minh Thành đã đóng cửa, cỏ mọc um tùm. Ảnh: C.H
Trụ sở Công ty TNHH một thành viên Minh Thành đã đóng cửa, cỏ mọc um tùm. Ảnh: Chí Hào
Cụ thể, Công ty TNHH một thành viên Minh Thành (xã Ia Dêr, huyện Ia Grai) trúng thầu dự án đấu giá gỗ của Ban Quản lý Rừng phòng hộ Ia Meur còn nợ hơn 3,6 tỷ đồng. Ban Quản lý Rừng phòng hộ Ia Meur đã khởi kiện ra tòa, yêu cầu Công ty Minh Thành thực hiện nghĩa vụ tài chính. Theo Cục Thi hành án Dân sự tỉnh, vào ngày 10-8-2016, Chi cục Thi hành án Dân sự huyện Ia Grai và UBND xã Ia Dêr đã đến trụ sở Công ty Minh Thành xác minh thực tế thì thấy công ty này đã ngừng hoạt động từ lâu, xưởng gỗ bỏ hoang, cỏ mọc um tùm, bên trong không còn tài sản có giá trị. Hiện tại, Công ty Minh Thành không có bất kỳ tài sản, thu nhập gì để đảm bảo việc thi hành án. 
Tương tự, Công ty TNHH Đức Thịnh (xã Phú An, huyện Đak Pơ) hiện còn nợ Ban Quản lý Rừng phòng hộ Ia Púch số tiền 1,855 tỷ đồng. Ngoài Công ty Đức Thịnh thì Xí nghiệp kinh doanh tổng hợp Đức Thiện (tỉnh Kon Tum) cũng còn nợ Ban Quản lý Rừng phòng hộ Ia Púch hơn 827 triệu đồng tiền đấu giá gỗ. Ngày 5-5-2016, Chi cục Thi hành án Dân sự huyện Đak Pơ đã tiến hành lập biên bản thi hành án đối với Công ty TNHH Đức Thịnh. Tại đây, ông Trần Duy Cúc-người đại diện pháp luật của Công ty-cho biết, đơn vị làm ăn thua lỗ nhiều năm, toàn bộ tài sản đã thế chấp tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển-Chi nhánh Gia Lai. Toàn bộ tài sản của Công ty đã bị kê biên và ngân hàng đã nhận toàn bộ tài sản của Công ty để trừ tiền thi hành án. Hiện tại, Chi cục Thi hành án Dân sự huyện Đak Pơ đã ban hành quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án đối với Công ty TNHH Đức Thịnh. Riêng trường hợp Xí nghiệp kinh doanh tổng hợp Đức Thiện, ngày 3-8-2018, Cục Thi hành án Dân sự tỉnh đã có công văn đề nghị Cục Thi hành án Dân sự tỉnh Kon Tum chỉ đạo Chi cục Thi hành án Dân sự TP. Kon Tum có văn bản thông báo kết quả thi hành án. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Cục Thi hành án Dân sự tỉnh chưa nhận được văn bản trả lời của Cục Thi hành án Dân sự tỉnh Kon Tum.
Trường hợp Công ty TNHH Cường Thịnh Phát (52 Trần Nhân Tông, TP. Pleiku) còn nợ tiền đấu giá gỗ của Ban Quản lý Rừng phòng hộ Ayun Pa hơn 487 triệu đồng. Quá trình kiểm tra, chấp hành viên chưa xác định được tài sản, thu nhập của công ty này để tổ chức thi hành án. Ngày 21-6-2017, Công ty TNHH Cường Thịnh Phát đã nộp trả nợ cho Ban Quản lý Rừng phòng hộ Ayun Pa 20 triệu đồng. Đối với số tiền Công ty TNHH Cường Thịnh Phát còn nợ, Chi cục Thi hành án Dân sự TP. Pleiku đang tiếp tục đôn đốc, xác minh để giải quyết theo quy định.
Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại về việc tại sao tổ chức đấu giá gỗ nhưng không thu tiền ngay, ông Nay Rcom Jem-Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Ayun Pa-cho biết: “Việc đấu giá thuộc về trách nhiệm của Trưởng ban trước đây, tôi về sau nên không rõ. Tôi cũng bị kỷ luật khiển trách vì tiếp nhận công việc nhưng không xúc tiến thu hồi được nợ”.
Liên quan đến vụ việc trên, Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, việc 3 Ban Quản lý Rừng phòng hộ bán đấu giá gỗ nhưng chậm thu tiền đã được Thanh tra Chính phủ đề cập tại kết luận thanh tra năm 2014. Về vấn đề này, ngày 3-7-2018, Sở Nông nghiệp và PTNT đã báo cáo UBND tỉnh về kết quả thực hiện kiến nghị của Thanh tra Chính phủ, trong đó có đề cập việc kiểm điểm, xử lý cán bộ, công chức, viên chức liên quan vào thời điểm đó. Cụ thể, đối với Ban Quản lý Rừng phòng hộ Ayun Pa, kỷ luật với hình thức khiển trách ông Nay Rcom Jem-Trưởng ban cùng 4 người khác là viên chức và kế toán. Đối với Ban Quản lý Rừng phòng hộ Ia Meur, kỷ luật với hình thức cách chức ông Trần Văn Lạc-Trưởng ban và cảnh cáo ông Trần Văn Thưởng-Phó Trưởng ban. Đối với Ban Quản lý Rừng phòng hộ Ia Púch, kỷ luật với hình thức cảnh cáo bà Nguyễn Thị Hương-nguyên Trưởng ban và khiển trách ông Nguyễn Quốc Toản-nguyên Phó Trưởng ban. Ngoài ra, đối với Hạt Kiểm lâm huyện Chư Prông, Chi cục Kiểm lâm tỉnh cũng thi hành kỷ luật với hình thức cách chức ông Nguyễn Văn Cường-nguyên Hạt trưởng; cảnh cáo ông Châu Văn Chữ-Phó Hạt trưởng; 2 người còn lại là kiểm lâm viên địa bàn và công chức kiểm thu bị kỷ luật với hình thức khiển trách.
Chí Hào

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.