Chè dây-Đặc sản của núi rừng Kbang

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Mọc nhiều ở các xã: Sơ Pai, Đak Rong, Sơn Lang (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai), cây chè dây không chỉ làm thức uống giải nhiệt hàng ngày mà còn có công dụng chữa một số bệnh nên được người dân xem như đặc sản.

Tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần, anh Nguyễn Thanh Thảo (thôn 2, xã Sơ Pai) vào khu vực rừng giáp ranh giữa xã Sơ Pai và Sơn Lang để thu hái chè dây. Anh cho hay: Khoảng 5 năm nay, anh thường vào rừng hái chè dây về sơ chế và bỏ mối cho khách ở TP. Pleiku và một số tỉnh phía Bắc. Để có nguồn hàng, anh thuê 1-2 người dân trong xã vào rừng thu hái, mỗi ngày có thể hái được cả tạ.

“Tuy nhiên, vài năm gần đây, nhu cầu khách hàng tăng lên, nhiều người cùng khai thác nên cây chè dây ngày một khan hiếm. Hiện tôi bán lẻ 80 ngàn đồng/kg, giá sỉ thì 70 ngàn đồng. Mỗi năm, tôi bán khoảng 8 tạ chè khô, đem lại nguồn thu nhập thêm cho gia đình khoảng 50 triệu đồng/năm”-anh Thảo chia sẻ.

Cũng theo anh Thảo, chè dây thuộc dạng cây leo mọc hoang trong rừng, dài khoảng 5-7 m, thường bám vào thân cây khác, tua cuốn mọc đối diện với lá và chia thành 2-3 nhánh. Hoa cây chè dây có màu trắng và kết thành từng chùm. Hoa nở vào tháng 6-7 và ra quả vào khoảng tháng 9. Quả có màu đỏ và nhỏ như quả si. Cây chè dây được thu hoạch quanh năm, thường vào thời điểm chưa ra hoa. Do mọc hoàn toàn tự nhiên nên chè dây đến nay vẫn là thức uống được nhiều người tin dùng.

Anh Nguyễn Thanh Thảo (thôn 2, xã Sơ Pai, huyện Kbang) phơi chè dây. Ảnh: N.S

Anh Nguyễn Thanh Thảo (thôn 2, xã Sơ Pai, huyện Kbang) phơi chè dây. Ảnh: N.S

Qua câu chuyện với anh Thảo, được biết, cách sơ chế chè dây khá đơn giản. Sau khi cắt từ rừng về, loại bỏ những lá hỏng, lá sâu và thái nhỏ, phơi khô trực tiếp dưới ánh nắng. Sau đó, dùng lá và thân cây đã phơi khô để uống như trà. Trước khi hãm trà cần tráng hoặc rửa qua nước nhằm loại bỏ bụi bẩn. Mùa hè, nước chè bỏ trong tủ lạnh, bỏ đá uống rất đã khát, mùa đông thì uống nóng. Chè dây có công dụng trị bệnh dạ dày rất tốt. Hiện nay, nhiều hộ dân ở xã Sơ Pai, Sơn Lang, Đak Rong có thu nhập ổn định từ cây chè dây.

Hơn 5 năm nay, sau mỗi cuộc điện thoại đặt hàng, chị Nguyễn Thị Mỹ Hậu (thôn Thống Nhất, xã Sơn Lang) lại tất bật đóng gói chè dây cho khách. Trên mỗi gói chè, chị Hậu cẩn thận ghi tên, số điện thoại người gửi, người nhận và không quên ghi “chè dây rừng Kbang”. Sau đó, chị gửi nhà xe giao cho khách hàng ở TP. Pleiku, Bình Định, Nha Trang, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Bắc.

“Theo nhiều người sử dụng cho biết, chè dây có tác dụng giải độc gan, chữa bệnh dạ dày, giảm mỡ máu. Bình quân mỗi tháng, tôi bán được trên 40 kg chè với giá 70 ngàn đồng/kg, nếu khách đặt số lượng nhiều thì 50 ngàn đồng/kg”-chị Hậu bộc bạch.

Trên mỗi gói chè dây gửi cho khách, chị Nguyễn Thị Mỹ Hậu (thôn Thống Nhất, xã Sơn Lang) không quên ghi “chè dây rừng Kbang”. Ảnh: Ngọc Sang

Trên mỗi gói chè dây gửi cho khách, chị Nguyễn Thị Mỹ Hậu (thôn Thống Nhất, xã Sơn Lang) không quên ghi “chè dây rừng Kbang”. Ảnh: Ngọc Sang

Trao đổi với P.V, ông Đinh Văn Hdăn-Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Lang-cho biết: Trước đây, người dân thường dùng thân và lá chè dây phơi khô rồi cắt nhỏ pha nước nóng uống để trị bệnh dạ dày. Gần đây, thị trường tiêu thụ tương đối lớn. Riêng địa bàn xã Sơn Lang đã có khoảng chục hộ bán chè dây.

