Chiếc tông-đơ ngày cũ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mấy chục năm trước, chú tôi hành nghề hớt tóc dạo. Đầu tiên là loanh quanh trong xóm, sau dần sang các làng, xã lân cận. Dụng cụ hớt tóc là chiếc tông-đơ, chiếc kéo tỉa, kéo cắt, tấm vải trùm, lọ xịt nước, hộp phấn rôm, cọ quét, chai dầu thơm và chiếc ghế xếp làm bằng 2 thanh gỗ hình chữ X, trên lợp tấm vải bố dày.

Đặc biệt, chiếc dao xếp dùng để cạo lông mặt, chân tóc kèm theo một chiếc nịt da mắc trên cành cây hay hàng rào dùng để liếc dao trước khi cạo. Tất cả được đựng trong một chiếc thùng gỗ có nắp đậy. Đồ nghề được chở bằng chiếc xe đạp, dạo quanh các đường làng ngõ xóm với tiếng rao “Hớt tóc đây!” kèm theo chiếc chuông rung “leng keng, leng keng”.

Vị trí ngồi cắt tóc của chú thường dưới bóng râm của cây mít, xoài. Chú tôi luôn nhớ những người ở xóm nào đã hớt cách 1 tháng chú sẽ ghé lại. Nhà tôi cách nhà chú gần 5 cây số nhưng chú đến đúng kỳ tóc dài để hớt cho chúng tôi. Một dạo, tóc tôi ra dài mà trông ngóng mãi chưa thấy chú. Buổi trưa ngồi trong mâm cơm, ba tôi nói, chú đã bị xe nhà binh Mỹ quẹt bị gãy chân. Rồi ba tôi buông tiếng thở dài: “Chắc chú bỏ nghề rồi”.

Sau năm 1975, nhà trường có dạy thêm môn học nghề. Tôi đến thăm chú và ngỏ ý mượn chiếc tông-đơ để thực tập. Chú bảo: “Cháu cứ lấy về mà dùng, chú không đi làm được, để lâu cũng hư”. Hồi đó, cả bộ đồ nghề nếu mua cũng mất cả chỉ vàng.

Năm 1981, tôi xuống công trường xã Yang Nam (huyện Kông Chro) công tác. Khi vào làng Ya Ma, chứng kiến một thanh niên ngồi mài miếng thép mỏng làm dao, mài một lúc anh lại đưa lên cắt một nhúm tóc trên đầu anh để thử độ sắc bén của dao. Thấy lạ, tôi hỏi thì anh trả lời gọn lỏn: “Cắt tóc”. Một em bé chừng 10 tuổi, đầu tóc bờm xờm ngồi sẵn để cho anh cắt. Anh cứ tóm từng chùm tóc và dùng dao… cứa, cả giờ đồng hồ đầu em bé cơ bản là xong nhưng chỗ trắng, chỗ đen trông rất ngộ.

Tôi lại sực nhớ chiếc tông-đơ ở nhà. Chuyến công tác sau, lúc nào trong ba lô cũng có chiếc tông-đơ và dao kéo. Những ngày nghỉ, tôi thường báo với trưởng thôn, ai có nhu cầu cắt tóc tôi sẽ giúp. Nhìn thấy đồ nghề tôi bày ra, cánh đàn ông trong làng thường đến nhờ hớt tóc.

Biết tôi gần xong đợt công tác về lại cơ quan, trưởng thôn ngỏ ý mượn chiếc tông-đơ và kéo để về hớt tóc cho dân. Vài hôm sau, anh mang trả nhưng gương mặt lộ nét buồn và nói: “Dao không cắt được tóc rồi, lỗi do mình, làng mình xin đền anh 1 con bò”. Tôi nhìn xuống chiếc tông-đơ. Thì ra đã bị mẻ mất mấy hàng răng, có lẽ do sơ ý làm rơi. Tôi cười và khỏa tay: “Lỡ rồi bỏ đi, hơn nữa nó cũng lâu quá rồi, anh yên tâm mình không bắt đền đâu!”.

Tưởng chừng sự việc đã quên lãng theo thời gian nhưng bỗng một hôm, trưởng thôn đến cơ quan xin gặp tôi. Mục đích chính là muốn đi tìm mua cái tông-đơ để đền. Tôi lại từ chối. Anh ôm chầm lấy tôi và nói: “Mình thay mặt cả làng cảm ơn em nhiều lắm. Nếu có dịp xuống công tác, nhất định cả làng sẽ chiêu đãi em 1 con heo và 10 ghè rượu để kết nghĩa anh em”. Tuy nhiên, từ ngày đó đến nay, tôi không còn dịp trở lại làng Ya Ma. Nhưng trong tôi, các anh đã là người anh em rồi.

Có thể bạn quan tâm

Quang cảnh hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Dự án 8 tại huyện Ia Pa. Ảnh: Vũ Chi

Ia Pa sơ kết 3 năm triển khai Dự án 8

(GLO)- Sáng 10-12, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Ia Pa (tỉnh Gia Lai) tiến hành sơ kết 3 năm thực hiện dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” giai đoạn 2021-2024.

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện hỗ trợ bò sinh sản cho hộ nghèo ở làng Bua, xã Ia Pnôn. Ảnh: V.H

Đức Cơ quan tâm tạo sinh kế cho hộ nghèo

(GLO)- Cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Đức Cơ (tỉnh Gia Lai) chiếm 10,19%. Nhưng đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm xuống còn 7,92%. Để có được kết quả này, huyện đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể, đặc biệt là tạo sinh kế giúp hộ nghèo chủ động vươn lên trong cuộc sống.

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

(GLO)- Nhờ tích cực hỗ trợ về sinh kế, xây dựng nhà ở và các chương trình hỗ trợ thiết thực khác đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố Pleiku giảm còn 0,12%, vượt 0,04% so với chỉ tiêu giảm nghèo năm 2024 mà UBND tỉnh giao (kế hoạch giao 0,16%).

Sau khi được hỗ trợ làm nhà, gia đình anh Đàm Văn Kim (thôn 4, xã Ia Vê) yên tâm phát triển kinh tế và đã thoát nghèo. Ảnh: L.N

Chư Prông hỗ trợ hộ nghèo an cư

(GLO)- Triển khai Dự án 1 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) đã xây dựng hàng trăm căn nhà giúp hộ nghèo “an cư lạc nghiệp”.

Đoàn giám sát HĐND tỉnh làm việc tại huyện Kbang về “việc cấp giấy CNQSDĐ cho các đối tượng được hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Ảnh: Lê Nam

Kbang thực hiện cấp giấy CNQSDĐ cho 11/68 hộ được hỗ trợ nhà ở

(GLO)- Sáng 4-12, Đoàn giám sát HĐND tỉnh Gia Lai do bà Đinh Ly An-Trưởng Ban Dân tộc làm trưởng đoàn đã giám sát tại huyện Kbang về “việc cấp giấy CNQSDĐ cho các đối tượng được hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi”.

Khoảng lặng ở Tây Hồ

Khoảng lặng thôn Tây Hồ

(GLO)- Khoảng lặng chúng tôi muốn nói đến chính là cuộc sống của những người từng mắc bệnh phong, sống lặng lẽ ở xóm cùi thuộc thôn Tây Hồ (xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai).