Đất lành chim đậu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Giữa thập niên 80 của thế kỷ trước, tôi từng làm trưởng đoàn công tác về các làng thuộc xã Ia Lâu, Ia Mơr của huyện biên giới Chư Prông. Ngày ấy, vùng biên giới còn rất hoang vu, heo hắt. Đường vào làng là những lối mòn xuyên rừng khộp hun hút. Đi bộ xuyên rừng như vậy tầm 50 km mới gặp bóng dáng của làng.

Rừng khộp là một kiểu rừng đặc trưng trên đất trắng, đất cằn sỏi đá và khô; mùa khô cả cánh rừng trơ khấc. Rừng khộp còn là tập hợp của những loại cây chống chịu được sự khắc nghiệt, nhiều nhất là các cây họ dầu, gồm dầu nước, dầu trà beng, dầu lông, dầu đồng… Ngoài ra, còn các cây họ đậu như cà chít, hương, trắc, cà te, lim xẹt… và một số loại khác như bằng lăng cườm, bằng lăng trắng, bằng lăng tím, kơ nia, mã tiền.

Cây rừng thường mọc trên các triền đất nghèo thoai thoải hoặc các triền núi dốc trơ sỏi đá, khó có loài cây khác mọc được. Ven bãi thấp có hàng trăm loài cây phụ như le, đùng đình, thiên tuế... Trên cây rừng khộp cổ thụ thường mọc các loại phong lan rừng với muôn vàn hương sắc.

Rừng khộp cũng có khá nhiều loài động vật sinh sống như: mang, cheo, heo rừng, thỏ rừng, tắc kè, kỳ đà, công, phượng hoàng đất, đại bàng vàng… Dưới mặt đất, mùa mưa mọc đầy nấm mối. Trong rừng khộp có một loại cây dầu lá to gọi là dầu đồng, người Tây Nguyên dùng để gói cơm đi rẫy, gói thịt chia phần, gói cá thịt nướng, đựng món bột khuấy đặc anhăm kte. Khi làng có việc đại sự, bà con thường phân công thành các nhóm: kiếm củi, gùi nước, hái rau rừng và có một nhóm vào rừng khộp để hái lá cây dầu về làm vật dụng.

Người dân xã Ia Mơr (huyện Chư Prông) xuống đồng làm cỏ cho lúa nước. Ảnh: Anh Huy

Người dân xã Ia Mơr (huyện Chư Prông) xuống đồng làm cỏ cho lúa nước. Ảnh: Anh Huy

Mùa mưa, rừng khộp như tái sinh, như đua nhau nảy nở tưng bừng. Mặt đất trải một thảm cỏ xanh miên man ngút tầm mắt. Dưới tàng cây rừng, thả bước trên thảm cỏ mướt mát, lòng cứ ngẩn ngơ. Thấp thoáng những nhành phong lan bám vào thân cổ thụ mà thơm mà vàng mà tím…

Giữa bát ngát màu xanh của rừng, thỉnh thoảng có những đám đất thấp xuống, mùa mưa ngập tràn nước. Cỏ lông mọc kín bãi nước, xung quanh là những bụi le bắt đầu nhú măng. Mang theo chiếc gùi nhỏ thập thững trong rừng mưa, đến giáp mé nước, thoáng một lúc đã bẻ đầy gùi măng. Có hôm may mắn thì nhặt được ổ nấm mối. Nấm ủ thầm trong đám lá mục, đám cành khô mối xông, chờ cơn mưa là đùn lên mơn mởn. Những cây nấm mối mọc trong đêm mưa trồi lên như ngón tay cái, mũ tròn vo, màu đen xám. Thỉnh thoảng có đám nấm màu vàng, màu trắng trông rất hấp dẫn. Đó là món ngon của rừng khộp. Nấm rừng tự nhiên, xào, nấu canh đơn giản mà ngon mà ngọt, đầy hương vị của trời đất.

Vùng đất này có 2 con suối Nước Trong và Nước Đục. Mùa mưa, suối Nước Đục cuồn cuộn tràn bờ hàng tháng trời. Để qua suối, người dân thường đốn cho cây ngã đổ gác qua đôi bờ để làm cái cầu “độc mộc” mà đi. Lúc cao điểm, Phòng Thương nghiệp huyện phải điều voi về đưa dân qua suối mà thông thương với huyện với tỉnh.

Mùa mưa năm 1985, vì ở thế cô lập, vùng đất này đã bị bọn FULRO từ bên kia biên giới xâm nhập quấy phá, lôi kéo, bắt dân, gây nên án mạng… Mặc dù các làng vùng biên xưa kia hầu hết là những làng kháng chiến, bà con theo bộ đội, du kích đi hết rừng này núi nọ sản xuất nuôi quân. Đến lúc ngỡ như yên bình lại gặp họa. Sau những sự cố chấn động ấy, cùng với những dự án định canh định cư của Nhà nước, lực lượng Quân đội, Công an cũng đã vào cuộc để ổn định trật tự an ninh, yên dân, hỗ trợ Nhân dân sản xuất phát triển nâng cao đời sống. Trung đoàn 710 đến với người và đất vùng biên trong hoàn cảnh như vậy.

