Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành: Khẩn trương xử lý dứt điểm các ổ dịch tại Pleiku và Krông Pa

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Đó là chỉ đạo của Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác tháng 8 và triển khai nhiệm vụ tháng 9-2021 diễn ra sáng 1-9.

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Quang Tấn
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Quang Tấn

Kinh tế-xã hội tiếp tục phát triển ổn định

Tháng 8 và 8 tháng năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng được sự quan tâm của Trung ương và sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh và cấp ủy, chính quyền các cấp, cùng tinh thần trách nhiệm cao của các lực lượng, nhất là các lực lượng chống dịch ở tuyến đầu, sự đồng lòng ủng hộ, nỗ lực của người dân, doanh nghiệp…, tỉnh đã thực hiện tốt “mục tiêu kép” vừa phòng-chống dịch, bảo vệ sức khỏe Nhân dân, vừa phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn. Theo đó, giá trị sản xuất công nghiệp, tổng mức bán lẻ hàng hóa, thu ngân sách, kim ngạch xuất nhập khẩu... tăng so với cùng kỳ năm 2020. Đây là thành quả bước đầu của việc nỗ lực tăng cường công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư của tỉnh trong thời gian qua, nhất là trong phát triển các chương trình, dự án nông nghiệp, các dự án năng lượng tái tạo.

Cụ thể, giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh 2010) tháng 8 ước đạt 1.871 tỷ đồng; tính chung 8 tháng đạt 14.842 tỷ đồng, bằng 59,85% kế hoạch, tăng 11,08% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 8 ước đạt 6.689 tỷ đồng, tăng 7,5% so tháng trước; tính chung 8 tháng ước đạt 49.000 tỷ đồng, bằng 58,33% kế hoạch, tăng 10,39% so cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu tháng 8 ước đạt 45 triệu USD; tính chung 8 tháng đầu năm đạt 405 triệu USD, bằng 66,39% kế hoạch, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2020. Theo ông Phạm Văn Binh-Giám đốc Sở Công thương, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh lĩnh vực dịch vụ, du lịch kéo theo sự suy giảm của lĩnh vực bán lẻ trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, nhìn chung, việc lưu thông hàng hóa trên địa bàn tỉnh thông suốt, không xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá. Các doanh nghiệp, nhà phân phối, tiểu thương trên địa bàn tỉnh đã chuẩn bị tốt nguồn cung, đa dạng các loại hàng tiêu dùng đảm bảo đáp ứng phục vụ tiêu dùng cho nhân dân. Đồng thời, Sở cũng đã triển khai các giải pháp xử lý kịp thời, đảm bảo hỗ trợ sản xuất, lưu thông, tiêu thụ hàng hóa, nông sản trong tình hình dịch Covid-19.

Giám đốc Sở Công thương Phạm Văn Binh nêu các giải pháp thực hiện của ngành trong thời gian qua. Ảnh: Quang Tấn
Giám đốc Sở Công thương Phạm Văn Binh nêu các giải pháp thực hiện của ngành trong thời gian qua. Ảnh: Quang Tấn


Song song với đó, thu ngân sách trên địa bàn tháng 8 đạt 668,9 tỷ đồng; tính chung 8 tháng đầu năm ước đạt 5.044 tỷ đồng, đạt 110,8% dự toán Trung ương giao và 99,9% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 83,9% so với cùng kỳ năm trước. Kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 đã phân bổ (kể cả vốn kéo dài) hơn 2.558 tỷ đồng; đến chiều 30-8 đã thực hiện giải ngân 965,3 tỷ đồng, đạt 37,73% kế hoạch… Các lĩnh vực văn hóa-xã hội, y tế, giáo dục tiếp tục có bước phát triển. Thực hiện kịp thời, đầy đủ các chế độ, chính sách cho các đối tượng thụ hưởng. Tình hình an ninh chính trị, an ninh biên giới, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