Cũng theo ông Hdăn, với việc hình thành các điểm du lịch tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng trong thời gian qua, du khách đến đây không chỉ trải nghiệm cảnh quan thiên nhiên mà còn mua nhiều sản phẩm dược liệu của địa phương, trong đó có chè dây. Tuy nhiên, do khai thác nhiều để phục vụ nhu cầu thị trường nên trữ lượng còn thấp, hàng bán ra thị trường không ổn định. Bên cạnh đó, khâu chế biến, bảo quản còn mang tính thủ công nên chất lượng sản phẩm không đảm bảo, dễ bị ẩm mốc, hư hỏng. Công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm thị trường chưa được thực hiện, các điểm thu mua, trao đổi mang tính tự phát.

“Trước mắt, xã đẩy mạnh tuyên truyền giúp người dân nâng cao ý thức, không nên tận diệt, đốn cây khi thu hái. Đồng thời, khuyến khích một số hộ dân trong quá trình bán sản phẩm chè dây nên đóng gói, dán nhãn mác nhằm nâng cao giá trị và quảng bá sản phẩm. Bên cạnh đó, xã mong muốn xây dựng đề án bảo tồn, phát triển cây chè dây, góp phần xóa đói giảm nghèo, đồng thời tạo thương hiệu cho loại thảo dược đặc sản của vùng núi rừng Kbang”-ông Hdăn thông tin thêm.

Bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Thị Thanh Hương-Trưởng khoa Khám bệnh (Bệnh viện Y dược cổ truyền và Phục hồi chức năng tỉnh): Cây chè dây có nhiều tên gọi khác như: bạch liễm, trà dây, thau rả, khau rả, hồng huyết lon, điền bổ trà, ngưu khiên tỵ, chè hoàng gia, song nho Quảng Đông. Chè dây có vị ngọt, tính mát, được người dân sử dụng như một vị thuốc dân gian trong điều trị viêm loét dạ dày-tá tràng. Ngoài ra, chè dây còn có tác dụng an thần, chữa mất ngủ, chữa tê thấp và phòng bệnh sốt rét, giải nhiệt.

Có thể bạn quan tâm

Xã vùng 3 Ayun nỗ lực thoát nghèo

Xã vùng 3 Ayun nỗ lực thoát nghèo

(GLO)- Với những giải pháp cụ thể cùng nhiều nguồn lực hỗ trợ, năm 2024, xã vùng 3 Ayun (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) đã giảm được 65 hộ nghèo, 30 hộ cận nghèo. Tuy nhiên đến nay, hộ nghèo, cận nghèo ở xã vẫn chiếm tỷ lệ rất cao nên công tác giảm nghèo bền vững gặp nhiều khó khăn.

Gia Lai quy định mức tỷ lệ % để tính đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, đất có mặt nước

Gia Lai quy định mức tỷ lệ % để tính đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, đất có mặt nước

(GLO)- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Hữu Quế vừa ký ban hành Quyết định số 61/2004/QĐ-UBND quy định mức tỷ lệ phần trăm (%) để tính đơn giá thuê đất, mức đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, mức đơn giá thuê đất đối với đất có mặt nước trên địa bàn tỉnh.

Những mô hình thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân Ia Rtô

Những mô hình thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân Ia Rtô

(GLO)- Hưởng ứng cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”, xã Ia Rtô (thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) đã triển khai một số mô hình hay nhằm giúp người dân nâng cao nhận thức, tự lực vươn lên phát triển kinh tế.

Ia Ka đa dạng giải pháp hỗ trợ giảm nghèo

Ia Ka đa dạng giải pháp hỗ trợ giảm nghèo

(GLO)- Những năm qua, xã Ia Ka (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn bà con nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đồng thời thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, góp phần nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo.

Kông Chro mùa gió

Kông Chro mùa gió

(GLO)- Những dãy núi cứ thế hiện ra huyền ảo trong sương sớm. Mặt trời mùa gió thắm nhẹ vén màn mưa để trải ánh vàng xuống miền đất của người Bahnar phía rừng già. Và tôi đã có những ngày mê đắm nơi vùng đất Kông Chro.

Các doanh nghiệp, nhà đầu tư, hợp tác xã có thể gửi ý kiến về các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất thông qua hệ thống Google form. Ảnh: Hà Duy

Gia Lai: Tiếp nhận kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp qua Google form

(GLO)- Sở Kế hoạch và Đầu tư vừa có Công văn số 3260/SKHĐT-DN đề nghị các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố; các doanh nghiệp, nhà đầu tư, hợp tác xã và các Hội nghề nghiệp triển khai tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của các nhà đầu tư, doanh nghiệp qua hệ thống Google form.

Hội nghị góp ý Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND

Góp ý Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND

(GLO)- Ngày 8-11, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Gia Lai tổ chức góp ý Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND. Hội nghị do PGS. TS Nguyễn Danh-Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh chủ trì.