"Con thoi" giữa vùng dịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cùng với lực lượng tuyến đầu, tổ Covid cộng đồng ở các làng đang thực hiện phong tỏa tại TP. Pleiku luôn phát huy vai trò xung kích nhằm giúp đỡ, động viên bà con vượt qua khó khăn, chung tay đẩy lùi dịch bệnh. Họ thực sự là những “con thoi” giữa vùng dịch.
Hơn 1 tuần qua, làng Ốp (phường Hoa Lư) trở nên vắng vẻ, một không khí trầm buồn bao trùm hơn 200 nếp nhà. Ngôi làng du lịch vốn nhộn nhịp nay bỗng cửa đóng, then cài. Tiếng cồng chiêng rộn rã từ các nhà hàng ẩm thực vụt tắt, hoạt động lao động sản xuất cũng đành ngừng lại, bà con giữ chân mình ở yên trong nhà. Khắp các lối ra của làng đều có chốt chặn, “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. “Từ trước đến nay, dân làng vẫn nghe dịch Covid-19 nhưng chưa từng nghĩ dịch bệnh sẽ vào tận làng mình. Do đó, mấy ngày đầu phong tỏa, bà con không giấu được nỗi e sợ, không biết xử trí thế nào. Do vậy, tổ Covid cộng đồng phải tuyên truyền, vận động, giải thích để bà con hợp tác với chính quyền thực hiện xét nghiệm, cách ly điều trị, cách ly tập trung”-anh Rơ Châm Thot-Bí thư Chi bộ làng Ốp, thành viên tổ Covid cộng đồng-cho hay.
Theo anh Thot, trong khoảng thời gian làng thực hiện phong tỏa, gần 10 anh em trong tổ Covid cộng đồng không ngủ ở nhà. Các anh phải trực 24/24 giờ tại chốt vì không có người thay thế. Anh Thot tâm sự: “Mỗi ngày, ngoài việc kiểm soát người ra vào làng, chúng tôi còn vận động, trấn an bà con tin tưởng vào công tác phòng-chống dịch. Cá biệt có người tỏ ra sợ sệt khi phải cách ly tập trung hay đi điều trị. Để hỗ trợ lực lượng y tế hoàn thành nhiệm vụ, chúng tôi đến từng nhà tuyên truyền, vận động. Vừa rồi, tổ cũng có 2 thành viên thực hiện cách ly nên giờ chỉ còn 8 người tiếp tục nhiệm vụ. Chưa bao giờ làng Ốp buồn đến vậy. Có những gia đình 7-8 người lần lượt đi cách ly điều trị, những đứa trẻ chỉ 6-8 tuổi cũng phải rời cha mẹ để vào viện điều trị, đến khu cách ly. Vậy nên, các thành viên trong tổ thường động viên nhau phải vững vàng, hỗ trợ hết mình để bà con yên tâm thực hiện cách ly. Với các gia đình phải cách ly hoàn toàn, chúng tôi phân công người phụ giúp chăm sóc gia súc, gia cầm.
Tổ Covid cộng đồng vận chuyển nhu yếu phẩm hỗ trợ người dân khu vực phong tỏa làng Pleiku Roh (phường Yên Đổ, TP. Pleiku). Ảnh: Bá Bính
Tổ Covid cộng đồng vận chuyển nhu yếu phẩm hỗ trợ người dân khu vực phong tỏa làng Pleiku Roh (phường Yên Đổ, TP. Pleiku). Ảnh: Bá Bính
Làng Pleiku Roh (phường Yên Đổ) cũng trong tình cảnh tương tự. Hơn nửa tháng nay, sân thể thao của làng vắng bóng thanh niên. Con đường làng không một bóng người hay phương tiện qua lại. Ngày ngày, chỉ có tiếng loa tuyên truyền của phường và lực lượng làm nhiệm vụ chống dịch Covid-19 trong bộ đồ bảo hộ kín mít gõ cửa từng nhà để kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm. Không ai được ra khỏi nhà nên tổ Covid cộng đồng của làng là nơi để bà con đăng ký lương thực thực phẩm, sau đó báo cho phường mua giúp. Tổ cũng có nhiệm vụ phân phát quà hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân. Sau nỗi lo thiếu thực phẩm là nỗi lo ruộng đồng không ai trông nom, thu hoạch.
Ông Giang Minh Nghi-Bí thư Chi bộ làng Pleiku Roh-cho hay: Từ khi làng thực hiện phong tỏa đến nay, phường Yên Đổ và các nhà hảo tâm vẫn liên tục hỗ trợ nhu yếu phẩm để cấp phát cho dân làng. Trong lúc khó khăn như thế này, chúng tôi luôn nhận được sự quan tâm, sẻ chia của cộng đồng. Bà con tạm cất đi nỗi lo lắng để yên tâm chống dịch. Tổ Covid cộng đồng cũng nỗ lực hết sức để kịp thời phân bổ, cấp phát cho người dân.
Tận mắt chứng kiến sự tận tụy, vất vả của tổ Covid cộng đồng những ngày qua, chị Trần Thị Trà My xúc động bày tỏ: “Tổ Covid cộng đồng luôn gần gũi, gắn bó với bà con. Họ phải đảm nhận rất nhiều công việc từ điều tiết lương thực, thực phẩm, tuyên truyền, vận động bà con xét nghiệm, đi cách ly, điều trị cho đến việc trông chừng nhà cửa, gia súc, gia cầm cho các gia đình… Người dân chúng tôi rất cảm ơn và nhắc mình phải thực hiện tốt hơn nữa việc phòng-chống dịch”.
PHƯƠNG VI

Có thể bạn quan tâm

Dự kiến bình quân mỗi cấp xã có khoảng 32 biên chế, chuyển 100% biên chế cấp huyện về xã

Dự kiến bình quân mỗi cấp xã có khoảng 32 biên chế, chuyển 100% biên chế cấp huyện về xã

(GLO)- Định hướng một số nhiệm vụ về tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức, viên chức khi thực hiện sắp xếp, Ban Chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp dự kiến bình quân mỗi cấp xã có khoảng 32 biên chế.

Mô hình trồng ngô ngọt của phụ nữ Ia Broăi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Vũ Chi

Phụ nữ Ia Broăi thay đổi nếp nghĩ, cách làm

(GLO)- Với sự đồng hành của Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã Ia Broăi (huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai), nhiều hội viên phụ nữ dân tộc thiếu số đã từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm, lựa chọn mô hình phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện gia đình, mang lại thu nhập ổn định, cải thiện cuộc sống.

Sở Tài chính Gia Lai đề xuất phân bổ lại kinh phí chi thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát từ nguồn hỗ trợ của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam

Sở Tài chính Gia Lai đề xuất phân bổ lại kinh phí chi thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát từ nguồn hỗ trợ của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam

(GLO)- Ngày 11-4, Sở Tài chính tỉnh Gia Lai có Công văn số 1269/STC-QLNS về việc đề xuất phân bổ lại kinh phí chi thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam.