Dân làng Kách phấn khởi vì có công trình nước sạch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sáng sớm 19-6, làng Kách (xã Ia Khươl, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) đã rộn ràng như ngày hội. Bà con mặc trang phục thật đẹp để tham gia lễ bàn giao công trình giọt nước tại làng. Công trình được xây dựng từ kinh phí gần 95 triệu đồng do Mạnh Thường Quân hỗ trợ cùng sự đóng góp ngày công của dân làng.
Lâu lắm rồi, già làng Siu Phum mới vui như thế. Xây dựng được công trình giọt nước kiên cố, sạch đẹp không chỉ là ước mơ của ông mà còn là của người dân làng Kách. Giọt nước được xây dựng gần khu dân cư, thuận lợi cho người dân trong sinh hoạt hàng ngày. Công trình gồm các hạng mục: giọt nước nam, nữ; nhà tắm nam, nữ; đường bê tông đi lại. Già Phum kể: “Trước đây, người dân đi lấy nước rất vất vả. Đường đi chỉ vài chục mét nhưng toàn đất đỏ, đồi dốc, đặc biệt khó đi vào mùa mưa. Không ít người bị ngã trong quá trình gùi cõng nước về nhà. Nay được các Mạnh Thường Quân hỗ trợ xây dựng giọt nước, bà con mừng lắm. Cảm ơn mọi người đã giúp dân làng”.
Người dân làng Kách vui mừng khi công trình giọt nước được bàn giao đưa vào sử dụng. Ảnh: Như Nguyện
Người dân làng Kách vui mừng khi công trình giọt nước được bàn giao đưa vào sử dụng. Ảnh: Như Nguyện
Mừng giọt nước mới, chị Siu Huy và phụ nữ trong làng vận trang phục truyền thống của người Jrai để tham gia trình diễn cồng chiêng, múa xoang. Chị vui vẻ cho biết: “Mình và người dân trong làng rất mừng khi có công trình giọt nước kiên cố. Dân làng mình bao đời nay vẫn dùng nước giọt phục vụ ăn uống, vệ sinh cá nhân. Giọt nước có 2 nhà tắm nam-nữ riêng biệt, kín đáo, mọi người rất thích. Bà con bảo nhau giữ gìn để công trình sử dụng bền lâu”.
Tình nguyện hiến đất để làm đường đi vào giọt nước, ông Siu Píp chia sẻ: “Mình hiến phần đất chiều rộng 4 m, chiều dài khoảng 30 m để mở con đường rộng rãi, tạo thuận lợi cho người dân”.
Làng Kách có 130 hộ, 100% là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Ông Đinh Duy Nguyên-Bí thư Đảng ủy xã Ia Khươl-cho biết: Người dân làng Kách gặp nhiều khó khăn, trong đó có vấn đề nước sinh hoạt. Ở đây, người dân không đào được giếng vì có nhiều đá ngầm. Việc xây dựng công trình giọt nước kiên cố, vệ sinh rất có ý nghĩa đối với dân làng. Không chỉ có nước sạch sử dụng mà qua đó còn thể hiện tinh thần đoàn kết, ý thức trách nhiệm của dân làng Kách trong việc chung tay phối hợp xây dựng và giữ gìn công trình để sử dụng dài lâu. “Chúng tôi cảm ơn các Mạnh Thường Quân đã hỗ trợ kinh phí xây dựng công trình và cam kết giữ gìn, phát huy giá trị công trình một cách hiệu quả”-ông Nguyên nói.
Bà con làng Kách trình diễn cồng chiêng và múa xoang trong Lễ bàn giao công trình giọt nước. Ảnh: Như Nguyện
Bà con làng Kách trình diễn cồng chiêng và múa xoang trong lễ bàn giao công trình giọt nước. Ảnh: Như Nguyện
Đến chung vui với người dân làng Kách, bà Rơ Châm H’Phik-Trưởng ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện-cho biết: “Trước vấn đề thiếu nước sạch sinh hoạt của người dân làng Kách, tôi cũng như các đồng chí lãnh đạo xã Ia Khươl hết sức trăn trở và tìm giải pháp khắc phục. Vừa qua, chúng tôi đã vận động được Mạnh Thường Quân ủng hộ kinh phí xây dựng công trình giọt nước cho làng. Sau khi giúp giải quyết vấn đề nước sinh hoạt, chúng tôi tiếp tục quan tâm hỗ trợ bà con phát triển kinh tế, ổn định đời sống”.
Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân nghèo tỉnh là cầu nối vận động kinh phí và thay mặt Mạnh Thường Quân giám sát thi công, bàn giao công trình. Ông Võ Minh Nghĩa-đại diện Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân nghèo tỉnh-cho hay: Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân nghèo tỉnh thành lập và hoạt động gần 10 năm qua với mục tiêu chính là hỗ trợ bệnh nhân nghèo. Quỹ còn thực hiện một số chương trình như: xây dựng lớp học, trao học bổng, xe đạp, sách vở cho học sinh khó khăn và xây dựng các công trình thiện nguyện khác… Để giúp bà con có nước sinh hoạt, chúng tôi đã kết nối với các Mạnh Thường Quân ủng hộ kinh phí và đây là công trình nước sạch thứ 20 được thực hiện. Kinh phí xây dựng một công trình trung bình vào khoảng 100 triệu đồng. Các công trình đã phát huy hiệu quả giúp bà con ở các làng vùng sâu, vùng xa, khó khăn trên địa bàn tỉnh có nước sinh hoạt sử dụng, nhất là vào mùa khô.
NHƯ NGUYỆN
 

Có thể bạn quan tâm

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

(GLO)- Nhờ tích cực hỗ trợ về sinh kế, xây dựng nhà ở và các chương trình hỗ trợ thiết thực khác đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố Pleiku giảm còn 0,12%, vượt 0,04% so với chỉ tiêu giảm nghèo năm 2024 mà UBND tỉnh giao (kế hoạch giao 0,16%).

Sau khi được hỗ trợ làm nhà, gia đình anh Đàm Văn Kim (thôn 4, xã Ia Vê) yên tâm phát triển kinh tế và đã thoát nghèo. Ảnh: L.N

Chư Prông hỗ trợ hộ nghèo an cư

(GLO)- Triển khai Dự án 1 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) đã xây dựng hàng trăm căn nhà giúp hộ nghèo “an cư lạc nghiệp”.

Khoảng lặng ở Tây Hồ

Khoảng lặng thôn Tây Hồ

(GLO)- Khoảng lặng chúng tôi muốn nói đến chính là cuộc sống của những người từng mắc bệnh phong, sống lặng lẽ ở xóm cùi thuộc thôn Tây Hồ (xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai).