(GLO)- Cuối năm 1974, đang làm báo, tôi được cấp trên điều sang làm công tác Tuyên huấn. Nhân dịp đó, tôi được đi cùng một số cán bộ của Mặt trận B3 (Quân đoàn 3 ngày nay) ra Bắc. Chỉ còn 9 ngày nữa là đến Tết Âm lịch Ất Mão, mấy anh em ra Bắc an dưỡng cùng hàng trăm cán bộ của toàn quân được điều động hành quân gấp vào chiến trường. Bộ Tổng Tư lệnh điều một lúc 50 chiếc xe hồng thập tự vừa được các nước bạn viện trợ vào chiến trường, kết hợp chở anh em chúng tôi kịp phục vụ chiến dịch. Lúc ấy, anh em chúng tôi chỉ biết sắp mở chiến dịch lớn.
Đoàn xe đều cắm cờ hồng thập tự nên được ưu tiên số một qua tất cả các cầu phà. Vì vậy chỉ 3 ngày, chúng tôi đã vào được chiến trường. Vào hôm trước thì hôm sau đã khoác ba lô đi chiến dịch ngay. Anh em ở cơ quan thì đã đi trước đó 2 tuần, chỉ còn lại anh em ở lại chăm sóc nương rẫy và một số được ra Bắc chữa bệnh.
Một bộ phận Sở Chỉ huy của Mặt trận đóng ở phía Bắc Thuận Mẫn, tại một cánh rừng phía Tây đường 14. Lúc ấy tôi được báo tin quân ta đã đánh chiếm quận lỵ Đức Lập phía Nam Đak Lak, bắt sống viên đại tá tỉnh trưởng. Hôm sau, ta đánh Buôn Ma Thuột chiếm sân bay Hòa Bình. Tiếp đó, ta đánh quân đổ bộ bằng đường không ở Phước An, đánh quân của Lữ dù 3 ngụy tại đường đèo MDrăk hòng tái chiếm Đak Lak. Sau nữa là cuộc “đại di tản” của quân đoàn II ngụy khỏi chiến trường Tây Nguyên, như ta đã biết.
|
Xe tăng Quân Giải phóng húc đổ cổng Dinh Độc Lập ngày 30-4-1975. Ảnh: TƯ LIỆU |
Cũng tại sở chỉ huy của Mặt trận B3 tại Bắc Thuận Mẫn, Chính ủy Mặt trận Đặng Vũ Hiệp công bố Quân đoàn 3 được thành lập. Ít ngày sau, chúng tôi đi bằng xe cơ giới hành quân vào Tây Ninh, chuẩn bị cho chiến dịch Tổng tiến công giải phóng Sài Gòn.
Lúc này, Sở Chỉ huy đóng tại một cánh rừng cao su ở Trảng Bàng. Trời Tây Ninh nắng như đổ lửa, khát nước đến cháy cổ mà con lạch ở nơi đóng quân quá nhỏ, bộ đội lại đóng quân quá đông nên con lạch trở nên cạn khô đến trơ cả đáy. Phải chờ hàng tiếng đồng hồ cho nước mạch chảy ra, chúng tôi mới có nước để đun nấu. Giữa lúc đó, tôi được lệnh triệu tập về Ban Tuyên huấn Trung ương Cục dự tập huấn về công tác dân vận và công tác tiếp quản những nơi ta sẽ giải phóng.
Việc chuẩn bị cho chiến dịch diễn ra rất khẩn trương. Tôi và Đại úy Phan Phức được phân công theo dõi đài địch để phục vụ cho Bộ Tư lệnh Quân đoàn. Lúc thì nghe tin Trần Văn Hương thay Nguyễn Văn Thiệu làm Tổng thống Việt Nam Cộng hòa, phát biểu rất hùng hồn rằng sẽ “tử thủ” Sài Gòn. Rồi ít hôm lại nghe Dương Văn Minh sắp thay Trần Văn Hương. Đang ngồi dưới hầm theo dõi đài địch thì tôi được nhận thư vợ. Thật là niềm hạnh phúc hiếm có. Trong thư, vợ tôi nhắn: “Ở quê nhà náo nức nghe chiến thắng dồn dập trong đó, phấn khởi vô cùng. Tin tưởng sắp đến ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, mọi người đang đón chờ tin đại thắng và sẵn sàng vào Nam chiến đấu, công tác”.