Tuy nhiên, bên cạnh chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nông dân trên địa bàn tỉnh còn chịu ảnh hưởng nặng do dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Ông Lưu Trung Nghĩa-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho biết: Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc lưu thông hàng hóa gặp khó khăn nên giá phân bón, vật tư nông nghiệp, thức ăn gia súc tăng cao, tăng khoảng 20% đã ảnh hưởng đến sản xuất của người dân. Cùng với đó, tình trạng dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi trong thời gian qua cũng đã gây thiệt hại lớn cho người dân như bệnh khảm vi rút trên cây mì, bệnh trắng lá mía, sâu keo mùa thu, dịch tả heo châu Phi, viêm da nổi cục trên đàn trâu bò…

Tính đến nay, toàn tỉnh có 1.237 ha mì nhiễm bệnh khảm lá vi rút tại 9 địa phương; 327,9 ha mía nhiễm bệnh trắng lá phân bố tại huyện la Pa; bệnh sâu keo mùa thu gây hại rải rác tại TP. Pleiku và huyện Kbang. Cùng với đó, từ ngày 27-5 đến cuối tháng 8-2021, trên địa bàn tỉnh phát hiện 19.958 con bò mắc bệnh viêm da nổi cục của 11.889 hộ tại 160 xã, phường, thị trấn thuộc 14 huyện, thị xã, thành phố; lực lượng chức năng đã tiêu hủy 1.782 con (trọng lượng 249.906 kg), khỏi bệnh 12.176 con.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Lưu Trung Nghĩa nêu những khó khăn nông dân gặp phải trong thời gian qua. Ảnh: Quang Tấn
Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Lưu Trung Nghĩa nêu những khó khăn nông dân gặp phải trong thời gian qua. Ảnh: Quang Tấn


Trong công tác phòng-chống dịch bệnh, từ ngày 28-5 đến 17 giờ ngày 30-8, toàn tỉnh phát hiện 483 ca nhiễm Covid-19 trên địa bàn 7 huyện, thị xã, thành phố. Có 168 trường hợp đã xuất viện theo đúng quy định, hiện còn 315 trường hợp đang cách ly, điều trị. Trước tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn TP. Pleiku đang diễn biến phức tạp, liên tục xuất hiện các ca dương tính và chưa rõ nguồn lây, UBND tỉnh đã có Công điện số 20/CĐ-UBND ngày 27-8-2021 về việc thực hiện một số biện pháp cấp bách để phòng-chống dịch Covid-19, trong đó, thực hiện giãn cách xã hội trên phạm vi toàn TP. Pleiku từ 0 giờ ngày 28-8 theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, đến nay, tỉnh đã triển khai tiêm 64.078 liều/69.296 liều vắc xin được cấp; công tác tổ chức tiêm chủng đảm bảo an toàn, đúng đối tượng.

Ngoài ra, tỉnh đã triển khai trợ cấp kịp thời, công khai, minh bạch, đúng đối tượng theo quy định tại Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1-7-2021 của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7-7-2021 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; đến nay, tổng kinh phí thực hiện hỗ trợ hơn 22,4 tỷ đồng. Gia Lai cũng đã cử đoàn công tác của tỉnh (gồm 4 bác sĩ và 17 điều dưỡng) có kinh nghiệm, năng lực, trình độ để tham gia phục vụ phòng-chống dịch Covid-19 tại TP. Hồ Chí Minh; đồng thời, đưa 24 người từ tỉnh Bình Dương về Gia Lai, trong đó có 22 phụ nữ mang thai và 2 trẻ em.

Quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ đề ra

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên đề nghị, trong tháng 9, ngành Nông nghiệp và PTNT cần tập trung đánh giá tình hình sản xuất nông nghiệp của 9 tháng và ước tính thực hiện trong năm 2021 để làm cơ sở xây dựng kế hoạch năm 2022. Đặc biệt, cần giải quyết những khó khăn của các cơ sở sản xuất, người dân hiện đang tái đàn cũng như nhu cầu về vật tư nông nghiệp phục vụ cho sản xuất; đồng thời, tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh nông nghiệp. Ngoài ra, ngành Nông nghiệp và PTNT cần lưu ý đến công tác phòng-chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; kiên quyết phát hiện, xử lý ngay các ổ dịch, nhất là kiên quyết không để giết mổ, vận chuyển gia súc nhiễm bệnh.

