Dấu ấn người lính thời bình - Kỳ cuối: Chung sức xây dựng nông thôn mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), diện mạo nông thôn của tỉnh đã có sự thay đổi rõ rệt. Đặc biệt, từ chủ trương đúng đắn của Tỉnh ủy, sự quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự đồng thuận của nhân dân và sự chung sức của các đơn vị quân đội đã xây dựng thành công nhiều làng NTM trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).
Chuyện từ những ngôi làng
Những ngày cuối năm, chúng tôi có dịp quay trở lại một số ngôi làng đồng bào DTTS tại các huyện Ia Pa, Phú Thiện và không khỏi ngạc nhiên bởi sự thay đổi đến ngỡ ngàng. Những con đường đất đều đã được bê tông hóa, cứng hóa. Những ngôi nhà lộn xộn, không cổng, không hàng rào, không phân chia địa giới trước đây đã được bố trí gọn gàng, sạch sẽ, có hàng rào lưới B40, nhiều nhà còn được bao quanh bởi những vườn hoa rực rỡ... Ông Đinh Xoan-Trưởng thôn Bi Yông (xã Pờ Tó, huyện Ia Pa) khoe, người dân trong làng ai cũng phấn khởi vì sau khi sắp xếp lại dân cư, điều kiện sống của bà con tốt hơn trước rất nhiều. Đường sá đi lại thuận lợi, hệ thống điện, nước đáp ứng nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của người dân; 100% hộ dân trong làng đã xây dựng nhà tiêu, nhà tắm hợp vệ sinh. Đặc biệt, tập quán sinh hoạt của người dân cũng đã có nhiều thay đổi. Nhiều hộ đã di dời chuồng trại gia súc, gia cầm ra phía sau nhà và trồng rau xanh trong vườn để ăn thay vì bỏ đất trống như trước. Theo ông Xoan, có được thay đổi ấy là nhờ sự quan tâm của các cấp, các ngành, đặc biệt là sự giúp đỡ nhiệt tình của các đơn vị quân đội. Các cán bộ, chiến sĩ đã không ngại nắng mưa, khó khăn, thiếu thốn cùng ăn, cùng ở và cùng chung sức “gánh” những ngôi nhà nặng cả tấn về vị trí mới.
 Bộ đội tham gia di dời nhà rông ở xã Chư Đang Ya (huyện Chư Pah). Ảnh: P.D
Bộ đội tham gia di dời nhà rông ở xã Chư Đang Ya (huyện Chư Pah). Ảnh: P.D
Mặc dù tuổi cao, sức yếu song trong suốt thời gian bộ đội về làng giúp dân di dời, sắp xếp lại nhà cửa, già làng Đinh Chêh (làng Trớ, xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện) luôn đồng hành. Phần vì già muốn động viên tinh thần và cảm ơn những người lính đã nhiệt tình giúp đỡ dân làng; phần khác, già cũng muốn chứng kiến tất cả những đổi thay, dù là nhỏ nhất ở ngôi làng mà mình đã gắn bó cả cuộc đời. Già Chêh bộc bạch: “Bộ đội Cụ Hồ rất tuyệt vời! Có những ngôi nhà sàn to, dài, mình không tin có thể di dời nhưng rồi đều được thực hiện an toàn. Nhờ có bộ đội, làng mình giờ rộng rãi, gọn gàng hơn, người dân cũng biết làm vườn, làm chuồng trại nuôi nhốt gia súc”.  
Không chỉ thay đổi diện mạo nông thôn, nhận thức của người dân ở các làng DTTS cũng có nhiều chuyển biến bắt nguồn từ quá trình triển khai Chỉ thị số 12-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp về xây dựng làng NTM trong đồng bào DTTS”. Để cụ thể hóa chỉ thị này, các đơn vị quân đội đã tổ chức hàng ngàn lượt cán bộ, chiến sĩ hành quân về các làng vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn giúp dân ổn định cuộc sống. Cùng với việc di dời, sắp xếp, bố trí nhà ở dân cư theo quy định của địa phương, các đơn vị còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, xóa bỏ các tập tục lạc hậu, làm chuồng trại chăn nuôi tách ra khỏi nhà ở, xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh... Mặc dù chưa có con số thống kê chính thức về ngày công tham gia của các đơn vị, song rõ ràng vai trò của những người lính là không hề nhỏ. Họ đã góp phần xây dựng thành công các làng NTM trong đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh.
Xúc động trước sự giúp đỡ của các đơn vị lực lượng vũ trang đối với địa phương, ông Rơ Chăm La Ni-Chủ tịch UBND huyện Phú Thiện-cho biết: “Các đơn vị quân đội trên địa bàn tỉnh đã giúp rất nhiều trong việc hoàn thành quy hoạch lại 4 làng: Trớ, Hek, Pông, Pêng (xã Chư A Thai). Trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, nơi ăn ở, sinh hoạt còn nhiều khó khăn, song bằng tinh thần, trách nhiệm cao, các đơn vị đã tham gia di chuyển hàng trăm ngôi nhà ở, nhà kho, làm hàng rào B40, vườn rau, chuồng trại nuôi nhốt gia súc... giúp người dân nhanh chóng ổn định cuộc sống”.
Thắm tình quân dân
Tiếp tục hưởng ứng phong trào “Quân đội chung sức xây dựng NTM” giai đoạn 2017-2020, 16 đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn tỉnh đã tham gia xây dựng NTM tại 35 xã, trong đó có 17 xã đặc biệt khó khăn của tỉnh. Theo đó, các đơn vị đã tập trung lãnh đạo, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện việc “chung sức” đến từng đơn vị trực thuộc, trong đó chú trọng phát huy tốt nội lực và huy động sức mạnh tổng hợp từ nguồn lực bên ngoài trong thực hiện phong trào. Đồng thời, các đơn vị chủ động phối hợp với địa phương rà soát những hạng mục của các tiêu chí được phân công, xác định nội dung công việc, hình thức, phương pháp cách làm phù hợp với khả năng để vừa làm tốt nhiệm vụ huấn luyện, diễn tập, sẵn sàng chiến đấu vừa tích cực tham gia xây dựng NTM kết hợp làm tốt công tác dân vận, vận động quần chúng, góp phần xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết quân dân.
Lực lượng vũ trang huyện Phú Thiện hướng dẫn người dân làm hàng rào, vườn rau. Ảnh: Anh Huy
Lực lượng vũ trang huyện Phú Thiện hướng dẫn người dân làm hàng rào, vườn rau. Ảnh: Anh Huy

Từ năm 2010 đến nay, các đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn tỉnh đã tham gia làm 131,1 km đường giao thông; sửa chữa 7 trường học, xây mới 1 nhà trẻ, 1 phòng học và 1 nhà văn hóa thôn; hỗ trợ 3 công trình cấp nước sạch; làm mới 24,5 km đường điện phục vụ dân sinh; xây mới 148 nhà ở và sửa chữa 111 nhà ở cho các hộ nghèo, hộ chính sách; hỗ trợ ngày công khai hoang ruộng, làm đất để trồng trọt, sửa chữa chuồng trại chăn nuôi, di dời nhà ở tại các làng xây dựng NTM...
Với tinh thần giúp những gì địa phương cần và phù hợp với điều kiện thực tiễn của đơn vị, Trung đoàn 48 (Sư đoàn 320, Quân đoàn 3) đã chủ động phối hợp với địa phương xác định nội dung, chương trình thực hiện theo từng giai đoạn, từng năm để hoàn thành các mục tiêu, tiêu chí. Cùng với đó, đơn vị cũng quán triệt, giao nhiệm vụ chặt chẽ đến từng cán bộ, chiến sĩ tham gia. Trung tá Đinh Ngọc Tới-Phó Chính ủy Trung đoàn-cho biết: Giai đoạn 2013-2019, đơn vị đã hỗ trợ hàng ngàn ngày công xây dựng 44 căn nhà chính sách, 3 hội trường thôn, di dời 69 căn nhà, làm 12 vườn rau mẫu, 56 nhà vệ sinh, làm hàng chục ki lô mét đường giao thông...
Sau khi phối hợp giúp xã Bàu Cạn (huyện Chư Prông) về đích NTM, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đang tiếp tục giúp xã Sơ Pai và Krong (huyện Kbang) xây dựng NTM. Đại tá Phạm Mạnh Hùng-Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh-cho biết: Ngoài lực lượng thường trực, các đơn vị trực thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cũng đã huy động lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên tham gia hàng ngàn ngày công để xây dựng NTM, làm dân vận và khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Từ năm 2011 đến nay, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã trực tiếp tham gia làm mới trên 57 km đường giao thông nông thôn; tu sửa, nạo vét hơn 55 km kênh mương thủy lợi; giúp nhân dân thu hoạch trên 1.500 ha hoa màu; xây dựng 40 căn nhà tình nghĩa cho các gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn; xóa trên 200 nhà tạm cho hộ nghèo; trồng rừng, trồng cao su, khai hoang phục hóa hơn 42 ha... Bằng những việc làm thiết thực, những người lính đã và đang viết tiếp những câu chuyện đẹp về tình đoàn kết gắn bó quân dân.
Mới đây, tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM và phong trào thi đua “Gia Lai chung sức xây dựng NTM” giai đoạn 2010-2020, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành khẳng định: “Các đơn vị quân đội đã gắn bó rất chặt chẽ và tham gia rất tích cực đối với phong trào xây dựng NTM, đặc biệt là ở xã vùng sâu, vùng xa. Ở những làng đặc biệt khó khăn thuộc các huyện: Phú Thiện, Kông Chro, Ia Pa... đều có bàn tay của lực lượng vũ trang. Các lực lượng đã tham gia di dời nhà, làm đường giao thông nông thôn, xây dựng cánh đồng sản xuất, hỗ trợ đời sống nhân dân... đóng góp nhiều công sức cho phong trào”. Chủ tịch UBND tỉnh cũng mong muốn, thời gian tới, các phong trào chung sức xây dựng NTM sẽ được nhân lên và ngày càng đi vào chiều sâu. Các đơn vị quân đội tiếp tục phát huy phong trào “Quân đội chung tay xây dựng NTM” với quyết tâm cao hơn, tập trung ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS còn nhiều khó khăn.
 VĨNH HOÀNG-PHƯƠNG DUNG

Có thể bạn quan tâm

Đồn Biên phòng Ia O "thực túc, binh cường"

Đồn Biên phòng Ia O "thực túc, binh cường"

(GLO)- Đồn Biên phòng Ia O (huyện Ia Grai) được đánh giá là một những điển hình về tăng gia sản xuất trong lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh. Nhờ tăng gia sản xuất hiệu quả, đơn vị đã nâng cao chất lượng bữa ăn hàng ngày cho bộ đội, đảm bảo quân số khỏe phục vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.
An Khê xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện

An Khê xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện

(GLO)- Thời gian qua, Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) thị xã An Khê chủ động tham mưu giúp Thị ủy, UBND thị xã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương và làm tốt công tác dân vận, xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tuyển chọn công dân nhập ngũ: Công khai, minh bạch từ cơ sở

Tuyển chọn công dân nhập ngũ: Công khai, minh bạch từ cơ sở

(GLO)- Theo kế hoạch, năm 2023, toàn tỉnh sẽ giao 2.650 công dân cho các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Quân khu 5, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Để thực hiện tốt nhiệm vụ, Hội đồng Nghĩa vụ quân sự (NVQS) các cấp đã triển khai chặt chẽ các khâu, các bước, nhất là khám sức khỏe với phương châm “tuyển người nào chắc người đó“.
Pleiku tổng kết 10 năm thực hiện "Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới"

Pleiku tổng kết 10 năm thực hiện "Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới"

(GLO)- Ngày 29-11, Thành ủy Pleiku tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới“. Đồng chí Trịnh Duy Thuân-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố cùng các đồng chí Thường trực Thành ủy Pleiku đồng chủ trì hội nghị.