Chợ 5.000 đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Chỉ cần 5.000 đồng có thể mua được mớ rau, mớ ốc đá, cua đồng, ếch đồng, sùng đất, mụt măng hoặc vài quả mướp, rau dớn… những thực phẩm mang đậm mùi hương của núi rừng…
 

Tất cả sản phẩm sạch ấy, hoặc tự sản xuất, hoặc hái lượm của người dân tộc H’rê, được bày bán trong lòng chợ Ba Tơ (huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi). Một nét văn hóa đặc trưng miền sơn cước khiến hầu hết người dân miền xuôi đến đây không khỏi ngạc nhiên đầy thú vị.

 

Phiên chợ 5.000 đồng của người H’rê bắt đầu từ tờ mờ sáng đến khoảng 8 giờ là kết thúc
Phiên chợ 5.000 đồng của người H’rê bắt đầu từ tờ mờ sáng đến khoảng 8 giờ là kết thúc



Bán đồng giá

Đó là giá mỗi món hàng thực phẩm sạch tự sản xuất của người dân H’rê khi đem ra chợ Ba Tơ bày bán. Món nào cũng vậy. Người dân tham gia phiên chợ chia hàng thành từng phần nhỏ, mỗi phần đều đồng giá 5.000 đồng. Rau nấu canh chia thành bó, rau sống chia thành rổ nhỏ, mướp hoặc củ quả chia thành từng phần và được buộc chặt bằng sợi lạt tre, hoặc dây bẹ chuối khô. 1 mụt măng lớn hay 2 mụt nhỏ cũng đều giá 5.000 đồng. Cua đồng, lươn đồng, ếch núi, ốc đá dưới suối… được chia ra đồng đều, bỏ trong chiếc túi ni lông nhỏ, cột lại. Tất cả đều do đồng bào H’rê bắt từ ruộng đồng, sông suối. Dù chỉ 5.000 đồng nhưng cũng đủ để nấu 1 nồi canh rau, 1 đĩa ếch núi chiên… cho gia đình nhỏ (khoảng 3-4 người ăn).

Phiên chợ 5.000 đồng bắt đầu từ 4 giờ 30 đến khoảng 8 giờ sáng là hết, còn lại là các tiểu thương buôn bán cố định tại chỗ. Có mặt từ sáng sớm, chúng tôi có dịp trải nghiệm 1 phiên chợ mang đậm nét đặc trưng của người H’rê. Khi được hỏi, vì sao không bán giá khác mà chỉ bán đồng giá, chị Phạm Thị Hồng (người H’rê đang bán hàng) nói: “Xưa giờ người đồng bào chúng tôi vẫn bán như thế. Trước kia ông bà cha mẹ không có tiếp xúc với tiền, nên tiền lớn quá không biết thối lại, cũng không có tiền để thối. Vậy nên chia phần nhỏ bán như thế này sẽ dễ dàng hơn cho chúng tôi. Ngay cả bây giờ, ai mua mớ rau mà đưa 100.000 đồng tôi cũng trả tiền lại không bán, vì không có tiền thối. Người mua họ cũng quen rồi, nên đưa tiền mệnh giá nhỏ hoặc đưa đúng 5.000 đồng cho chúng tôi, cho thuận tiện. Hàng ngày, chúng tôi ngoài việc trồng keo, làm lúa thì đi mò ốc, bắt cua, hoặc trồng rau, quả quanh nhà, được gì bán đó, kiếm thêm thu nhập...”.

Chị Nguyễn Thị Hồng (tiểu thương tại chợ) chia sẻ thêm: “Mỗi sáng sớm, bà con đồng bào dân tộc lại mang sản phẩm của rừng núi đến đây bày bán, họ thường chọn chỗ nào trống thì ngồi. Và cứ như vậy, họ ngồi xếp hàng dài, bày những thứ mình có ra bán. Ai bán hết sớm thì về sớm, mỗi món hàng họ bán chỉ giá 5.000 đồng nên khi họ mua gì đó, họ cũng thường đưa 5.000 đồng. Ví dụ bún bán 10.000 đồng/tô, nhưng họ đưa 5.000 đồng bà con cũng vui vẻ bán…”.

Chúng tôi bắt gặp anh quản lý chợ Ba Tơ đến thu tiền vệ sinh với giá 1.000 - 2.000 đồng. Lý giải cho việc này, anh nói: “Người đồng bào dân tộc bán nhỏ lẻ những món hàng “cây nhà lá vườn” 5.000 đồng/món. Mỗi ngày nhiều nhất cũng chỉ vài chục ngàn đồng, thu nhiều tiền lấy đâu họ đưa. Hơn nữa, để tạo điều kiện cho họ đến buôn bán kiếm tiền, chúng tôi cũng chỉ thu như thế. Nguồn thu chính là các tiểu thương buôn bán cố định tại chỗ…”.

Phát huy nét đẹp chợ truyền thống

Chợ Ba Tơ đi vào hoạt động từ năm 2012, bắt đầu từ tờ mờ sáng đến 19 giờ mới đóng cửa. Thời điểm sầm uất nhất là từ khoảng 8 giờ sáng, sau đó hầu như chỉ đón khách vãng lai.

“Tuy là chợ cấp xã nhưng nằm ngay trung tâm của huyện, vậy nên chợ buôn bán rất nhộn nhịp. Đây là chợ truyền thống của huyện, các mặt hàng nông sản do người dân tự sản xuất nên rất nhiều và đa dạng. Những quầy chính cố định đa số là người Kinh làm chủ, còn lại các mặt hàng rau củ quả do bà con người dân tộc buôn bán. Hiện thách thức lớn nhất đối với chợ truyền thống là tính tự phát, ban quản lý chợ chỉ quản lý khu vực chợ, còn những chợ tự phát thì chưa quản lý được”, anh Nguyễn Khắc Đệ, Ban quản lý chợ Ba Tơ nói.  

Bà Đinh Thị Y Ban Quý, Chủ tịch UBND thị trấn Ba Tơ, cho biết trong kế hoạch của UBND thị trấn Ba Tơ đã có định hướng cho bà con dân tộc về chăn nuôi, trồng trọt… và các mô hình khác. Trong đó có mô hình tự tăng gia sản xuất để cung cấp các thức ăn sạch cho chính gia đình và đồng thời có thể bán để có thêm thu nhập. 3 năm gần đây, bà con dân tộc đã thực hiện rất tốt, người dân tự trồng được rau sạch, tự chăn nuôi sản xuất và buôn bán. Chúng tôi vẫn khuyến khích, vận động bà con để duy trì thực hiện tốt hơn nét đặc trưng sản phẩm “5.000 đồng” này. Một điều đáng lo hiện nay là bà con người dân tộc buôn bán không theo một khu vực tập trung, gặp đâu ngồi đó ở ngoài khu vực chợ.

“Chúng tôi đang thực hiện phương án đưa tất cả bà con này vào tập trung buôn bán trong chợ và bố trí cho họ những vị trí thích hợp để buôn bán trong một khoảng thời gian nhất định vì họ không bán cả ngày. Chúng tôi đã trao đổi với ban quản lý chợ để sắp xếp nhưng chưa triển khai thực hiện được, trong thời gian tới sẽ có giải pháp vì đây cũng là một điểm văn hóa đặc trưng cần giữ gìn để thu hút khách du lịch”, bà Quý nói.

Có thể nói, người H’rê đã đem lại cho huyện Ba Tơ một bản sắc văn hóa đặc trưng giàu truyền thống. Được thể hiện không chỉ là nhà sàn, thổ cẩm, cồng chiêng và các lễ hội… mà còn có nét văn hóa chợ “5.000 đồng” không phải ai cũng biết đến. Có lẽ, đã đến lúc cần chung tay bảo tồn và gìn giữ văn hóa chợ của người dân tộc H’rê như một trong những sản phẩm du lịch khác của địa phương nhằm thu hút khách đến tham quan thưởng ngoạn. Hiện nay, từ Quảng Ngãi đi Ba Tơ - Ba Vì (gần 60km) đã có tuyến xe buýt số 4 bắt đầu từ 5 giờ 10 và kết thúc lúc 19 giờ 10. Điều này rất thuận lợi cho người miền xuôi lên huyện miền núi này tham quan.

Ngọc Phúc (sggp)

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.