Về vấn đề tiến độ thực hiện, giải ngân các công trình xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh còn chậm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đỗ Tiến Đông cho rằng: Chúng ta không nói chung chung nữa, mà phải rà soát cụ thể từng công trình, từng dự án đến nay như thế nào và đến ngày 30-9 thì giải ngân được bao nhiêu phần trăm. Sau lễ, Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp báo cáo UBND tỉnh, trong đó phân ra, đối với chuyển tiếp (đề nghị đến ngày 30-9 phải hoàn thành 100%), khởi công mới đầu năm 2021, các dự án mới được thông qua. Ngoài ra, theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, phần lớn các nguồn vốn tập trung vào Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh cho nên muốn toàn tỉnh đạt 60% thì đơn vị này phải đạt tiến độ giải ngân được 70-80%...

Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành đề nghị người đứng đầu các sở, ngành, chính quyền địa phương cần nêu cao tinh thần, trách nhiệm trong thực hiện công vụ với tinh thần “Nói đi đôi với làm-mà làm phải đạt hiệu quả”, “Sai phải sửa ngay để làm cho hiệu quả” và “Làm hết việc chứ không phải làm hết giờ”. Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị cả hệ thống chính trị, lãnh đạo các sở, ngành, chính quyền các địa phương không được chủ quan, lơ là trong công tác phòng-chống dịch Covid-19; khẩn trương xử lý dứt điểm các ổ dịch tại TP. Pleiku, huyện Krông Pa để chuyển sang trạng thái bình thường mới. Đồng thời, các ngành tăng cường các biện pháp đảm bảo cung cầu hàng hóa, dịch vụ, bình ổn giá cả, thị trường, kiên quyết không để đứt gãy chuỗi sản xuất; tăng cường lực lượng kiểm tra, kiểm soát, thực hiện các biện pháp mạnh để ngăn chặn nạn buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng.


 

Lực lượng quản lý rừng phòng hộ Mang Yang và người dân tham gia trồng rừng. Ảnh: Nguyễn Diệp
Lực lượng quản lý rừng phòng hộ Mang Yang và người dân tham gia trồng rừng. Ảnh: Nguyễn Diệp

Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và PTNT cần tập trung phòng-chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm; tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, chăm sóc rừng trồng và thực hiện kế hoạch trồng rừng năm 2021. Tăng cường bảo đảm an toàn công trình thủy lợi trong mùa mưa lũ; phòng-chống các hiện tượng thiên tai, thời tiết cực đoan. Sở Giáo dục và Đào tạo cần xây dựng một khung chung theo từng vùng dịch (theo vùng đỏ, cam, vàng, xanh) để các huyện áp dụng cho từng vùng. Ngành Giáo dục cũng cần phối hợp vận động các doanh nghiệp, các gia đình có thiết bị điện tử (máy tính, tivi) không sử dụng để hỗ trợ cho các vùng khó khăn thực hiện học và dạy online trong điều kiện dịch bệnh.


Đặc biệt, Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị các sở, ngành, chính quyền các địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ các công trình xây dựng cơ bản, giải ngân vốn đầu tư công để phục vụ phát triển kinh tế-xã hội. Theo kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 đã phân bổ (kể cả vốn kéo dài) hơn 2.558 tỷ đồng thì đến cuối tháng 8, mới chỉ giải ngân được hơn 965 tỷ đồng, đạt 37,73%. “Tôi đề nghị cần tập trung rà soát, đánh giá lại từng dự án, dự án nào chưa hoàn thành thì cắt, chuyển sang dự án khác. Những dự án đã giao từ đầu năm, chuyển tiếp từ năm ngoái tới bây giờ mà không có khả năng hoàn thành theo tiến độ, đề nghị xem xét trách nhiệm Trưởng ban quản lý dự án đó cũng như xem xét trách nhiệm của các chủ đầu tư. Đồng thời, tạo điều kiện cho tất cả lực lượng tham gia thi công ở các địa phương, kể cả Pleiku”-Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.

Chốt số 1 trên tuyến quốc lộ 25, giáp ranh giữa thị trấn Phú Túc và xã Chư Gu (huyện Krông Pa). Ảnh: Lê Nam
Chốt kiểm soát phòng-chống dịch số 1 trên quốc lộ 25, giáp ranh giữa thị trấn Phú Túc và xã Chư Gu (huyện Krông Pa). Ảnh: Lê Nam


Cùng với đó, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành yêu cầu Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đẩy mạnh triển khai hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Thực hiện nghiêm các quy định về phòng-chống dịch Covid-19 trong 4 ngày nghỉ lễ Quốc khánh 2-9; đặc biệt là đối TP. Pleiku và thị trấn Phú Túc (huyện Krông Pa) đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, người dân cần tuân thủ nghiêm quy định “ai ở đâu ở đó”, không tụ tập đông người, chấp hành tốt thông điệp 5K của Bộ Y tế…
 

QUANG TẤN

Có thể bạn quan tâm

Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát công tác xây dựng, quản lý, sử dụng thiết chế văn hóa, thể thao tại Chư Pưh

Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát công tác xây dựng, quản lý, sử dụng thiết chế văn hóa, thể thao tại Chư Pưh

(GLO)- Sáng 20-11, đoàn giám sát HĐND tỉnh Gia Lai do bà Võ Thị Bảo Ngân-Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh làm Trường đoàn đã giám sát 2 thôn, làng của xã Chư Don và làm việc với UBND huyện Chư Pưh về công tác xây dựng, quản lý, sử dụng thiết chế văn hóa, thể thao.

Chuyện về “biệt đội” cứu hộ chó, mèo

E-magazineChuyện về “biệt đội” cứu hộ chó, mèo

(GLO)- Nằm ở cuối đường Bùi Dự (phường Hoa Lư, TP. Pleiku), Trạm cứu hộ chó, mèo Gia Lai có diện tích khá rộng rãi. Đây là mái ấm của những chú chó, mèo bị bỏ rơi hay may mắn thoát ra từ lò mổ hoặc bị thương do xe tông được “biệt đội” cứu hộ đưa về chăm sóc, nuôi dưỡng.

 Hiệu quả truyền thông giảm nghèo ở phường Thống Nhất

Hiệu quả truyền thông giảm nghèo ở phường Thống Nhất

(GLO)- Thời gian qua, phường Thống Nhất (TP. Pleiku) đã tập trung phổ biến, tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của việc thực hiện công tác giảm nghèo bằng nhiều hình thức. Nhờ đó, người dân đã chủ động phát triển sản xuất, chăn nuôi giúp tăng thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo giảm dần qua các năm.

“Đứng dậy” từ lầm lỗi

“Đứng dậy” từ lầm lỗi

(GLO)- Nhìn những bằng khen, giấy khen treo trên tường nhà, ít ai ngờ rằng, ông Kpă Dõ-Trưởng ban Công tác Mặt trận làng Lê Ngol (xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) từng một thời chìm trong lầm lỗi. Nhờ được cảm hóa và giúp đỡ, ông đã mạnh mẽ “đứng dậy” làm lại cuộc đời.

Dự án “Giếng sạch trao buôn”: Thiết thực, ý nghĩa

Dự án “Giếng sạch trao buôn”: Thiết thực, ý nghĩa

(GLO)- Từ năm 2022 đến nay, Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Tổ chức ASIF tại Việt Nam và các đơn vị tài trợ đã triển khai có hiệu quả Dự án “Giếng sạch trao buôn” giúp bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số có nước sạch để sử dụng.

Gia Lai: Giao mục tiêu, nhiệm vụ thực hiện chương trình MTQG cho 2 huyện Krông Pa và Chư Pưh

Gia Lai: Giao mục tiêu, nhiệm vụ thực hiện chương trình MTQG cho 2 huyện Krông Pa và Chư Pưh

(GLO)- Ngày 12-11, UBND tỉnh Gia Lai có quyết định về việc giao mục tiêu, nhiệm vụ, yêu cầu cụ thể đối với từng chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) cho huyện Krông Pa và huyện Chư Pưh thực hiện thí điểm cơ chế phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình MTQG.