Bây giờ, đường vào vùng biên Ia Lâu, Ia Mơr đã rải nhựa băng băng, bắc qua con suối Nước Đục là chiếc cầu bê tông cốt thép vững chãi, bề thế. Vùng Ia Mơr đã thành vựa lúa được tưới chủ động bởi công trình hồ thủy lợi Ia Mơr mênh mông nước. Kế đó những rừng cao su 2.400 ha xanh tốt đã phủ một màu no ấm lên vùng đất biên cương.

Theo thông tin tôi có được từ những người lính của Trung đoàn 710, địa bàn của Trung đoàn hiện trải khắp 5 xã của huyện Chư Prông gồm: Ia Lâu, Ia Mơr, Ia Piơr, Ia Ga, Ia Boòng, tính về diện tích bằng nửa tỉnh Bắc Ninh, với hơn 30 cây số đường biên với nước bạn. Có 36 cặp hộ liên kết giữa công nhân đơn vị với dân cư các làng dân tộc thiểu số giúp nhau trong sản xuất và đời sống. Ngoài ra, đơn vị còn hỗ trợ dân cư trên địa bàn công tác khuyến nông, hỗ trợ giống điều, giống bò để giúp dân sản xuất nâng cao đời sống.

Theo như ý kiến của một số nhà nông học, vùng đất Gia Lai, khu vực quanh Pleiku là đỉnh cao với tập hợp hàng chục miệng núi lửa cổ, ở đó được phủ tầng tầng lớp lớp dung nham, với sự dồi dào khoáng thạch, phù hợp cho sự sinh trưởng phát triển các loại cây trồng. Càng về nơi biên giới, càng xa vùng núi lửa cổ, dinh dưỡng trong đất càng nghèo, đất hóa trắng khô cằn, ít thích hợp cho canh tác. Ấy thế mà, sau mấy chục năm, vùng đất này đã hoàn toàn đổi khác, xanh tươi, mướt mát và ngày càng no ấm.

Cổ nhân có câu: “Đất lành chim đậu”! Đến vùng biên viễn Ia Lâu, Ia Mơr sau mấy mươi năm, tôi nhận thấy đất này đã là mảnh đất an lành! Đất của tình quân dân đầm ấm thân thương!

Có thể bạn quan tâm

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

(GLO)- Nhờ tích cực hỗ trợ về sinh kế, xây dựng nhà ở và các chương trình hỗ trợ thiết thực khác đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố Pleiku giảm còn 0,12%, vượt 0,04% so với chỉ tiêu giảm nghèo năm 2024 mà UBND tỉnh giao (kế hoạch giao 0,16%).

Sau khi được hỗ trợ làm nhà, gia đình anh Đàm Văn Kim (thôn 4, xã Ia Vê) yên tâm phát triển kinh tế và đã thoát nghèo. Ảnh: L.N

Chư Prông hỗ trợ hộ nghèo an cư

(GLO)- Triển khai Dự án 1 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) đã xây dựng hàng trăm căn nhà giúp hộ nghèo “an cư lạc nghiệp”.

Gia Lai rộn ràng mùa thu hoạch cà phê

Gia Lai rộn ràng mùa thu hoạch cà phê

(GLO)- Thời điểm này, nông dân các huyện phía Tây tỉnh Gia Lai đang nhộn nhịp thu hoạch cà phê niên vụ 2024-2025. Đây cũng là lúc hàng ngàn người lao động từ khắp nơi trong và ngoài tỉnh đổ về các địa phương nhận khoán vườn cây cùng thu hái để kiếm thêm thu nhập, chuẩn bị cho một cái Tết đủ đầy.

Khoảng lặng ở Tây Hồ

Khoảng lặng thôn Tây Hồ

(GLO)- Khoảng lặng chúng tôi muốn nói đến chính là cuộc sống của những người từng mắc bệnh phong, sống lặng lẽ ở xóm cùi thuộc thôn Tây Hồ (xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai).

Khởi sắc những vùng quê nông thôn mới

Khởi sắc những vùng quê nông thôn mới

(GLO)-Với việc huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc tuyên truyền, huy động nguồn lực thực hiện, đến nay, nhiều xã trên địa bàn tỉnh đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Bên cạnh diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc, đời sống của người dân tại các xã nông thôn mới cũng được nâng lên rõ rệt.

Xã Gào đẩy mạnh truyền thông giảm nghèo

Xã Gào đẩy mạnh truyền thông giảm nghèo

(GLO)- Bên cạnh phát huy hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước, thời gian qua, xã Gào (TP. Pleiku) đã đẩy mạnh công tác truyền thông giảm nghèo bằng nhiều hình thức. Qua đó, góp phần thay đổi nếp nghĩ, cách làm, nâng cao thu nhập của người dân và giảm nghèo bền vững.