Tôi được lệnh của đồng chí Thái Bá Nhiệm-Chủ nhiệm Cục Chính trị Quân đoàn-phân công xuống kiểm tra công tác chuẩn bị cho chiến dịch của một trung đoàn đặc công. Trung đoàn có nhiệm vụ đêm 28, rạng sáng 29-4-1975 đánh chiếm và chốt giữ 2 vị trí đầu cầu của cầu Bông và cầu Sáng để đại quân tiến công vào Sài Gòn.
Đây là việc tôi chưa từng làm nên rất lo, vì trước giờ tôi chỉ quen viết báo, thỉnh thoảng được giao nắm tình hình các đại đội, các tiểu đoàn độc lập. Nhiệm vụ lần này có liên quan mật thiết đến sức tiến công của toàn Quân đoàn-một trong 5 mũi tiến công chiến dịch vào nội đô Sài Gòn. Nhưng thấy rõ trách nhiệm của một trợ lý phục vụ cho việc chỉ huy của cánh quân Tây Bắc Sài Gòn, tôi hăng hái mang ba lô, súng đạn lên đường như một chiến sĩ.
Tôi cùng anh em bọc ba lô vào túi ni lông bơi qua sông Sài Gòn. Đang là mùa khô, sông không sâu mấy nên chúng tôi dễ dàng vượt qua. Lúc này, gần như ta đã làm chủ vùng ngoại vi Sài Gòn. Quân ngụy chủ yếu đóng ở các đồn bốt, lại bị quân và dân ta liên tục tấn công áp chế nên chúng tôi thoải mái đi lại giữa ban ngày. Đến trung đoàn, tôi vận dụng kinh nghiệm hơn 8 năm làm báo ở chiến trường Tây Nguyên để lần lượt gặp Ban Chỉ huy trung đoàn, các đại đội, tiểu đoàn trực thuộc và trực tiếp kiểm tra các trung đội đánh chiếm 2 đầu cầu của cầu Bông và cầu Sáng. Tôi kiểm tra kỹ lưỡng, từ trang bị đến động tác thực hành chiến đấu của từng chiến sĩ một.
Đến chiều, tôi trở về gặp đồng chí Thái Bá Nhiệm báo cáo. Đồng chí lắng nghe từ đầu chí cuối, sau cùng hỏi một câu rất cô đọng: “Theo đồng chí, trung đoàn có hoàn thành nhiệm vụ được không?”. Câu hỏi này làm tôi thực sự bối rối, vì trả lời “có” hoặc “không” đều không ổn. Nếu nói rằng “có” mà đêm 29 trung đoàn không hoàn thành nhiệm vụ thì tôi sẽ thành thằng báo cáo láo, “mất đầu” như chơi, việc binh mà!
Đêm đó, nằm dưới hầm, tôi không tài nào chợp mắt được, tai áp vào máy nghe diễn biến của trận đánh đến sốt cả ruột. Đến 1 giờ sáng, tôi vỡ òa sung sướng. Anh em đặc công đã diệt gọn 2 tiểu đội địch chốt giữ nơi đầu cầu của 2 chiếc cầu. Trung đoàn đã làm chủ các vị trí này, đặt pháo phòng không chốt bảo vệ bầu trời, tạo điều kiện cho Sư đoàn 10 hành quân cùng các lữ đoàn pháo binh, xe tăng, pháo phòng không giữa ban ngày tiến về hướng Sài Gòn. Đến 3 giờ chiều, Sư đoàn 10 đã đến ngã tư Bảy Hiền, chờ sáng hôm sau (30-4) cùng các quân đoàn bạn tiến công đồng loạt vào các căn cứ chủ yếu được phân công. Quân đoàn 3 được phân công đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất và phát triển sang Bộ Tổng tham mưu quân lực Việt Nam Cộng hòa. Cũng trong sáng 29-4, Sư đoàn 320 (Quân đoàn 3) đã tiến công căn cứ Đồng Dù ở ngoại vi Sài Gòn, bắt sống tên Tư lệnh Sư đoàn 25 ngụy Lý Tòng Bá. Tên tướng này được phong Chuẩn tướng nhờ “công lao” giữ được thị xã Kon Tum dịp Xuân Mậu Thân (1968).
Sáng 30-4, tôi và Đại úy Phan Phức vẫn tiếp tục theo dõi đài địch. Khoảng 10 giờ 30 phút, chúng tôi nghe tin Tổng thống Việt Nam Cộng hòa đọc bản tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Cả 2 mừng quá, vội trực tiếp lên báo cáo với Bộ Tư lệnh Quân đoàn. Đồng chí Chính ủy Đặng Vũ Hiệp lệnh cho một tài xế lái chiếc xe Jeep chiến lợi phẩm đưa tôi và Đại úy Thiên Lương, cũng là một trợ lý Tuyên huấn, đi kiểm tra những vị trí mà các sư, lữ đoàn trực thuộc đã làm chủ. Đồng chí còn căn dặn: Nếu có chiến lợi phẩm nào có giá trị hãy thu về để sau này lập nhà truyền thống của Quân đoàn.
Đồng chí lái xe nguyên là lính ngụy bị bắt đi quân dịch, nhưng lại là con ruột của một cán bộ Quân đoàn. Cán bộ này đã viết thư về cho gia đình, bảo con phải tìm mọi cách về với Quân giải phóng. Với sự hướng dẫn của người cha, anh ta đã theo hướng Tây về với Mặt trận B3. Trước đó, trong ngụy quân anh đã được học lái xe và rất thông thuộc đường phố Sài Gòn. Vì vậy, anh đã lái xe đưa chúng tôi đi khắp những nơi cần thiết. Chúng tôi theo quốc lộ 22 tiến về Sài Gòn, trên đường gặp rất nhiều xác xe tăng, xe bọc thép và GMC bị địch bỏ lại. Vào gần trung tâm Sài Gòn, chúng tôi cũng thấy rất nhiều thùng phuy và quần áo ngụy trút bỏ đầy ngập hai bên đường. Đến căn cứ Phòng Thành-Bộ Tư lệnh Công binh ngụy, chúng tôi thu được bộ quân phục có đính quân hàm đại tá của viên Tư lệnh trưởng. Đến căn cứ Sư đoàn dù thì ngổn ngang cảnh đổ nát, chứng tỏ vừa xảy ra trận chiến ác liệt. Chúng tôi chỉ thu được một số logo biểu tượng của các lữ dù. Khi chúng tôi vào sân bay Tân Sơn Nhất rồi sang căn cứ Bộ Tổng tham mưu Việt Nam Cộng hòa, Ban Chỉ huy Trung đoàn 28 đã giao cho chúng tôi bộ quân phục, mũ, quân hàm, gậy, cờ chỉ huy, con dấu và biển tên của Bộ trưởng Bộ quốc phòng ngụy là Đại tướng Cao Văn Viên. Sau này, chúng tôi còn thu được thêm mũ, quân phục của tướng Nguyễn Cao Kỳ và tướng không quân thường gọi là “Minh bé” để phân biệt với Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh (thường gọi là “Minh lớn”).
Đến khoảng 12 giờ trưa 30-4-1975, chúng tôi mới tới được Dinh Độc Lập (nay gọi là Dinh Thống Nhất). Đồng bào đứng tụ tập trước Dinh rất đông. Ai cũng muốn gặp bộ đội hỏi han tin tức. Không ít người tò mò nhìn chúng tôi, xem chừng như muốn tìm người quen, người thân.
Vài ngày sau, tôi mới có dịp vào thăm trại David, nơi 2 phái đoàn của ta đóng quân ở đầu đường bay Tân Sơn Nhất. Tôi may mắn lại gặp một người bạn từng học cùng tại Trường Tuyên giáo Trung ương năm 1965. Chuyện ở trại David cũng rất lý thú, song bài viết đã dài, tôi xin dành một dịp khác để kể thêm...
NGUYỄN KHẮC QUÁN